19/01/2025 lúc 15:20 (GMT+7)
Breaking News

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga: Không chỉ dừng lại ở định vị quan hệ Nga-Trung, điều Bắc Kinh thực sự muốn là gì?

Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga đang trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế. Liệu Bắc Kinh và Moscow có thể tạo ra những bước ngoặt mới cho câu chuyện Nga-Ukraine?

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp năm 2019. (Nguồn: Getty Images)

Chuyến thăm vì hòa bình

Ngày 20/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày tới Nga, chuyến đi mà Bắc Kinh gọi là “chuyến thăm vì hòa bình” khi tìm cách đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới Nga trong gần 4 năm, và được Moscow mô tả là mở ra một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ hai nước.

Theo The Wall Street Journal, chuyến thăm được các nước phương Tây theo dõi chặt chẽ để xem liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev hay không, trong khi ông Tập Cận Bình cũng có thể đang lên kế hoạch cho cuộc điện đàm đầu tiên của mình với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov trả lời các hãng thông tấn Nga rằng ông Tập Cận Bình và ông Putin có cuộc gặp riêng “không chính thức” và dùng bữa tối vào ngày 20/3 trước khi hội đàm vào ngày 21/3.

Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ ký một hiệp định “tăng cường quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược bước vào một kỷ nguyên mới”, cũng như một tuyên bố chung về hợp tác kinh tế Nga-Trung đến năm 2030.

Gần đây, với việc làm trung gian hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran, Bắc Kinh đang rất muốn khẳng định là một “nhà kiến tạo hòa bình” trên thế giới.

Nhân Dân Nhật báo dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân: "Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu và lập trường chính đáng của mình đối với cuộc khủng hoảng Ukraine và đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Mục tiêu của chính sách đối ngoại của Trung Quốc là thúc đẩy sự phát triển chung... Chúng tôi luôn cho rằng đối thoại chính trị là con đường duy nhất để giải quyết các xung đột, tranh chấp".

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó có thể sắp xếp một sự nối lại quan hệ tương tự đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Abanti Bhattacharya, Phó Giáo sư về Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Delhi của Ấn Độ, cho biết Trung Quốc đã có quan hệ tốt với Riyadh và Tehran, nhưng việc đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột Ukraine sẽ khó khăn hơn. Bà Abanti Bhattacharya chia sẻ với AFP rằng dù Trung Quốc có tình hữu nghị chặt chẽ với Nga, Bắc Kinh lại “không có quan hệ chặt chẽ với Kiev và duy trì quan điểm chống NATO mạnh mẽ”.

Trung Quốc đã thể hiện là một bên trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine. Lập trường đó đã vấp phải sự chỉ trích từ các quốc gia phương Tây và nghi ngại Bắc Kinh có thể ngầm ủng hộ Moscow. Các nước phương Tây lập luận rằng các đề xuất của Trung Quốc về chấm dứt xung đột Nga-Ukraine đặt nặng các nguyên tắc nhưng hầu như không có các giải pháp thực tế.

Về phần mình, Tổng thống Putin ngày 19/3 đã hoan nghênh việc Trung Quốc sẵn sàng đóng “vai trò mang tính xây dựng” trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, đồng thời cho biết ông rất “kỳ vọng” về cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng thống Putin nói thêm rằng quan hệ Trung-Nga đang “ở điểm cao nhất” trong lịch sử.

Trung Quốc và Nga đã công bố quan hệ đối tác "không giới hạn" vào tháng 2/2022 khi Tổng thống Putin đến thăm Bắc Kinh để khai mạc Thế vận hội mùa Đông, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Khi ấy, ông Tập Cận Bình đã gọi ông Putin là một “người bạn cũ”.

Nhưng... có nhiều nỗi lo

Theo Wall Street Journal, các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng Trung Quốc muốn nhân chuyến thăm này để củng cố vị thế cho Tổng thống Putin.

Giới chức chính quyền Mỹ vẫn lo ngại rằng Trung Quốc đang cân nhắc chuyển giao vũ khí cho Nga, chủ yếu là đạn pháo. Các cơ quan tình báo Mỹ vừa qua đã kết luận rằng quan hệ Nga-Trung phát triển sâu hơn trong giai đoạn xung đột Nga-Ukraine, ngay cả khi Nga bị nhiều nước cô lập.

Theo nhiều nhà phân tích, kế hoạch hòa bình 12 điểm được Trung Quốc đưa ra mang hàm ý tạo ấn tượng về vai trò trung lập trong thời điểm Bắc Kinh lập kế hoạch cho chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Về phía Ukraine, Kiev được cho là đang thấp thỏm, lo lắng như "ngồi trên đống lửa" theo dõi chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga vì sợ rằng Trung Quốc cuối cùng có thể quyết định cung cấp vũ khí cho đồng minh chiến lược của nước này và ảnh hưởng đến kết quả của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

“Kỳ vọng của Ukraine chỉ ở mức tối thiểu: Đó là mọi thứ không xấu đi”, ông Sergiy Solodky, Phó Giám đốc thứ nhất của nhóm chuyên gia cố vấn Trung tâm Châu Âu Mới ở Kiev nhận định với AFP.

Một quan chức cấp cao của Ukraine cũng trả lời AFP với điều kiện giấu tên rằng: “Ukraine sẽ theo dõi sát sao chuyến thăm này... Nếu họ bắt đầu cung cấp vũ khí (cho Nga), đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với chúng tôi”.

Gần đây, các phương tiện truyền thông phương Tây liên tục thông tin rằng sau chuyến thăm Nga, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa xác nhận thông tin, nhưng cũng không loại trừ khả năng này. Cuộc điện đàm gần đây giữa ngoại trưởng Trung Quốc và Ukraine đang mở đường cho các cuộc trao đổi cấp cao tiếp theo.

Bên cạnh đó, Tổng thống Zelensky từng tiết lộ phía Ukraine đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc và dốc sức thúc đẩy đối thoại giữa lãnh đạo hai nước.

Trong cuộc họp tại Davos mới đây, Tổng thống Zelensky còn tìm cách chuyển bức thư của mình cho phía Trung Quốc. Tất cả những điều này phản ánh sự cấp bách của Ukraine trong việc tìm kiếm đối thoại cấp cao hơn với Trung Quốc. Trung Quốc có đáp ứng các yêu cầu của Ukraine hay không thì còn phụ thuộc vào việc xu hướng cuộc xung đột Nga-Ukraine có rõ ràng hay không.

Kể từ khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc năm 2013, ông Tập Cận Bình đã gặp trực tiếp ông Putin 39 lần. Lần gặp gần đây nhất của hai nhà lãnh đạo diễn ra vào tháng 9-2022, bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Thành phố Samarkand, Uzbekistan.

theo AFP, Reuters

...