24/11/2024 lúc 23:42 (GMT+7)
Breaking News

Chương trình OCOP Hà Tĩnh: Thành quả ngày một lớn hơn

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần tạo chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế vùng nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần tạo chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế vùng nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.

Đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2020

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020 của Hà Tĩnh tiếp tục được cụ thể hóa tại đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 3292/QĐ-UBND ngày 1/11/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, các cơ sở sản xuất, sau 2 năm triển khai, Chương trình OCOP của Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về các nội dung của chương trình OCOP cho cán bộ các cấp, chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; chú trọng hướng dẫn triển khai lập phương án sản xuất kinh doanh, tập huấn bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền hướng dẫn người dân, cơ sở về nội dung, chính sách Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; tổ chức thực hiện 11 số Gameshow “OCOP là gì” tại Kỳ Anh, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Khê, Thạch Hà và Lộc Hà;  tổ chức tìm hiểu về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên mạng internet với gần 70.000 lượt người tham gia; đã ban hành kế hoạch, thể lệ Hội thi ẩm thực hướng tới sản phẩm OCOP và triển khai hội thi.

Đặc sản Trà gừng hòa tan HADIPHAR

Nếu năm 2019 toàn tỉnh có 72 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP,  trong đó có 3 sản phẩm 4 sao, 69 sản phẩm 3 sao, thì năm 2020 Hà Tĩnh đã có thêm 87 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó 04 sản phẩm đạt 4 sao (2 sản phẩm nâng hạng sao và 83 sản phẩm đạt 3 sao; nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 157 sản phẩm (7 sản phẩm 4 sao và 150 sản phẩm 3 sao)

Đặc biệt, đến nay toàn tỉnh đã có 65 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Nhiều đơn vị sản xuất đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp bao bì, tem nhãn sản phẩm. Đơn cử như: HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (thị xã Kỳ Anh); Doanh nghiệp tư nhân Nhung hươu Thuận Hà (huyện Hương Sơn); Tổ hợp tác chế biến và kinh doanh hải sản Hoa Linh Chi (huyện Nghi Xuân); cơ sở sản xuất miến Hương Tâm (huyện Thạch Hà); cơ sở sản xuất tinh dầu Tâm Mộc Hương (huyện Cẩm Xuyên)...

Nước mắm Luận Nghiệp

Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh được đánh giá là bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, có logo thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và mã vạch, mã QR phục vụ truy xuất nguồn gốc. Cùng với định hướng phát triển thương hiệu, công tác quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP cũng được quan tâm triển khai. Các sản phẩm OCOP của tỉnh hiện đã được trưng bày tại các cửa hàng, điểm giới thiệu, bán sản phẩm trong và ngoài tỉnh; một số sản phẩm OCOP tiêu biểu đã được tiêu thụ trong hệ thống các cửa hàng phân phối lớn như: Trung tâm thương mại BigC, Coop Mart...

Tỉnh xây dựng phần mềm chấm điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã phát huy hiệu quả trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm, đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, khách quan. Ngay tại các hội nghị đánh giá sản phẩm, các chủ thể có sản phẩm phải trình bày, giới thiệu sản phẩm một cách công khai, rõ ràng trước Hội đồng. Sau đó, Hội đồng đánh giá thảo luận, chấm điểm sản phẩm theo các tiêu chí của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đặc biệt, sản phẩm sau đánh giá sẽ tiếp tục được hậu kiểm nhằm đảm bảo tính bền vững.  Không những thế, đối với những sản phẩm còn hạn chế, để tránh tình trạng lạm dụng thương hiệu OCOP, Hà Tĩnh sẽ xây dựng quy chế, phân công lực lượng rà soát, giám sát.  Trường hợp kiểm tra lại nếu phát hiện sản phẩm không đạt yêu cầu, kiên quyết đưa ra khỏi OCOP.

Bộ dụng cụ nhà bếp bằng gỗ - MTY

Đối với sản phẩm 4 sao, điểm số phải đạt từ 70 - 89 điểm (mức điểm tối đa là 100). Bốn sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2020 của Hà Tĩnh gồm: Bộ dụng cụ nhà bếp bằng gỗ của Công ty CP Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên (Thanh Bình, Đức Thọ); Nước mắm Luận Nghiệp của HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (Kỳ Ninh, Thị xã Kỳ Anh); Nước mắm Kỳ Phú của HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Kỳ Phú (Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh); Trà gừng hòa tan HADIPHAR của Công ty CP Dược Hà Tĩnh. Mỗi sản phẩm có những đặc trưng riêng, nhưng điểm chung chính là luôn đảm bảo chất lượng, quy mô sản phẩm. Trong đó, Bộ dụng cụ nhà bếp bằng gỗ - MTY, của Công ty CP Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên đạt 76 điểm. MTY Houseware là thương hiệu đồ gia dụng với sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa truyền thống làng nghề Thái Yên cùng phương thức sản xuất hiện đại để tạo ra những sản phẩm tinh tế, chất lượng, hữu ích, an toàn và thân thiện. Còn Nước mắm Luận Nghiệp là sản phẩm được làm từ cá cơm tươi, sạch, được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống nên nước mắm chỉ có mùi thơm thuần… Trong khi đó, Nước mắm Kỳ Phú nhờ tuân thủ đúng qui trình kỹ thuật, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên nước mắm Kỳ Phú được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt ở nhiều thị trường, tham gia nhiều Hội chợ trong và ngoài Tỉnh. Một sản phẩm 4 sao nữa là Trà gừng hòa tan HADIPHAR, là sự kết tinh của nguồn nguyên liệu thiên nhiên gừng đặc sản Hà Tĩnh cùng bí quyết, công nghệ sản xuất hiện đại tiêu chuẩn GMP, đã giữ được trọn vẹn hương vị thơm ngon tinh túy nhất của gừng. Là thức uống hấp dẫn vào mùa đông, giúp giữ ấm cơ thể, giảm ho, giúp cải thiện rối loạn tiêu hóa, làm sạch độc tố và gốc tự do ra khỏi cơ thể, xua tan mệt mỏi, phòng ngừa cảm lạnh…

Nước mắm Kỳ Phú

Đối với những sản phẩm OCOP đạt 3 sao (điểm số phải đạt từ 50 - 69 điểm) của Hà Tĩnh năm nay cũng đều là những sản phẩm tiêu biểu, gắn với tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, về vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng tin và sử dụng nhiều; như: Chả cá Mậu Nguyễn; Gạo Xuyên Hương; Bưởi Phúc Trạch Phát Lộc; Bưởi Phúc Trạch Hoàn Thắng; Dầu lạc Thắm An; Bánh ram Anh Thu; Giò lụa Trường An Đồng Lộc;  Rượu nhung hươu Hương Luật; Mắm ruốc Luận Nghiệp; Tôm nõn Hoa Linh Chi; Dầu vừng Thiện Hóa; Ruốc nêm Nhất Ninh; Nước mắm Hoài Yến; Cam Bồng Thượng; Kẹo cu đơ bà Hường; Kẹo cu đơ Quang Tâm; Hương bài thảo mộc; Cá ngần khô Hoa Linh Chi; Hành tăm Sơn Tân; Thịt dê Long Thương; Nước chấm Mạnh Cường; Đũa móc Thuận Ái; Dầu lạc Thiện Hóa; Bánh đa vừng Nguyên Lâm; Nấm sò tươi Quang Trung; Nước mắm Sáu Đệ; Mật ong Kiến Quốc Cao Bách Khao; Giò bột Hòa Hiệp; Cốm gạo lứt Mộc Hương; Mực Ngọc Diệp Thạch Kim; Mật mía Nhàn Đức; Nước mắm Trang Hương; Miến Hương Tâm; Trầm Hương Phúc Vinh và Bánh Vừng Tâm Anh.

Bánh đa Anh Thu

Đạt được kết quả bước đầu quan trọng như vậy là nhờ lãnh đạo Tỉnh và các ban, ngành của Tỉnh rất quan tâm chỉ đạo triển khai chương trình với những giải pháp thiết thực, thông qua những quy chế và tiêu chí chặt chẽ. Bên cạnh đó, Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ chương trình OCOP và ưu tiên các nguồn lực thực hiện với những nội dung, xây dựng phương án, quy hoạch chi tiết vùng sản xuất; chuyển giao công nghệ, trang thiết bị; xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Riêng giai đoạn 2018 - 2020, tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình OCOP ở Hà Tĩnh đạt hơn 668,37 tỷ đồng.

Tôm nõn Hoa Linh Chi

Một trong những cơ sở vững chắc cho sự phát triển của Chương trình OCOP ở Hà Tĩnh chính là vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm tham gia chương trình.  Hay nói cách khác, yêu cầu cao nhất đối với sản phẩm OCOP Hà Tĩnh chính là vấn đề chất lượng và quy mô sản phẩm để sản phẩm có thể phát triển, vươn xa trên thị trường và mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Theo đó, các sản phẩm OCOP bắt buộc phải xây dựng quy trình sản xuất gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được niêm yết tại các cơ sở để thực hiện, giám sát và đều truy xuất các thông tin thông qua hệ thống tem mã QR do Văn phòng Nông thôn mới tỉnh quản trị, đảm bảo công khai thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cho người tiêu dùng.

Giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh vẫn tiếp tục xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, là giải pháp quan trọng để xây dựng thành công tỉnh nông thôn mới. Do vậy, Hà Tĩnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển Chương trình OCOP, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm chất lượng, nâng tầm giá trị. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương./.