Cùng dự và điều hành Hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương cùng nhiều doanh nghiệp trên cả nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, nhấn mạnh tinh thần đồng hành, lắng nghe, chia sẻ với doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, cùng cả nước đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực; bày tỏ chia sẻ với các khó khăn, thách thức và cả hy sinh, mất mát mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua.
Thủ tướng chúc mừng các doanh nghiệp đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên, có những doanh nghiệp thua lỗ, rút lui nhưng cơ bản các doanh nghiệp phát triển được trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả rất đáng trân trọng; kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống, "đồng cam cộng khổ" cùng đất nước và nhân dân, khẳng định truyền thống của dân tộc ta là càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, "biến nguy thành cơ".
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bản lĩnh, lớn mạnh, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Lắng nghe các ý kiến phát biểu, phản ánh của doanh nghiệp tại Hội nghị và phần trả lời, giải đáp của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng khái quát, chia sẻ thêm về những nhóm khó khăn, thách thức chính mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt: Sức ép lạm phát, giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; thiếu hụt lao động cục bộ; khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Cung và cầu bị ảnh hưởng lớn, tình trạng thiếu linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào để sản xuất, giảm đơn hàng cuối năm đang gia tăng, thị trường xuất khẩu có khả năng thu hẹp do các nước nhập khẩu đang gặp khó khăn, nhu cầu giảm.
Các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để; quy mô, năng lực, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế; việc tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chưa được như mong muốn, đổi mới sáng tạo còn hạn chế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… còn gặp khó khăn.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các giải pháp thời gian tới được nêu trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị, nhấn mạnh thêm một số nội dung lớn mang tính chất nền tảng để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
Thứ nhất, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ hai, thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, như thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động…
Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Thứ tư, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý, kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công (gồm vốn Trung ương và địa phương, vốn đầu tư công trung hạn, vốn từ chương trình phục hồi và phát triển, vốn tăng thu, tiết kiệm chi), dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn trong xã hội, trong đó có nguồn vốn của doanh nghiệp.
Thứ bảy, làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số….
Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn cần tập trung triển khai: Một là, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết, còn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai là, tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu
Ba là, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là thần tốc hơn nữa trong tiêm chủng vaccine theo mục tiêu đã đề ra.
Bốn là, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Chính phủ đã dành một khoản ngân sách cho nhiệm vụ này trong chương trình phục hồi và phát triển; đang yêu cầu các cơ quan liên quan chuẩn bị tổ chức hội nghị về vấn đề này trong thời gian sắp tới.
Năm là, đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thủ tướng khẳng định chưa bao giờ chúng ta dành nguồn lực lớn như trong nhiệm kỳ này cho phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Các doanh nghiệp tham gia vào các công trình hạ tầng chiến lược cũng phải vào cuộc trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", chung sức, đồng lòng cùng cả nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Sáu là, cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh triển khai thủ tục trực tuyến, tránh giao tiếp trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, không gây khó khăn mà tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, chống tham nhũng, tiêu cực, thủ tục "lòng vòng", sách nhiễu, kể cả tham nhũng vặt.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong dài hạn, Thủ tướng yêu cầu: Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp xây dựng định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững.
Thứ hai, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Đối với cộng đồng doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn hiện nay, thích ứng với giai đoạn mới.
Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, cùng với công nghệ và phương thức, mô hình kinh doanh. Đảng và Nhà nước ta đã xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp cũng phải quán triệt tinh thần này.
Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp cần tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất, kinh doanh. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam không chỉ sẵn sàng tham gia vào chuyển giao công nghệ mà còn có khả năng đổi mới, sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ mới.
Cùng với đó, cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; cạnh tranh lành mạnh, tăng cường chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước; đi cùng nhau, tất cả cùng chiến thắng.
Doanh nhân Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản sắc Việt Nam: Có lòng yêu nước, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, có bản lĩnh, trí tuệ, ý thức tuân thủ pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
"Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh: Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và sức mạnh đoàn kết đã giúp Việt Nam "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Vì một cộng đồng doanh nghiệp chủ động thích ứng, phát triển bền vững, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ấm no và hạnh phúc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, của doanh nghiệp, đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn.
Mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp hãy là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Chính phủ sớm giành được chiến thắng trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển bền vững", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng chúc cộng đồng doanh nhân Việt Nam sức khỏe, bền bỉ, tự tin, vững bước vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay, phát triển ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, xây dựng hình ảnh doanh nhân có bản sắc Việt Nam, tiếp tục đóng góp nhiều hơn vào quá trình xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp./.