Đó là đánh giá của ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Thuế về chính sách và thủ tục hành chính thuế của Việt Nam trong thời gian qua.
Ảnh minh họa
Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay?
Thời gian qua, nhiều DN Hàn Quốc tại Việt Nam đều đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Thậm chí, ngày càng có thêm nhiều công ty Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư, hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong tương lai. Theo thống kê, đến nay có khoảng 900 DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Hàn Quốc hồi tháng 11/2021 đã có 27 thoả thuận, bản ghi nhớ hợp tác, hợp đồng đã được ký kết với trị giá gần 10 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý có 2 dự án đầu tư trị giá lên tới 1,6 tỷ USD và 2 tỷ USD của DN Hàn Quốc vào Việt Nam. Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng các DN Hàn Quốc vẫn quyết tâm tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN Hàn Quốc đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành chủ trương cách ly 3 ngày tại nhà đối với những người nước ngoài vào Việt Nam cho thấy, Việt Nam đang hết sức tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, trong đó có các DN Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu kép vừa ngăn chặn dịch Covid-19 vừa phát triển, tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực phân phối và tìm kiếm nguồn vắc xin. Việt Nam tự hào là quốc gia có môi trường đầu tư tối ưu với chi phí lao động thấp cũng như các chính sách ưu đãi của Chính phủ với các DN. Các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm… cho cả DN trong và ngoài nước đang được tích cực triển khai đã cho thấy những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư. Với những chính sách này, cộng đồng DN Hàn Quốc đang có niềm tin rất lớn vào Chính phủ Việt Nam. Tôi cũng cho rằng, việc hợp tác của Việt Nam với Hàn Quốc-một cường quốc về lĩnh vực công nghệ thông tin, được kỳ vọng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chắc chắn rằng các công ty về lĩnh vực công nghệ của Hàn Quốc sẽ tích cực cân nhắc đầu tư vào Việt Nam.
Vừa qua 2 bên đã có thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số. Đây là vấn đề khá quan trọng, vì Việt Nam đang trong giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, còn Hàn Quốc triển khai từ khá lâu. Với nguồn chất xám dồi dào của 2 bên, việc hợp tác sẽ không chỉ đóng góp lớn cho nền kinh tế số của Việt Nam mà còn góp phần quản lý thuế và thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử hiệu quả hơn.
Như ông nói, thuế là yếu tố rất quan trọng trong quyết định đầu tư của DN. Vậy, ông đánh giá như thế nào về các chính sách và thủ tục hành chính thuế của Việt Nam, trong đó bao gồm cả các giải pháp về thuế hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?
DN FDI cũng là động lực quan trọng trong giải quyết vấn đề việc làm, lao động, kim ngạch xuất nhập khẩu và ổn định tỷ giá ngoại tệ… nói chung đóng góp rất nhiều vào sự phát triển chung của kinh tế Việt Nam. Vì thế, muốn thu hút đầu tư FDI, thì những chính sách đi kèm với đó phải rất thiết thực và mang tính ổn định dài lâu, và thuế là một trong những vấn đề như thế.
Bản thân tôi và cả các DN Hàn Quốc tại Việt Nam lúc nào cũng quan tâm đến các chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế, bởi đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình hoạt động của DN. Việt Nam đang áp dụng hệ thống chính sách, quản lý thuế hoàn chỉnh với những cải cách mạnh mẽ hướng đến nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.
Nhìn lại những năm qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế luôn theo dõi sát tình hình thực tế, nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền để ban hành hoặc sửa đổi pháp luật về thuế với nhiều chính sách hỗ trợ DN kịp thời, hiệu quả trước những biến động, khó khăn. Nhờ đó, chính sách thuế của Việt Nam đã ngày càng rõ ràng, minh bạch, theo chuẩn quốc tế và ổn định hơn, còn các thủ tục hành chính thuế ngày càng đơn giản, thuận tiện nên các nhà đầu tư cũng yên tâm hơn.
Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Việt Nam mà cụ thể là Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN cả trong và ngoài nước thông qua việc miễn, giảm, giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí cho cả DN và người dân. Tất nhiên, đối với các DN nước ngoài thì mức hỗ trợ này chưa phải là quá cao, song nói chung nhiều công ty cũng đã có thể được hưởng từ các chính sách này. Bên cạnh đó, cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, công nghệ thông tin đã được ngành thuế áp dụng ở tất cả các khâu trong công tác quản lý, từ kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, cho đến hoàn thuế điện tử… thuận tiện cho DN. Với việc triển khai hóa đơn điện tử bước đầu ở 1 số tỉnh, TP cũng cho thấy đây là một giải pháp đúng trong bối cảnh nền kinh tế số vừa tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế và giúp DN giảm chi phí.
Một điều tôi cũng muốn nói tới đó là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng rất quan tâm đến vấn đề đối thoại với cộng đồng DN Hàn Quốc. Hàng năm, các DN Hàn Quốc đều được tham gia các buổi đối thoại về chính sách thuế, hải quan do Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tổ chức, qua đó, nhiều vấn đề vướng mắc đã đươc trao đổi và giải đáp.
Tổng cục Thuế là cơ quan cực kỳ quan trọng của Chính phủ Việt Nam thực hiện công tác thu ngân sách, đảm bảo và quản lý thuế hiệu quả, minh bạch, công bằng. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực cực kỳ quý báu của Lãnh đạo Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp thời gian qua đã quan tâm, giúp đỡ cộng đồng DN Hàn Quốc tại Việt Nam. Để ghi nhận những đóng góp của ngành thuế Việt Nam đối với cộng đồng DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, vừa qua, thay mặt Chính phủ Hàn Quốc, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam đã trao tặng bằng khen của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc và Kỷ niệm chương của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Hàn Quốc cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, gúp đỡ của các cơ quan thuế để DN Hàn Quốc hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Từ thực tế hoạt động của DN Hàn Quốc tại Việt Nam thời gian qua, ông có kiến nghị gì đối với các chính sách thuế trong thời gian tới?
Mặc dù chính sách và thủ tục hành chính thuế của Việt Nam đã tốt lên rất nhiều, nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng nó sẽ tiếp tục tốt hơn nữa trong tương lai. Các DN cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hướng dẫn của cơ quan thuế trong môt số trường hợp cụ thể, cũng như trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Đặc biệt, các DN nhỏ và vừa của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam là những đối tượng dễ bị tổn thương do trước tác động của dịch Covid-19 rất cần tiếp tục nhận được quan tâm hơn nữa về các chính sách hỗ trợ về thuế, phí. Đặc biệt, mặc dù Việt Nam đã có chính sách giảm thuế TNDN, GTGT, TNCN hỗ trợ cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 trong năm tài chính 2021, nhưng một số DN FDI Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo cũng chịu nhiều thiệt hại, tổn thất và vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình khôi phục, nên cũng cần được xem xét để hưởng ưu đãi. Đối với hóa đơn điện tử, tôi cho rằng cần có thời gian để DN làm quen, bên cạnh đó cần bổ sung pháp lý chặt chẽ để tập đoàn kinh tế lớn hay tiểu thương cũng phải thực hiện…
Xin trân trọng cảm ơn ông!