14/12/2024 lúc 23:53 (GMT+7)
Breaking News

Chính sách xanh tác động mạnh mẽ đến xu hướng thu hút đầu tư

Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thấy sự cần thiết phải ban hành chính sách xanh, tích hợp các mục tiêu môi trường trong hoạch định chính sách kinh tế.

Thương mại xanh, đầu tư xanh

Tiến trình toàn cầu hóa đã diễn ra sâu rộng với việc các quốc gia tích cực dỡ bỏ các rào cản thương mại, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư khiến dòng thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế gia tăng mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua.

Tăng trưởng thương mại và đầu tư trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế song cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng suy thoái môi trường ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước, mất đa dạng sinh học.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu phát thải khoảng 20-30% lượng khí thải carbon toàn cầu, dẫn đến biến đổi khí hậu.

Đối mặt với những vấn đề này, nhiều quốc gia đã nhận thấy sự cần thiết phải ban hành chính sách xanh, tích hợp các mục tiêu môi trường trong hoạch định chính sách kinh tế. Các nước Liên minh Châu Âu (EU) đang nỗ lực điều chỉnh chính sách thương mại phù hợp với những tham vọng môi trường. Chính quyền Mỹ đã cam kết tái tham gia vào WTO đồng thời tái thiết lập lại vai trò ngoại giao đa phương về môi trường.

Bên cạnh những lợi thế giảm chi phí lao động và sản xuất do toàn cầu hóa mang lại, một số quốc gia phát triển đã tích cực chuyển dịch chuỗi cung ứng ra nước ngoài nhằm giảm phát thải carbon. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển lại bị động trước các chính sách xanh do đã quen thuộc với các quy định về môi trường lỏng lẻo hơn và không có đủ nguồn lực để chuyển sang xanh hóa.

Chuỗi hội thảo thường niên về Hợp tác và Hội nhập kinh tế quốc tế (CIECI) được khởi xướng từ năm 2013. Tiếp nối thành công trong những năm trước, Hội thảo lần thứ 12 (CIECI 2024) với chủ đề: "Chính sách và Thực hành xanh: Chất xúc tác hay Sức ép cho Thương mại và Đầu tư" được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội với mục đích tăng cường trao đổi học thuật và thực tiễn, cung cấp diễn đàn cho các học giả, các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng mới và kết quả nghiên cứu về kinh nghiệm triển khai thương mại xanh và đầu tư xanh.

Chia sẻ tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách xanh hóa nền kinh tế đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng chảy thương mại và đầu tư trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

PGS.TS. Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Theo thông tin từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu phát thải khoảng 20-30% lượng khí thải carbon toàn cầu, dẫn đến biến đổi khí hậu.

Trước những vấn đề này, nhiều quốc gia trên thế giới nhận thấy sự cần thiết phải ban hành chính sách xanh, tích hợp các mục tiêu môi trường trong hoạch định chính sách kinh tế. Cụ thể, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực điều chỉnh chính sách thương mại phù hợp với những tham vọng môi trường. Chính quyền Mỹ đã cam kết tái tham gia vào WTO đồng thời tái thiết lập lại vai trò ngoại giao đa phương về môi trường. Bên cạnh những lợi thế giảm chi phí lao động và sản xuất do toàn cầu hóa mang lại, một số quốc gia phát triển đã tích cực chuyển dịch chuỗi cung ứng ra nước ngoài nhằm giảm phát thải carbon.

Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển lại bị động trước các chính sách xanh do đã quen thuộc với các quy định về môi trường lỏng lẻo hơn và không có đủ nguồn lực để chuyển sang xanh hóa.

Trong khi đó, GS. Anuj Kumar, Trưởng ban Nghiên cứu, Trường Kinh doanh Rushford (Thuỵ Sỹ) cho biết: Ấn Độ đang thu hút các dòng vốn FDI vào các lĩnh vực năng lượng mặt trời, gió và hydro xanh. Sự tập trung ngày càng tăng vào tính bền vững này không chỉ hỗ trợ an ninh năng lượng của Ấn Độ mà còn phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài.

Thách thức khả năng cạnh tranh

PGS. TS. Vũ Thanh Hương, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Trường Đại học Kinh tế), Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Việc EU đưa ra Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) có thể tác động đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành thâm dụng carbon như: Dệt may, giày dép và thép.

Rào cản thương mại mới này có thể khuyến khích các ngành công nghiệp của Việt Nam đầu tư vào các hoạt động bền vững, nhưng nó cũng có thể thách thức khả năng cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thiếu nguồn lực cho quá trình chuyển đổi xanh.

Còn theo GS. Yovogan Marcellin, Trường Đại học Sofia (Bulgaria): Việc triển khai các yêu cầu về tài chính xanh và ESG có thể nâng cao hiệu quả tài chính của các công ty công nghệ tài chính bằng cách thu hút các nhà đầu tư có ý thức xã hội và mở rộng khả năng tiếp cận các cơ hội tài trợ xanh. Ông cũng lưu ý, chi phí tuân thủ liên quan và nhu cầu tích hợp các hoạt động bền vững vào hoạt động ban đầu có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ tài chính có quy mô nhỏ.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khi biến đổi khí hậu và tính bền vững của môi trường trở thành trọng tâm trong cả chương trình nghị sự công và tư, các quốc gia và công ty ngày càng áp dụng các chính sách xanh nhằm mục đích giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy năng lượng tái tạo và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Các thỏa thuận quốc tế, quy định xanh hóa trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có vai trò định hình chính sách xanh của các quốc gia. Hướng đến đầu tư và thương mại xanh, các quốc gia sẽ mở rộng cơ hội thương mại quốc tế, dòng vốn FDI sẽ tập trung hơn đến phát triển ngành công nghiệp bền vững.

Song các quốc gia sẽ gặp phải nhiều rào cản, đặc biệt là về chi phí và mức độ rủi ro cao. Do vây, những hàm ý chính sách sẽ được các tác giả đưa ra nhằm giúp các chính phủ và doanh nghiệp vượt qua những thách thức nảy sinh trong quá trình hướng đến xanh hóa hoạt động thương mại và đầu tư.

Nhật Nam - The VGP

...