VNHN - Trong phiên giao dịch hôm 23/1, thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu đồng loạt giảm điểm khi các thông tin mới nhất cho thấy virus corona chủng mới gây viêm phổi cấp ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đang lan nhanh, khiến nhà chức trách địa phương phải đóng cửa sân bay và các ga tàu, bến phà, trạm xe buýt ở thành phố 11 triệu dân này.
Theo trang tin tiếng Anh của Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), tính đến chiều 23-1, có tổng cộng ít nhất 620 ca nhiễm virus corona ở Trung Quốc và trên thế giới, trong đó, 17 ca đã tử vong, đều ở tỉnh Hồ Bắc. Tạp chí Tài Kinh dẫn lời các bác sĩ ở Vũ Hán nói rằng số ca nhiễm ở Trung Quốc thể vượt con số 6.000 trong thời gian tới. Virus corona đã lây lan sang Thái Lan (4 ca nhiễm), Macau (2 ca nhiễm), Hồng Kông (2 ca nhiễm) Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (mỗi nơi có 1 ca nhiễm). Nỗi lo về tác động tiêu cực của virus corona đối với các hoạt động kinh tế khiến các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đồng loạt giảm điểm.
Kết thúc phiên giao dịch 23/1, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm mạnh 2,8%, mức giảm mạnh nhất trong ngày giao dịch cuối cùng hàng năm trong lịch sử ba thập kỷ của chỉ số này. Cùng ngày, chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) cũng mất 1,52%, rơi về mức thấp nhất trong một tháng. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản), Kospi (Hàn Quốc) lần lượt giảm 0,98% và 0,93%. Tại châu Âu, tính đến 6 giờ chiều 23-1, theo giờ Việt Nam, chỉ số Stoxx Europe 600 (đại diện cho cổ phiếu của 600 công ty có vốn hóa lớn, vừa và nhỏ tiêu biểu ở 17 nước châu Âu) giảm 0,9%. Giới đầu tư bán mạnh cổ phiếu sau khi nhà chức trách thông báo dừng tất cả chuyến bay và chuyến tàu ra vào TP. Vũ Hán kể từ ngày 23-1.
Ngoài ra, tất cả dịch vụ vận chuyển công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt, phà, xe khách đường dài ở thành phố này đều bị cấm hoạt động. Truyền thông Trung Quốc cho biết lệnh cấm tương tự cũng đã được ban hành tại thành phố 6 triệu dân Hoàng Cương, nằm sát Vũ Hán. Một ga tàu ở Ngạc Châu, một thành phố láng giềng khác của Vũ Hán, cũng bắt đầu đóng cửa từ 12 giờ đêm ngày 23-1. Với lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập ở Vũ Hán, hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ và hãng hàng hàng không tại Trung Quốc chắc chắn bị ảnh hưởng. Giới đầu tư cũng lo ngại virus corona Vũ Hán, nếu lây lan mạnh từ Trung Quốc ra các nước, sẽ kìm hãm tăng trưởng toàn cầu.
Một tuyến đường bị phong tỏa ở thành phố Vũ Hán để ngăn cấm người dân rời khỏi thành phố này.
“Liệu các thị trường chứng khoán đang phản ứng quá đà? Có lẽ, các thị trường phản ứng chưa đầy đủ trước khi Trung Quốc xác nhận virus corona Vũ Hán có thể lây từ người sang người”, Simon Powell, nhà phân tích ở Ngân hàng đầu tư Jefferies, viết trong thư gửi cho các nhà đầu tư. Ông Powell cho rằng mức độ lo ngại của giới đầu tư tăng lên sau khi hôm 22-1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) xác nhận có ít nhất hai ca nhiễm virus corona Vũ Hán do lây từ người qua người. Ban đầu, virus này được cho là lây từ động vật sang người tại một chợ hải sải và động vật sống ở Vũ Hán. Trong khi đó, ông Li Bin, Phó Chủ tịch NHC, cảnh báo có khả năng virus corona đã biến thể, khiến nó lây lan mạnh hơn.
Còn Stevan Tam, Phó giám đốc Công ty Fulbright Financial Group ở Hồng Kông, lại cho rằng thị trường đang định giá cổ phiếu dựa theo diễn tiến lây lan của virus corona. "Các ngành du lịch, bán lẻ và tiêu dùng có thể bị tác động nặng nề nhất. Giới đầu tư đang tự hỏi, dù có thể còn quá sớm, liệu Trung Quốc có giữ được mức tăng trưởng 6% hay không?”, ông đặt câu hỏi. Không chỉ chứng khoán, giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng giảm mạnh về mức thấp nhất trong 7 tuần qua vì giới đầu tư lo ngại rủi ro lây lan rộng của virus corona Vũ Hán có thể đe dọa nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu, khiến nhu cầu dầu suy giảm giống như đã từng xảy ra trong giai đoạn đại dịch virus SARS (gây hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) cách đây gần 20 năm.
Tính đến 5 giờ chiều ngày 23/1, theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tại thị trường London giảm 0,91%, về mức 62,3 đô la/thùng, nối dài đà giảm sang phiên thứ tư, trong khi đó, giá dầu Tây Texas (WTI) tại thị trường New York giảm 0,94%, còn 55,8 đô la/thùng. “Dựa trên các chuyển động giá dầu trong quá khứ, chúng tôi ước tính giá dầu có giảm sốc đến 5 đô la mỗi thùng nếu cuộc khủng hoảng virus corona phát triển thành đại dịch giống như SARS”, các nhà phân tích ở bộ phân nghiên cứu thị trường hàng hóa của Ngân hàng J.P. Morgan viết trong báo cáo gửi cho khách hàng.
Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng cơn bùng phát virus corona ở Trung Quốc giờ đây đã trở thành mối đe dọa quốc tế, có thể cắt giảm nhu cầu dầu toàn cầu khoảng 260.000 thùng/ngày, khiến giá dầu có nguy cơ giảm gần 3 đô la mỗi thùng. Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, nhu cầu nhiên liệu máy bay sẽ suy giảm mạnh nhất nếu các hoạt động đi lại bằng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề.