24/01/2025 lúc 20:05 (GMT+7)
Breaking News

Chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả bão lụt với trách nhiệm cao nhất

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mỗi người làm việc bằng hai, chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả bão lụt với trách nhiệm cao nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp

Chiều 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung quan trọng. Dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bão, mưa lũ, thiên tai đã gây hậu quả rất lớn và dự báo tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía bắc từ Thanh Hóa trở ra.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 công điện, liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ, sạt lở… từ sớm, từ xa với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất; thành lập các đoàn do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương; quyết định lập Ban chỉ đạo tiền phương để trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão…

Tại cuộc họp này, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đời sống nhân dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết", "không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở", tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quan điểm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, triển khai mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão, với tinh thần cao nhất có thể, mỗi người làm việc bằng hai vì nhân dân.

Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức ứng trực 24/24 giờ để ứng phó, giải quyết các vấn đề khẩn cấp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị, địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tập trung lực lượng, hỗ trợ địa phương, cơ quan, người dân bị thiệt hại, trên tinh thần "ai có của giúp của, ai có công giúp công, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều", "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều", "tương thân, tương ái"; hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cả cộng đồng chung tay khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và lũ lụt, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi người làm việc bằng hai, chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả bão lụt với trách nhiệm cao nhất

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng tiếp tục tập trung cứu hộ, cứu nạn với người bị nạn, mất tích; cứu chữa những người bị thương; lo hậu sự cho người xấu số; nhanh chóng ổn định tình hình trong thời gian sớm nhất. Tìm mọi biện pháp, bằng mọi phương tiện đường thủy, đường bộ, hàng không, tiếp cận, hỗ trợ trợ nhu yếu phẩm cho khu vực bị chia cắt, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men...

Cùng với đó là chuẩn bị sinh phẩm, thuốc men, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai, nhất là tại các địa phương bị ngập lụt, chia cắt; những nơi đã ổn định tình hình thì khẩn trương đón học sinh đến trường; có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dân doanh khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất, sinh kế, đời sống.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập; có đánh giá, dự báo sát tình hình để có phương án xử lý phù hợp; kiểm tra, rà soát, giám sát chặt chẽ các điểm có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; khẩn trương di dời người dân khỏi vùng nguy cơ cao tới nơi an toàn.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, tổng hợp thiệt hại; giảm thủ tục hành chính, khẩn trương cấp phát dự trữ hỗ trợ người dân, cơ quan, địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ; hướng dẫn thủ tục mua sắm trong điều kiện khẩn cấp để các cơ quan, địa phương có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, vật tư, hàng hóa phục vụ ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra; kiểm soát chặt chẽ, tránh tiêu cực.

Cùng với đó, đẩy mạnh cung ứng trang thiết bị, vật tư, nhiên nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, khôi phục các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp; kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ dân sinh, không để thiếu hàng, tránh tình trạng găm hàng, đội giá; chuẩn bị giống và có chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, sạt lở, ngập lụt. Trong đó đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dân doanh, các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã khôi phục sản xuất, kinh doanh, sinh kế; cơ chế, chính sách đối với các cơ quan, địa phương bị ảnh hưởng; chính sách khôi phục hạ tầng bị hư hỏng do bão, lũ, sạt lở…; đặc biệt, cơ chế để huy động tối đa nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu của bão.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan truyền thông cùng với cập nhật diễn biến tình hình mưa, lũ, tăng cường thông tin khuyến cáo và hướng dẫn kỹ năng cho người dân phòng, chống, thích ứng, khắc phục hậu quả bão lụt và khôi phục đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về 2 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế; đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Với dự án luật, các đại biểu đã cho ý kiến về hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng luật, các nội dung trong dự thảo luật. Với đề nghị xây dựng luật, các đại biểu cho ý kiến về hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị xây dựng, sự cần thiết xây dựng luật, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng luật, các chính sách được đề nghị.

Cùng với cho ý kiến với từng vấn đề nói trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời nhấn mạnh một số nguyên tắc, yêu cầu trong xây dựng các dự án luật, đề nghị xây dựng luật.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì xây dựng dự án luật.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến phù hợp; tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để rà soát kỹ, hoàn thiện nội dung dự thảo luật, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2024.

Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc, yêu cầu trong xây dựng dự án luật này: Bảo đảm quyền đầu tư, kinh doanh của công dân; tháo gỡ tối đa những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; mở rộng cơ chế huy động nguồn lực của xã hội, người dân, doanh nghiệp cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể và thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số, cắt giảm thủ tục hành chính, phiền hà, xin – cho trong quản lý thu – chi ngân sách, điều hành linh hoạt, hiệu quả trong sử dụng ngân sách, nhất là giữa ngân sách Trung ương và địa phương; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chứng từ thanh toán phải quản lý được nhưng thông thoáng…

Về Đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ đề nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng nhanh chóng, linh hoạt các diễn biến nhanh chóng, yêu cầu cấp bách trong thực tiễn; tùy đối tượng, phạm vi điều chỉnh để xây dựng quy định khung hoặc chi tiết trong luật để vừa quản lý được các hoạt động trong xã hội, vừa tạo không gian thúc đẩy, khuyến khích đổi mới sáng tạo; đổi mới quy trình xây dựng luật theo hướng linh hoạt hơn, nghiên cứu rút ngắn thời gian; phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa; có cơ chế, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật; nguyên tắc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật khi có các văn bản mâu thuẫn...

Theo Thủ tướng, cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; những vấn đề mới, chưa chín, chưa rõ, chưa có quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp tiếp thu kết luận của Thường trực Chính phủ, ý kiến tham gia của các cơ quan tại cuộc họp và ý kiến thành viên Chính phủ, khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật, trình Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2024./.

Xuân Nam