08/11/2024 lúc 13:08 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh – Một lựa chọn chiến lược của Việt Nam

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu của cả thế giới, không phải của riêng Việt Nam. Bởi thông qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh đồng thời giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm, giảm thiểu lượng carbon.

Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Chuyển đổi số đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 52-NQ/TW của Trung ương về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, chuyển đổi số được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, từ tư pháp, nông nghiệp, ngân hàng… và được đầu tư về cơ sở hạ tầng. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 về Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Trong đó có đề cập công tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngày một cao hơn

Từ đó, nền kinh tế xanh của nước ta cũng từng bước phát triển và ngày càng đáp ứng được yêu cầu chung. Năm 2020, kinh tế xanh đóng góp khoảng 2% GDP với tốc độ tăng trưởng trên 10%, trong khi kinh tế số đóng góp 12% GDP. Đến năm 2023, kinh tế số đã tăng trưởng mạnh, đóng góp 16,5% GDP với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm.

Chương trình chuyển đổi số tại Việt Nam triển khai thực hiện đã bước sang năm thứ 5 với các nội dung, gồm: Khởi động chuyển đổi số; tổng diễn tập chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc thời Covid; xây dựng các nền tảng số quốc gia; phát triển dữ liệu số. Hiện Việt Nam đang tập trung vào phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là: Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; phát triển kinh tế số các ngành; quản trị số và phát triển dữ liệu số.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi quy trình xử lý công việc, quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao hiệu suất, tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Các hoạt động chuyển đổi xanh gồm: Chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Trong đó: Về chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cần ba giai đoạn, gồm: Thứ nhất là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; thứ hai là sử dụng năng lượng tái tạo; thứ ba là năng lượng sinh học. Về chuyển đổi công nghiệp xanh, tại Việt Nam trong tổng số khoảng 563 khu công nghiệp tại 61 tỉnh thành,  đến nay có 397 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó mới chỉ có khoảng 7 khu công nghiệp sinh thái. Điều đó cho thấy chúng ta còn phải nỗ lực rất lớn… Tiến trình phát triển chuyển đổi công nghiệp xanh gồm: Kiểm soát ô nhiễm, sản xuất sạch hơn, hiệu quả sinh thái, tư duy vòng đời, sản xuất khép kín và công nghiệp sinh thái. Đối với nông nghiệp bền vững, Việt Nam đang có sự cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, thiếu bền vững do thị trường, tính ổn định về chất lượng sản phẩm, chưa kiểm soát được thuốc bảo vệ thực vật...

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Tương tự như vậy, chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất-kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu tại Diễn đàn "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững" do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức (30/9/2023), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế… Chuyển đổi số tạo ra một loại tài nguyên mới là dữ liệu. Loại tài nguyên này càng sử dụng thì lại càng tạo ra nhiều, không bị cạn kiệt như các loại tài nguyên khác… Đó là một cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Khi thành công thì ánh xạ ngược lại vào thế giới vật lý. Quốc gia nào chuyển đổi số nhanh hơn quốc gia đó sẽ giàu có hơn. Còn Chuyển đổi xanh thì giúp con người quay về với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống. Muốn phát triển nhanh thì chuyển đổi số. Muốn bền vững thì chuyển đổi xanh.

Muốn phát triển kinh tế số thì chúng ta phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng tính toán AI. Phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực. Phải hoàn thiện thể chế số, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt, thu hút nhân tài số.

Phát biểu tại Diễn đàn "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững" do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức (30/9/2023), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng: Trong thời gian qua, với những giải pháp tích cực của Chính phủ, nhận thức của người dân về chuyển đổi số đã có những chuyển biến tích cực. Chính phủ đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: Tư pháp, nông nghiệp, ngân hàng… , đồng thời đầu tư nhanh chóng và mạnh mẽ vào hạ tầng số. Kết quả là cáp quang đã đến tất cả các xã, phường, thị trấn, 80% hộ gia đình đã có cáp quang đến tận nhà. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã có những khởi động ngoạn mục, ngày càng có vị thế cao hơn trong cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục: Cơ chế, chính sách, thể chế chưa thực sự tạo đường băng cho doanh nghiệp cất cánh; Hạ tầng số, là nền tảng cho tăng trưởng xanh tuy đã có nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu; Nguồn lực chưa thực sự được ưu tiên, được coi là lĩnh vực tiên phong. Trong một số tiêu chí trong bảng tổng hợp xếp hạng hạng thế giới về khả năng tận dụng chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thấp (150/190).

Về phương hướng hành động, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, cần phải ưu tiên cho việc triển khai chuyển đổi số, đầu tư cho hạ tầng số, đặc biệt là những khu vực có nhu cầu, có sự ảnh hưởng phát triển như khu kinh tế, khu công nghiệp và phải theo thứ tự ưu tiên; huy động nguồn lực ngoài ngân sách; đào tạo nguồn nhân lực; cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đặc biệt là các startup với tinh thần chấp nhận rủi ro và mạo hiểm.

Giải pháp thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Đã có các đánh giá và nhận định cho rằng, Việt Nam là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, một trong 5 nước sẽ chịu tác động mạnh của nước biển dâng. Tuy nhiên cả ba động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh. Nếu không thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh thì các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ khó đạt được. Cũng chính vì vậy, xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đã được đề ra trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong những giải pháp xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh, vai trò của Chính phủ và nỗ lực của hệ thống doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng.

Về vai trò của Chính phủ thể hiện ở chỗ, ngoài huy động từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, nguồn tài chính xanh còn đến từ đầu tư công do Chính phủ điều phối.

Liên quan đến nguồn vốn để thực hiện xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh, có 4 điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng thị trường trái phiếu xanh là (1) nhu cầu tài trợ các dự án có lợi cho môi trường, như năng lượng tái tạo và hạ tầng xanh; (2) bảo đảm các sản phẩm xanh đem lại nguồn lợi cho ngân hàng và nhà đầu tư; (3) xây dựng khung pháp lý; (4) tạo dựng thị trường trái phiếu xanh. Tuy nhiên, số lượng công cụ tài chính xanh và mức độ phát triển thị trường này ở Việt Nam còn thấp. Đây là một nguồn tài chính rất tiềm năng nhưng cần nhiều thay đổi trong vấn đề thể chế để tạo thuận lợi cho những hoạt động đầu tư có thể triển khai… Để giải quyết những vấn đề đặt ra, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các  chính sách, công cụ để tạo môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới phát triển xanh và bền vững. Xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp lớn trở thành tổ chức tài chính dẫn dắt thị trường sản xuất và tiêu dùng xanh trong nền kinh tế, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với các doanh nghiệp, để thực hiện chuyển đổi xanh thành công cần phải có tư duy và hành động đột phá. Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các quy định tiêu chuẩn và quy định môi trường của sản phẩm. Đầu tư đổi mới công nghệ đồng bộ và hiện đại để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp. 

Các cơ quan chuyên môn cần đưa ra những giải pháp cụ thể và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ, nhất là đổi mới công nghệ trong sản xuất công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng hiệu quả nguyên nhiên liệu đối với các dự án đầu tư cho hoạt động SXSH. Rà soát lại các văn bản liên quan và chỉnh sửa bổ sung kịp thời, thời gian nên kéo dài đến năm 2030…

Rà soát, đánh giá lại các văn bản có liên quan đến khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp áp dụng các biện pháp SXSH để bổ sung kịp thời, nhất là các văn bản về ưu đãi tiếp cận các nguồn tín dụng, ưu đãi về tài chính như thuế/phí, đất đai thuê mặt bằng hay thuế/phí sử dụng đất… nhằm huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đối với SXSH có lợi thế cạnh tranh trên thị trường cùng loại sản phẩm.

Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp để họ có thể tự đảm đương công việc và tư vấn cho doanh nghiệp khác. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về sản xuất sinh học trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…

Đặc biệt, phát biểu tại Diễn đàn "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững" do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức (30/9/2023), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nêu ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cụ thể là:

Thứ nhất, phải có sự nhìn nhận đúng mức, đúng mực về câu chuyện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Nghĩa là phải dành sự ưu tiên cho lĩnh vực này và dám “dấn thân” và nếu không “dấn thân” sẽ không có kết quả.

Thứ hai, phải chú trọng đầu tư hạ tầng số, đặc biệt là khu vực có nhu cầu và có ảnh hưởng đến sự phát triển như các khu trung tâm kinh tế của công nghệ. Đồng thời, phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên vì nguồn lực ngân sách không đủ để làm tất cả mọi việc cùng một lúc.

Thứ ba, phải huy động cả nguồn lực ngoài ngân sách.  

Thứ tư, phải thu hút vốn đầu tư và khả năng cung ứng nguồn lao động, nhất là lao động chất lượng cao. Trong đó, Hải Phòng là một trong những địa phương duy trì khá tốt mức thu hút FDI và có nguồn nhân lực dồi dào.

Thứ năm, cần có một cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, đặc biệt là những doanh nghiệp startup với tinh thần chấp nhận rủi ro, mạo hiểm.

Thứ sáu, khai thác tận dụng tốt những thành tựu của thế giới thông qua hợp tác quốc tế, qua thu hút những dự án FDI; phát huy vai trò cầu nối của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp./.

ThS Lê Thành Quang

...