Được biết hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 190.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm khoảng 28,2% tổng dân số toàn tỉnh. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là hơn 1.400 trẻ; trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là hơn 21.000 trẻ em. Các chỉ số cơ bản về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có liên quan đến vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, văn hóa, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Diễn đàn trẻ em năm 2022 tập trung thảo luận về 4 nội dung: Trẻ em với phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; Trẻ em với phòng ngừa tảo hôn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Trẻ em với vấn đề an toàn trẻ em trên môi trường mạng; Trẻ em với vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em. Đây cũng là những nội dung nhận được sự quan tâm của xã hội trước sự gia tăng của tội phạm xâm hại tình dục và tội phạm công nghệ cao.
Qua phiên gặp mặt, đối thoại, đại diện trẻ em các huyện, thành phố đã gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Đối với những ý kiến này, lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành, đoàn thể đã tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan… Một số ý kiến được các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiến hành triển khai thực hiện để hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, bình đẳng và lành mạnh cho mọi trẻ em.
Phát biểu tại diễn đàn, Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã biểu dương tinh thần mạnh dạn bày tỏ ý kiến và kiến nghị của trẻ em đến Ban tổ chức. Bà nhấn mạnh, trẻ em có quyền được học hành, được vui chơi, được sinh hoạt, được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn liên quan đến vấn đề trẻ em… Qua những ý kiến trao đổi giữa các bên, UBND tỉnh Đắk Nông và các sở, ngành liên quan sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ để trẻ em phát triển an toàn, toàn diện, hoàn thiện nhân cách, lý tưởng sống và thực hiện hiện tốt đối với gia đình, xã hội.
Thông qua Diễn đàn, tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được nói lên tiếng nói của mình, đóng góp các ý kiến vào các vấn đề liên quan đến trẻ em; Nâng cao trách nhiệm, hành động của các cấp uỷ, Đảng và chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong việc thực hiện Luật trẻ em, thực hiện các quyền của trẻ em, thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt trong vấn đề bảo đảm an toàn, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đây cũng là một trong các hoạt động thiết thực thể hiện quyền trẻ em và là cơ hội để người lớn lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của thế hệ tương lai tỉnh nhà, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ trẻ em.
Võ Hà