28/12/2024 lúc 01:52 (GMT+7)
Breaking News

Chùa Mậu Xương: Điểm đến văn hoá tâm linh ấn tượng của huyện Quảng Xương

Được biết đến là ngôi chùa cổ kính với sự linh thiêng, cùng với kiến trúc độc đáo, Chùa Mậu Xương, xã Quảng Lưu huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hoá, từ lâu đã trở thành điểm hẹn văn hóa tâm linh không chỉ của Nhân dân trong vùng mà còn của rất nhiều du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan chiêm bái, thực hành lễ Phật.
Cổng Chùa cổ kính, uy nghi, toạ lạc tại làng Mậu Xương, ngay trung tâm xã Quảng Lưu.

Chùa Mậu Xương là ngôi Chùa cổ có từ thời Trần, cách đây gần 600 năm với bao biến đổi do thiên nhiên và những thăng trầm của xã hội, ngôi chùa vẫn bề thế trên đất phong thuỷ, tâm linh, được Nhân dân trong vùng và du khách thập phương tín ngưỡng. Người dân địa phương và du khách thập phương đến đây với mong ước cho một năm mới may mắn, thành công, hạnh phúc, bình an, thư thái trong tâm hồn và gạt bỏ những lo âu, buồn phiền. Không gian, cảnh quan Chùa thơ mộng và thanh tịnh với những nét cổ kính, những hiện vật lịch sử giá trị vẫn còn bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay.

Theo Ông Lê Duy Cây, Thủ nhang, phó Ban quản lý di tích chùa Mậu Xương chia sẻ: “Đây là ngôi chùa cổ, gắn liền với các nghi lễ truyền thống hàng năm, mang đậm bản sắc văn hoá tín ngưỡng của địa phương. Hằng năm, Nhân dân trong vùng và các phật tử, khách thập phương đến chùa rất đông không những tháng giêng mà còn kéo dài cả năm để hành lễ cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, cầu tự, cầu duyên, gửi khoán, giải hạn đã đi vào tiềm thức của các thế hệ từ trước đến nay về sự linh thiêng, hiệu nghiệm của ngôi Chùa. Hiện hàng năm có khoảng 10.000 gia đình khắp nơi đến gửi khoán cho trẻ nhỏ tại Chùa và đến để giải hạn… Cũng theo Ông, ngôi Chùa có sự đặc biệt, là nội đạo của Việt Nam, là sự kết hợp của 3 đạo: đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão, gọi là Tam Giáo Đồng Nguyên còn gọi là đạo in Đông”…  

Ngôi Chùa có không gian phong thuỷ, kiến trúc đẹp, hài hoà, khung cảnh bình yên và giữ được nét linh thiêng.

Chùa Mậu Xương - hay còn được gọi với cái tên cổ là Tuyết Sơn Phong tự, nằm trên khu đất “Đầu Rồng” có diện tích tự nhiên là 12.500m2. Là ngôi chùa thờ Phật và liệt Thánh nội đạo. Đó là nét văn hóa riêng của Tuyết Sơn Phong tự. Chùa hình thành từ thời Trần, thuở sơ khai chùa có tên là Tuyết Phong; đến thời Lê, chùa có tên là Tuyết Sơn Phong tự. Khi Phật tổ giáng hạ và làng đổi tên thì chùa có tên gọi là Yên Đông. Đến năm 1830, làng Yên Đông lại đổi tên là làng Mậu Xương và từ đây chùa lại mang tên là chùa Mậu Xương cho đến ngày nay. Ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng nội đạo của người dân xã Quảng Lưu huyện Quảng Xương nói riêng và của cả tỉnh Thanh Hoá.

Sự hình thành và ra đời của ngôi chùa Mậu Xương rất đặc biệt. Truyền thuyết kể về sự giáng sinh của Phật tổ và liệt Thánh nội đạo chùa Mậu Xương như sau: Năm Mậu Dần 1578, ông Trần Ngọc Thích, con cái chưa có mà tuổi đã cao, ông đến chùa Tuyết Phong – làng Nguốn cầu nguyện mong có người nối dõi tông đường. Đến năm 1583, bà Hiệu Từ Ái (vợ ông) sinh hạ một nam nhi, dáng mạo khác thường, mặt như trăng rằm, thông sáng hơn người, đặt tên là Trần Ngọc Lành, lớn lên tinh thông võ lược văn thao, sau đổi tên là Trần Ngọc Trân. Vì cha bị bệnh nên ông không làm quan mà vào chùa Tuyết Phong cầu nguyện cho cha, ở đây ông gặp một vị Tôn Sư. Tôn Sư cùng ông vào chùa cầu nguyện và bảo ông đem nước lạnh, tàn nhang về nhà cho cha uống sẽ khỏi bệnh. Quả nhiên đúng như lời Tôn Sư nói.

Người dân dâng hương trước khi vào chính điện.

Năm Bính Dần 1626, ông bỗng thấy trời mây đen tối, vị Tôn Sư xuất hiện trên điện thờ mà nói với ông rằng: Ta với con vốn có tiền nhân, nay đến đây bái đạo vài lời tiễn biệt. Trần Ngọc Trân vội khấu đầu nói: Từ khi được bảy nén hương để lại phụng thờ, một lòng kính mộ, há dám hẹn lại, nay thấy Tôn Sư, xin xả thân đầu giáo, nhưng chưa cởi bỏ tấm thân phàm tục, phỏng biết có được không. Tôn Sư giảng đạo và chỉ cho ngài rằng: Tiền thân con là Quốc Vương Tây Vực, có lòng nhân ái, rất sùng đạo Phật, sau khi hóa thân đã được thụ sắc Na- La- Tri- Phật. Từ đó, đêm đêm Tôn Sư giáng hạ về chùa truyền đạo pháp cho Trần Ngọc Trân.

Năm Mậu Thìn 1628, Trần Ngọc Trân tham gia đào đắp đường huyệt, bắt gặp một bản đồng, trong đó có 40 ấn đồng, ngài mang về chùa, hương đăng cầu nguyện, hai tay vỗ vào nhau thành ấn, mở ra thành quyết, dậm chân luyện pháp cả vùng, phong vũ âm vang. Từ đó ngài đắc đại “Lục trí thần thông” hô phong hoán vũ, ngài là Đức Phật tổ - Thượng Sư Phật Bảo – Tự Pháp Lượng. Từ đây Tuyết Sơn Phong tự còn có tên là chùa Yên Đông vì tên làng Nguốn đã đổi tên thành làng Yên Đông, nay là Mậu Xương, xã Quảng Lưu. Ngài ra tay cứu nhân, giúp đời, dẹp yêu trừ quái. Ngài quy tiên giờ Dậu ngày 28 tháng Giêng năm 1643 (Quý Mùi), thọ 60 tuổi. Từ đó, hàng năm vào ngày 28 tháng Giêng âm lịch, ban trị sự nhà Chùa và Nhân dân địa phương tổ chức nghi lễ giỗ Phật, để kỷ niệm ngày mất của ngài Trần Ngọc Lành, là người phát tích ra đạo nội tràng, ngài là người cứu nhân đội thế, hướng thiện từ bi, trừ tà, trị bệnh, dạy học. Ở thời Lê, chùa xếp theo hình chữ tam và có ba cung thờ phụng...

Các nghi lễ truyền thống diễn ra tại chùa Mậu Xương, mang đậm tính cô kết cộng đồng, góp phần tô điểm thêm nét đẹp văn hoá phi vật thể của dân tộc.

Trước ngày giỗ Phật, tức ngày 27 tháng Giêng âm lịch, ban trị sự nhà Chùa và Nhân dân địa phương tổ chức nghi lễ rước cỗ cụ Chỉ (chỉ con trai cao tuổi nhất của giới nam giới trong làng) đại diện cho dân làng hành lễ cúng phật. Nghi thức bao gồm: Phu kiệu 8 người con trai khoẻ mạnh khênh cỗ đi trước, kèm đi theo có đội bát âm, tiếp theo có 5 người cầm cờ Phật và cờ Thánh; đi theo sau có các cụ nam giới khăn xếp áo lương và hội Phật tử đi theo sau; hội văn nghệ cùng người dân, du khách thập phương đi theo sau. Ngoài ra, vào tối 27 tháng Giêng âm lịch có các chương trình văn hoá, văn nghệ, mừng Đảng, mừng xuân, mừng Đất nước đổi mới do người dân địa phương trong làng, xã tổ chức biểu diễn… Bên cạnh đó, là ngôi chùa gắn liền với sự tích Phật giáng sinh và liệt Thánh (nội đạo). Vì vậy lễ Phật hàng năm có rất nhiều ngày trọng thể như: Lễ Triều dạ đêm giao thừa và 3 ngày tết Nguyên đán. Lễ hội làng ngày 14 và 15 tháng Giêng. Rước Linh vị ở các nghè Thần về chùa. Rước cỗ cụ Chỉ. Lễ huý kỵ Phật Tổ ngày 28/1, rước cỗ cụ Thủ Chỉ trong làng. Ngày 20/5, ngày 8/7 và ngày 23/11 hàng năm làng tổ chức lễ huý kỵ các vị Liệt Thánh. Ngày 5/5 và 15/7 và 8/4 tổ chức lễ Phật và cúng chúng sinh cô hồn. Các ngày lễ trên tổ chức trọng thể và hành lễ theo kinh sách lưu lại của Nội đạo. Các nghi lễ truyền thống diễn ra tại chùa Mậu Xương, mang đậm tính cô kết cộng đồng, góp phần tô điểm thêm nét đậm đà văn hoá phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Đây là những hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng văn hoá tâm linh của Nhân dân địa phương, đồng thời là dịp để quảng bá rộng rãi hình ảnh, con người ở vùng quê nghĩa tình, giàu truyền thống cách mạng… Đây cũng là một trong những điểm đến văn hoá quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của xã Quảng Lưu và huyện Quảng Xương, giai đoạn 2021-2025.

Các hoạt động nghi lễ của nhà Chùa đã thu hút hàng vạn người dân, phật tử và du khách thập phương đến tham dự, hành lễ.

Ngày nay, do nhu cầu của Nhân dân và số lượng khách đến chùa ngày càng nhiều, đặc biệt, hàng năm mỗi độ tết đến, xuân về, người dân trong vùng và bà con phật tử từ khắp nơi đổ về thực hành lễ Phật ở chùa như trẩy hội. Vì vậy được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, nhà Chùa đã đầu tư làm lại mới cung Chính Tẩm bằng gỗ lim (còn lại đều bằng bê tông) và làm thêm nhà khách và bếp ngày càng khang trang, đẹp hơn. Ban quản lý di tích chùa Mậu Xương cũng đã trình lên các cơ quan chức năng để xây dựng thêm nhà viết sớ để phục vụ du khách thập phương đến chùa cầu nguyện.

Về Quảng Lưu hôm nay sẽ cảm nhận được những đổi thay rõ nét của vùng quê NTM Kiểu mẫu này. Hiện nay, để giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân xã Quảng Lưu huyện Quảng Xương đã và đang chú trọng, quan tâm bảo tồn, bảo đảm giữ nguyên được những nét đẹp, giá trị truyền thống cổ xưa của di tích lịch sử - văn hóa. Đồng thời, phát triển văn hóa phi vật thể và tôn tạo, xây dựng ngày càng khang trang theo định hướng văn hóa du lịch trong giai đoạn mới./.

Hải Nam