Về khái niệm, chuyển đổi số được xác định là "việc tích hợp và áp dụng công nghệ số nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh, quản lý, năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra những giá trị mới". Các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm việc số hóa dữ liệu quản lý và kinh doanh, sử dụng công nghệ số để tự động hoá và tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ và quản lý, cải tiến quy trình sản xuất và kinh doanh, tối ưu hóa quy trình báo cáo, và cải thiện phối hợp công việc trong doanh nghiệp. Đó là quá trình tác động sâu đến cách tổ chức hoạt động bằng cách áp dụng công nghệ số, nhằm tạo ra giá trị mới và nâng cao hiệu suất làm việc. Còn khi nói về Chuyển đổi xanh là nói tới những nỗ lực nhằm đạt được một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường. Khái niệm này bao gồm một tập hợp các chính sách, chiến lược và thực tiễn với mục tiêu đảm bảo tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội. Hai lĩnh vực này có tác động mang tính tương hỗ: Muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải dùng chuyển đổi xanh. Hai chuyển đổi này sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững.
Vai trò quan trọng của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
Ngày nay, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh-phát triển kinh tế số, hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ là việc ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi quy trình xử lý công việc, quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao hiệu suất, tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Đây được xác định là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để Việt Nam hướng tới một tương lai phát triển tốt đẹp, bền vững. Cũng vì vậy, Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược; là động lực chính của tăng trưởng kinh tế và hai chuyển đổi này cũng sẽ đảm bảo cho quốc gia phát triển nhanh và bền vững...
Do vai trò quan trọng của hai sự “chuyển đổi” nên Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải…
Trong thời gian qua, chuyển đổi số đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu và nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội. Trong quá trình đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện các doanh nghiệp từ cấp trung ương đến cấp địa phương, từ ban hành các văn bản pháp lý, đóng vai trò trung gian kết nối doanh nghiệp và các chuyên gia đơn vị chuyển đổi số đến hỗ trợ tư vấn và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Sự đồng hành của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ toàn diện và tích cực về chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp có thể chủ động vượt qua các thách thức khó khăn để chuyển đổi số thành công.
Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ số đã mang tới cho chúng ta cơ hội nâng cao năng suất, tiếp cận kiến thức mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các sáng kiến đổi mới. Có thể nói, chúng ta đã tiếp cận thành công các cơ hội từ Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số để xác định rõ những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế số, kinh tế xanh cũng là một trong các ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường và thách thức đan xen. Việt Nam xác định, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, nên được xem là sự lựa chọn tất yếu và là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, phát triển kinh tế số Việt Nam thì phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng tính toán AI. Phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực. Đồng thời phải hoàn thiện thể chế số, thực hiện quản trị số và đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt, thu hút nhân tài số… Muốn phát triển nhanh thì chuyển đổi số, muốn phát triển bền vững thì chuyển đổi xanh. Nhưng cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều cần đến công nghệ số mà công nghệ số thì cốt lõi nó chính là bán dẫn… Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Dám ứng dụng, dám đi đầu trong ứng dụng và ứng dụng an toàn sẽ tạo ra sự phát triển và cũng tạo ra sự hoàn thiện công nghệ...
Với những quan điểm như vậy, Việt Nam đã xây dựng “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”. Trong đó đã đặt ra các mục tiêu cụ thể, gồm:
- Giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP với mức giảm tối thiểu so với năm 2014 là 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050;
- Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường;
- Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Trong đó, giải pháp công nghệ số và chuyển đổi số được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Điều này cho thấy Chuyển đổi Kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.
Mặc dù vậy, để thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thành công, phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2024 (28/5/2024) Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nêu 6 nhiệm vụ mà Việt Nam cần thực hiện, bao gồm:
Thứ nhất, cần có sự nhìn nhận đúng mức, đúng mực về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tư tưởng phải thông để tự tin làm, dành sự ưu tiên cho lĩnh vực và cũng để mọi người dám dấn thân.
Thứ hai, phải chú trọng đầu tư hạ tầng số, nhất là khu vực có nhu cầu và sự ảnh hưởng phát triển, ví dụ như các khu trung tâm, khu kinh tế, khu công nghiệp và phải có thứ tự ưu tiên, vì không có đủ kinh phí để đầu tư tất cả cùng một lúc.
Thứ ba, phải huy động nguồn lực ngoài ngân bởi vì ngân sách thì không thể kham nổi tất cả mọi việc và chỉ nên chiếm một tỷ trọng nhỏ và có tính chất "mồi" trước.
Thứ tư, nỗ lực đào tạo nhân lực chất lượng cao, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp cùng đào tạo, cùng sử dụng để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu.
Thứ năm, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, đặc biệt là những doanh nghiệp startup với tinh thần là chấp nhận rủi ro và chấp nhận mạo hiểm.
Thứ sáu, phải cố gắng từng bước đứng trên vai người khổng lồ. Tức là khai thác tận dụng tốt những thành tựu của thế giới, thông qua hợp tác quốc tế, thông quan mạng lưới chuyên gia./.
Ths. Lê Văn Tính