07/01/2025 lúc 09:35 (GMT+7)
Breaking News

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người con ưu tú của dân tộc và quê hương An Giang

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên trung, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời - suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên trung, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời - suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tượng đài Bác Tôn ở thành phố Long Xuyên

Với 92 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, được Đảng và Nhà nước phân công giữ nhiều trọng trách, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Bác Tôn sinh ngày 20/8/1888 tại Cù lao Ông Hổ thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) trong một gia đình trung nông. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm, các phong trào yêu nước thất bại và bị đàn áp khốc liệt, không khí chính trị ấy tác động rất sâu sắc đến nhận thức của Bác từ thuở thiếu niên. Bên cạnh đó, quê hương An Giang - giàu nghĩa tình và truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm - đã góp phần bồi đắp những phẩm chất cao quý trong tính cách và tâm hồn Tôn Đức Thắng - vĩ đại trong cái bình thường, bình thường một cách vĩ đại.

Lúc thiếu thời, Bác Tôn đã học Nho học, chữ quốc ngữ và trường Pháp. Bài học làm người, về nhân sinh quan, về tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của Bác được truyền từ người thầy đầu tiên, nhà nho yêu nước Nguyễn Thượng Khách, trong nhóm “Đông Kinh nghĩa thục”. Từ khi còn là người thanh niên có học thức của một gia đình trung nông, Bác Tôn không chọn con đường đi làm thầy thông, thầy ký mà quyết định học làm thợ ở trường Bá Nghệ Sài Gòn và trở thành người công nhân Việt Nam. Hoạt động cách mạng ban đầu của Bác Tôn là tập hợp thanh niên, hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí chống áp bức, bất công. Khi đứng trong hàng ngũ giai cấp công nhân Pháp, Bác Tôn trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia cuộc phản chiến ở Biển Đen, góp phần bảo vệ Nhà nước Xô viết non trẻ vừa hình thành sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Khi trở về nước, Bác Tôn tổ chức Công hội bí mật ở Sài Gòn - Chợ Lớn và được cử làm Hội trưởng.

Tháng 7/1929, Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt và giam cầm ở khám lớn Sài Gòn, sau đó bị kết án 20 năm khổ sai. Đầu tháng 7/1930, Bác Tôn bị đày ra Côn Đảo - “địa ngục trần gian” với bao cực hình dã man của chế độ nhà tù thực dân, khi thì làm công việc khổ sai, khi thì bị nhốt vào hầm xay lúa, nhưng không lay chuyển được ý chí kiên trung, bất khuất, một lòng giữ trọn niềm tin vào cách mạng của người cộng sản. Uy tín và ảnh hưởng của Tôn Đức Thắng đã lan tỏa không những trong những người cộng sản mà còn cảm hóa được một số tù Quốc dân Đảng và tù thường phạm. Cũng chính tại nơi “địa ngục trần gian” này, Tôn Đức Thắng đã tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Côn Đảo và tích cực đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp.

Cách mạng Tháng Tám thành công, từ Côn Đảo trở về, vừa đặt chân lên đất liền, Bác Tôn đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đầu năm 1946, Bác được điều động ra Hà Nội công tác bên cạnh Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ, với trọng trách Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội (tháng 3/1946), Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tháng 11/1946), Bộ trưởng Nội vụ (tháng 4/1947), Trưởng Ban Trung ương vận động thi đua ái quốc (tháng 1/1948), Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội (năm 1948). Tháng 1/1948, Bác được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II (tháng 7/1960), Bác Tôn được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về cõi vĩnh hằng, tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa III đã bầu Bác Tôn làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Phó Chủ tịch nước. Tại kỳ họp này, đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phát biểu chúc mừng có đoạn khẳng định: “…Cụ Tôn Đức Thắng và đồng chí Nguyễn Lương Bằng là hai chiến sĩ lão thành của cách mạng Việt Nam, những người bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam ta…”(1).

Trải qua nhiều trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Bác Tôn luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước; ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường; lòng trung thành, tận tụy; đạo đức trong sáng, mẫu mực, đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản, đúng như trong tác phẩm: Tôn Đức Thắng: Một con người bình thường - Vĩ đại, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “… Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người…”.

Sớm thoát ly gia đình, xa quê hương hoạt động cách mạng nên tình yêu và nỗi nhớ xứ sở vẫn luôn da diết khôn nguôi trong tâm trí Bác. Lần đầu sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Bác về thăm An Giang trong nỗi bùi ngùi xúc động. Mặc dù mấy mươi năm xa quê hương nhưng Bác vẫn giữ nét chân chất của người miệt vườn, luôn ân cần, giản dị, thăm hỏi mọi người. Nhân dân An Giang luôn ghi nhớ lời căn dặn quý báu của Bác: Phải đoàn kết, phấn đấu trở thành một tỉnh giàu mạnh, nhân dân ấm no, ai cũng được học hành như Bác Hồ mong muốn trong Di chúc của Người.

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một chiến sĩ cách mạng kiên trung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là dịp để chúng ta học tập, làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.

Tự hào về sự nghiệp và đạo đức cách mạng trong sáng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đảng bộ và nhân dân An Giang nguyện đoàn kết một lòng, ra sức học tập, công tác, nêu cao ý chí tự lực tự cường, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng thế mạnh, tận dụng thời cơ và các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, xây dựng tỉnh An Giang không ngừng phát triển, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

TS LÊ HỒNG QUANG, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang

(1) “Bác Tôn - nhà cách mạng bất tử”, trong Tôn Đức Thắng, người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2003, tr.24.