17/05/2024 lúc 13:05 (GMT+7)
Breaking News

Chương trình OCOP Hà Tĩnh: Sức lan tỏa của một giải pháp tối ưu

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Hà Tĩnh đã thu được những kết quả tích cực. Số lượng sản phẩm OCOP và hiệu quả kinh tế ngày một tăng, các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương đã được nâng tầm, từng bước có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, Chương trình OCOP được tỉnh coi là một giải pháp tối ưu. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Hà Tĩnh đạt tỉnh Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Tĩnh năm 2022

Sự đổi thay trong phát triển kinh tế nông thôn từ Chương trình OCOP

Một trong những yếu tố quan trọng có được ở các cấp lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh là sự nhìn nhận đúng tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức của địa phương để từ đó đề ra các giải pháp phù hợp, khả thi, đưa Chương trình xây dựng NTM nói chung và OCOP nói riêng trở thành một trong những nhân tố chính góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng là mục tiêu quan trọng được Hà Tĩnh triển khai trong lộ trình xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.

Nhờ được tập trung chỉ đạo theo chiều sâu, không ngừng nâng cao chất lượng, trong năm 2022 toàn tỉnh đã có 79 ý tưởng phát triển sản phẩm đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP; hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được tăng cường… Đến nay, sau 4 năm triển khai thực hiện, bước đầu Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm. Các chủ thể tham gia Chương trình đã được nâng lên về nhận thức, năng lực sản xuất, nhất là về quản trị kinh doanh, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường... Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, hệ thống máy móc, trang thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 249 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 235 sản phẩm 3 sao, 14 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Thời gian vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng hầu hết các sản phẩm đều tăng về doanh số bán hàng, bình quân tăng từ 20-30%/năm, có sản phẩm tăng hơn 2-4 lần, điển hình như: nước mắm Phú Khương, Mật ong Cường Nga, Nem chua Ý bình, Trầm hương Tâm Thiên Hương,... Nhiều sản phẩm trước đây chỉ có trong làng, xã nay đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, có sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài, như: Bánh đa vừng Nguyên Lâm, Bánh ram Anh Thu, sứa Thạch Trị... Nhiều bạn trẻ đã quay trở về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương của mình, từ đó tạo việc làm cho lao động nông thôn đến nay tổng số lao động sử dụng tại các cơ sở tham gia OCOP hiện là trên 2.000 người, chưa kể hàng nghìn lao động gián tiếp. Thu nhập bình quân người lao động làm việc trong các cơ sở này tăng từ 30-40%...

Đạt được kết quả trên là do Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, của các cơ sở sản xuất. Hà Tĩnh đang phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là sự sát sao tâm huyết, trách nhiệm cao của Văn phòng điều phối NTM tỉnh - Cơ quan Thường trực của Chương trình. Trong quá trình đó tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và hình thành hệ thống phân phối sản phẩm OCOP; đặt mục tiêu có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 20% số sản phẩm đạt 4 sao, 5% đạt 5 sao.

Bánh đa vừng Nguyên Lâm – sản phẩm OCOP

OCOP Hà Tĩnh khởi nghiệp cùng các bạn trẻ

  • Bánh đa vừng Nguyên Lâm

Sản xuất Bánh đa vừng là nghề truyền thống của gia đình anh Lê Văn Duẩn từ lâu đời. Tuy vậy, sản phẩm chỉ mới tiêu thụ trong địa bàn quê hương Kỳ Anh. Cơ hội thực sự rộng mở hơn khi năm 2020, HTX Nguyên Lâm (xã Kỳ Giang, Kỳ Anh) do anh Duẩn làm giám đốc, đăng ký tham gia Chương trình OCOP; đi theo đó là việc tổ chức thực hiện nghiêm quy trình sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật… Nhờ vậy, đã có 2 sản phẩm: Bánh đa vừng, Miến vừng đen của HTX đã đạt chuẩn OCOP 3 sao. 

Cũng có thể nói, từ khi tham gia OCOP, cơ sở mới thực sự chú trọng hơn đến quy trình sản xuất, bao bì nhãn mác và khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Từ đó, sản phẩm được sản xuất với chất lượng cao hơn và ngày càng nhiều hơn, thị trường cũng vươn ra ngoại tỉnh. HTX ngày càng “ăn nên làm ra”, doanh thu năm 2020 đạt 2,7 tỷ đồng và năm 2021 đạt 3,5 tỷ đồng…

Cũng giống như các sản phẩm OCOP khác, việc sản phẩm Bánh đa vừng Nguyên Lâm được khẳng định về chất lượng và được giới thiệu, quảng bá trên các kênh thông tin chính thống của tỉnh đã thể hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phát triển sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, trên nền tảng của chương trình OCOP, chất lượng sản phẩm được công nhận và quảng bá, sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, anh Lê Văn Duẩn - Giám đốc HTX Nguyên Lâm, đã tìm được đối tác để xuất khẩu sản phẩm Bánh đa vừng Nguyên Lâm sang thị trường Nhật Bản. Đây là một thị trường rất khắt khe, đòi hỏi cao từ việc truy xuất nguyên liệu đầu vào, chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, quy trình sản xuất bánh đa vừng của HTX đều được đối tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm một cách chặt chẽ. Không dừng lại ở đó, anh Duẩn còn tiếp cận thị trường Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu… Việc tiếp cận, đưa sản phẩm bánh đa vừng vào thị trường Nhật Bản đánh dấu bước tiến quan trọng không chỉ riêng đối với HTX Nguyên Lâm mà còn là tiền đề, hướng mở để nhiều cơ sở sản xuất có các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Hà Tĩnh học tập, tìm cơ hội cho sản phẩm của mình vươn xa.

Từ kinh nghiệm xây dựng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của HTX Nguyên Lâm, huyện Kỳ Anh đã và đang tập trung xây dựng nhiều sản phẩm có chất lượng, hiệu quả cao ở các địa phương khác trên địa bàn, nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm của địa phương phát triển mạnh mẽ.

Sản phẩm Bột Nhung hươu Việt

  • Nhung hươu Việt

Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Nhung hươu Việt (xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn) – anh Nguyễn Khắc Huân, là người còn rất trẻ, mới 30 tuổi, và doanh nghiệp của anh cũng chỉ mới ra đời hơn một năm nay. Nhưng, nhờ có khát vọng và quyết tâm lớn, thành công bước đầu trong sự nghiệp kinh doanh đã đến với anh.

Anh Huân chia sẻ: "Năm 2011, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngành xây dựng cầu đường, nhưng do điều kiện khó khăn nên tôi phải nghỉ học giữa năm thứ 2 đại học. Sau đó, ra Hà Nội lập nghiệp rồi cưới vợ, mãi tới năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tôi về quê chơi và nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để chuyển về quê sinh sống, phát triển và quảng bá các sản phẩm từ hươu của địa phương mình”. Sau đó, anh Huân đã quyết định bán toàn bộ cơ ngơi ở Thủ đô về quê đầu tư dựng nghiệp: Anh bắt tay ngay vào xây dựng nhà máy, mua sắm thiết bị… để sản xuất các sản phẩm từ Hươu. Cũng từ đó, Công ty Cổ phần Sản xuất & Thương mại Nhung hươu Việt ra đời, do anh Huân làm giám đốc.

Trong quá trình tổ chức sản xuất, để sản phẩm Nhung hươu đạt năng suất cao, anh Nguyễn Khắc Huân – Giám đốc công ty, đã lặn lội khắp trên địa bàn huyện Hương Sơn để tuyển chọn những con hươu nòi, có cặp sừng to mua về làm giống. Trong số hươu đó, có cặp lên đến 85 triệu đồng. Ngoài việc tự tổ chức nuôi Hươu với số lượng hiện có 25 con, Công ty cổ phần Sản xuất & Thương mại nhung hươu Việt còn liên kết với người dân thu gom nhung trên địa bàn và chế biến sâu các sản phẩm làm thương mại.

Với ý chí vươn lên mạnh mẽ, bằng dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế HACCP (những nguyên tắc được sử dụng trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm), ISO 22000, và đặc biệt là nhận thức được giá trị của OCOP, công ty đã đăng ký tham gia chương trình. Sau khi các sản phẩm Bột nhung hươu Việt Gold (dạng gói nhỏ rất tiện ích, có thể sử dụng ngay), cao Xương hươu Việt Gold, Rượu nhung hươu của công ty được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào tháng 12/2021, cơ sở đã xây dựng được thương hiệu riêng, nâng cao uy tín và mở rộng thị trường; khách hàng đến với Nhung hươu Việt không ngừng tăng nhanh, đồng nghĩa với doanh thu không ngừng tăng lên.  

Các sản phẩm Trầm hương Tâm Tâm Thiên Hương

 

  • Trầm hương Tâm Thiên Hương

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang (Thành phố Hà Tĩnh) được thành lập cách đây 4 năm với các sản phẩm chính là Trầm hương, lấy Thương hiệu: Trầm hương Tâm Thiên Hương. Đằng sau cái tên Thương hiệu đẹp ấy là một câu chuyện thú vị về tâm huyết và khát vọng lập nghiệp của một người phụ nữ - Giám đốc công ty Nguyễn Thị Linh Trang.

Chị Trang chia sẻ: Gia đình chồng chị có truyền thống làm nghề lâm nghiệp. Cha chị đã dành 30 năm để trồng, chăm sóc, bảo tồn cây Trầm Gió trên đất Hương Khê. Và với chị, không biết từ khi nào, những câu chuyện kể của Cha về rừng, về cây trầm gió, về mùi hương đặc biệt của Trầm Hương trong những bữa cơm, hay buổi chiều về thăm trang trại trồng cây gió của gia đình đã cuốn hút, thôi thúc chị khám phá và quyết tâm khởi nghiệp với Trầm hương. Để thỏa mãn niềm đam mê, khát vọng ấy của mình, chị đã thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang với sản phẩm chính là Trầm hương, lấy Thương hiệu: Trầm hương Tâm Thiên Hương.

Trong quá trình vận hành doanh nghiệp và sản xuất sản phẩm, nhờ kinh nghiệm và sự am hiểu tường tận về trầm hương, chị và các cộng sự đã điều chế các mùi vị để tạo ra sản phầm Trầm hương Tâm Thiên Hương có hương thơm tự nhiên đặc trưng riêng. Tất cả các sản phẩm đều được làm từ 100% bột gỗ trầm hương tự nhiên hoặc vi sinh; đảm bảo sạch, chất lượng, an toàn cho sức khỏe người sử dụng nên được khách hàng tin dùng, đánh giá cao…

Tâm Thiên Hương tự hào với sản phẩm chất lượng cao của mình. Bên cạnh Trầm đốt thơm, Tâm Thiên Hương còn có các sản phẩm khác làm từ trầm hương như vòng trầm các loại, nụ trầm hương, nhang trầm… Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm này là bột cây dó trầm lấy từ vùng nguyên liệu dó trầm Hương Khê. Tất cả các sản phẩm đều được làm từ 100% bột gỗ trầm hương tự nhiên hoặc vi sinh; đảm bảo sạch, chất lượng, an toàn cho sức khỏe người sử dụng nên được khách hàng tin dùng, đánh giá cao.

Đặc biệt, sản phẩm Trầm hươmg Tâm Thiên Hương đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Cũng từ đó, Trầm hương Tâm Thiên Hương đã được khách hàng trong tỉnh và các đại lý ngoài tỉnh như: Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh… tin tưởng đặt hàng với số lượng ngày càng tăng. Doanh thu năm năm sau tăng cao hơn năm trước… Chị Trang cho biết: Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đầu năm 2022 này công ty đã tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, lắp đặt thiết bị, máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng gắn với đa dạng hóa sản phẩm nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất và hạ giá thành để sản phẩm đến gần hơn với khách hàng.

Các sản phẩm OCOP Hà Tĩnh đã và đang có những đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch kinh tế nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, từng bước cụ thể hoá mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới vào năm 2025.

Nguyệt Hằng