15/01/2025 lúc 19:48 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi chuỗi thủy sản đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với “kinh tế xanh”

Sáng ngày 20/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Startup lần thứ I năm 2022, đã diễn ra phiên thảo luận “Chuyển đổi chuỗi thủy sản đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp”. Theo đó, để làm được điều này cần phải có một cuộc “cách mạng” thực hiện số hóa ngành thủy sản.

 

Toàn cảnh buổi tham luận

Tham dự có ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản (BộNN&PTNT), đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương; cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng; lãnh đạo Sở NN các tỉnh vùng ĐBSCL, cùng các chuyên gia - nhà khoa học của các viện trưởng và đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Ngành thủy sản Việt Nam được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị xuất khẩu đứng thứ 3 trong các ngành kinh tế của đất nước. Minh chứng cụ thể, khi sản lượng thủy sản tính đến tháng 11/2022 đạt 8.253 ngàn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước…

Đặc biệt tại ĐBSCL, ngành nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh và có sản lượng lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 65%. Trong đó, cá tra và tôm là 2 sản phẩm chủ lực của vùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế vùng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tại phiên thảo luận, ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản nhận định một lợi thế rằng, việc nuôi trồng thủy sản đang nhận được sự quan tâm lớn từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Khi trong ngày 11/3/ 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2045, định hướng phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học – công nghệ tiên tiến, có vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Trong đó, nhấn mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết những năm gần đây thủy sản là một trong những nông sản được ưu tiên hàng đầu tại khu vực ĐBSCL

Theo đó, trong bối cảnh, cơ hội và thách thức đan xen nhau, bài toán với ngành hàng thủy sản chính là kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển. Và chú trọng làm cách nào để phát huy tối đa vai trò SME/Startup…

Đồng thời, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu ông Lưu Hoàng Ly nhận định, cần tập trung vào phương châm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”. Và cần phải chú tâm hơn đến thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết, cụ thể ở đây là chuỗi liên kết phát triển tôm bền vững giửa “ Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau”.

Không chỉ vậy, một vấn đề đặt ra chính là tình trạng ô nhiễm môi trường, nội tại ngành thủy sản và các hoạt động kinh tế khác đã ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả ngành thủy sản tại ĐBSCL. Ngoài ra, hạ tầng cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nuôi trồng và môi trường. Theo đó, việc ứng dụng "kinh tế xanh", bảo tồn rừng biển, số hóa vận hành chuỗi thủy sản... là những giải pháp doanh nghiệp kiến nghị chuyển đổi hoạt động, giảm tác động môi trường.

Các chuyên gia đã có những phân tích về các thuận lợi - thách thức ngành thủy sản ĐBSCL và cả nước đang đối mặt

Dĩ nhiên, các lãnh đạo cũng nhận định rằng, ngoài những chính sách hỗ trợ từ chính phủ cũng cần sự chung tay góp sức của thế hệ trẻ với những sáng kiến đổi mới phù hợp với thực tiễn, phù hợp với trình độ, khả năng tài chính của người dân. Đặc biệt là phát triển công nghệ gắn với “kinh tế xanh”, chính là nền kinh tế có mức phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội./.

Trí Đức - Hoàng Châu