VNHN - Đại dịch Covid-19 chính là thời cơ, là cú huých trăm năm để triển khai chuyển đổi số. Bảy lĩnh vực được dự báo sẽ thay đổi mãi mãi sau đại dịch Covid này, đó là: làm việc trực tuyến, giáo dục trực tuyến, y tế từ xa, các phương tiện lái tự động, mua sắm trực tuyến, tổ chức các sự kiện, hội chợ triển lãm ảo trên không gian mạng thay vì tổ chức trong đời thực. Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng trong báo cáo chuyên đề tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 tổ chức vừa qua.
Thiên thời
Yếu tố “thiên thời” thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia chính là việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nếu xét trên bình diện quốc gia, Việt Nam cũng không đi sau thế giới nhiều, nằm trong số những nước tốp đầu Đông Nam Á có một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số thể hiện trong Quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số quốc gia là xây dựng và phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng trình bày báo cáo chuyên đề về chương trình Chuyển đổi số quốc gia
Đối với Chính phủ số, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra một số mục tiêu lớn: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và sử dụng chủ yếu trên điện thoại di động thay vì trên máy tính truyền thống. 90% hồ sơ điện tử cấp Bộ, 80% hồ sơ điện tử cấp huyện, 60% hồ sơ điện tử cấp xã được sử dụng và xử lý hoàn toàn phiên bản điện tử. 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thành. Đặc biệt có một chỉ tiêu mới: Khoảng 50% hoạt động thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước được tiến hành một cách trực tuyến thông qua hệ thống thông tin và CSDL của cơ quan quản lý. Đây là lần đầu tiên chúng ta đặt ra một chỉ tiêu như vậy. Có thể coi đây là một trong những chỉ tiêu cốt lõi giúp nâng cao tính minh bạch, giảm tham nhũng, nhũng nhiễu và nâng cao hiệu quả của việc thanh tra, kiểm tra QLNN.
Ở trụ cột thứ 2 về phát triển kinh tế số, mục tiêu mà Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra là kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 20% GDP so với mức 8% hiện nay. Trong tháng 8 này, Bộ đề xuất xây dựng một bộ đo chuyển đổi số quốc gia. Chỉ số tại một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc là khoảng 40%, Singapore khoảng 25 - 30%, trong khu vực Đông Nam Á chỉ số này của Indonesia khoảng 13-15%, cao hơn Việt Nam. Chúng ta phấn đấu nâng tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực lên tối thiểu là 10%. Năng suất lao động từ năm 2023 tăng tối thiểu hàng năm là 7%.
Nhóm cuối cùng là xã hội số, chúng ta cụ thể hoá mục tiêu mỗi hộ gia đình 1 đường cáp quang, mỗi người dân 1 điện thoại thông minh. Đây sẽ là phương tiện, kênh truy cập chủ yếu của mọi người vào thế giới số. Thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt chiếm 50% tổng lưu lượng thanh toán. Đây là những mục tiêu lớn đặt ra cho đến năm 2025.
Chuyển đổi số phụ thuộc vào thể chế, nhận thức, chính sách hơn là công nghệ
Chuyển đổi số thực chất là chuyển đổi từ không gian truyền thống sang không gian số. Trong quá trình chuyển sang không gian làm việc mới, chấp nhận cái mới, yếu tố thể chế, nhận thức, chính sách quan trọng hơn yếu tố công nghệ.
Đóng vai trò quan trọng tiếp theo là các doanh nghiệp công nghệ với nhiệm vụ là những người dẫn dắt, tạo nền tảng cho chuyển đổi số. Các cơ quan chính phủ phải thực hiện chuyển đổi số trước để xây dựng, phát triển chính phủ số. Đó là những yếu tố dẫn dắt.
Nhóm yếu tố thứ hai là những yếu tố tạo nền tảng, đó là nguồn nhân lực, R&D, đổi mới sáng tạo, các hệ thống nền tảng, CSDL quốc gia. Đây được coi là những yếu tố tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số, tham gia vào việc xây dựng và hình thành văn hoá số, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, kinh tế, ngân hàng, nông nghiệp…
Tuy nhiên, trong các yếu tố vừa nêu, nhận thức vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số, liên quan đến chấp nhận cái mới. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số thông qua việc chuyển đổi nhận thức, đặc biệt là nhận thức của lãnh đạo.
Sự tiện lợi trong không gian số là nó không phụ thuộc vào vị trí địa lý, mà phụ thuộc vào việc chúng ta đưa ra quyết định triển khai chuyển đổi số nhanh hay chậm. Chuyển đổi số càng nhanh thì thuận lợi càng lớn vì chúng ta đi nhanh đi trước thì dễ dàng thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư. Đi sau cơ hội sẽ giảm đi
Sự tiện lợi của chuyển đổi số bắt đầu từ đâu?
Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng nhắc lại tầm quan trọng của thể chế chính sách trong quá trình triển khai chuyển đổi số quốc gia. Muốn chuyển đổi số nhanh phải thay đổi nhận thức. Nhận thức đã thay đổi thì sẽ dẫn đến hành động. Các kế hoạch hành động muốn triển khai hiệu quả thì thể chế, chính sách phải đi trước một bước. Trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục Đào tạo có thể đưa ra quy định tối thiểu 20% chương trình đào tạo phải được thực hiện trực tuyến. Kết quả học tập trực tuyến này được công nhận. Trong lĩnh vực y tế, yêu cầu các bệnh viện phải có bộ phận khám chữa bệnh từ xa. Khi đã có sở cứ pháp lý, các tổ chức cơ quan, đơn vị ở bộ ngành địa phương mới yên tâm triển khai chuyên đổi số.
Sự tiện lợi của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay còn xuất phát từ nền tảng. Nếu như trước đây, thời gian để triển khai các dự án đầu tư hệ thống CNTT phải mất 3-5 năm mới thực hiện được tin học hóa quy trình nghiệp vụ. Hiện nay, với sự sẵn có của các nền tảng, thời gian chỉ tính bằng ngày, bằng tuần . Các tổ chức, doanh nghiệp không có đơn vị chuyên trách về CNTT vẫn có thể chuyển đổi số. Các bệnh viện không cần có hệ thống, không cần có chuyên gia IT, có thể sử dụng nền tảng để cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Các trường học cũng tương tự. Nó tương tự như Uber, Grab không cần có đội ngũ lái xe và xe vẫn vận hành hệ thống giao thông vận tải. Airbnb không cần sở hữu khách sạn vẫn có thể cung cấp dịch vụ lưu trú.
Công thức chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức không hoạt động trong lĩnh vực công nghệ chính là yếu tố con người, là mô hình, là quy trình, là sử dụng các nền tảng, ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh
Yếu tố con người – nhân hòa
Đề án chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra những sở cứ pháp lý quan trọng, trên cơ sở đó các cơ quan chuyên trách về CNTT cần khẩn trương đề xuất, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ về chuyển đổi số cho đơn vị mình, tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ ngành, địa phương để sớm xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương
Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam mang sứ mệnh đưa công nghệ vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, làm cho mọi người chuyển đổi số dễ dàng hơn thông qua các nền tảng. Các doanh nghiệp cần tìm ra giải pháp giải quyết "nỗi đau" của xã hội, vấn đề nhức nhối của xã hội bằng công nghệ Make in Vietnam. Dữ liệu là dầu mỏ, là năng lượng mới của nền kinh tế. Dữ liệu này của người Việt Nam phải tạo ra giá trị gia tăng cho Việt Nam, việc đó chỉ có thể làm được thông qua nền tảng Việt Nam, Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định./.