Đối với các doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ là chìa khóa giúp phục hồi sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh.
Ảnh minh họa - TL
Điều đó cũng có nghĩa là, động lực tăng trưởng hợp lý đối với Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới là tăng năng suất với mức độ đóng góp phải ngày một cao hơn và có xu hướng tăng lên, đạt được nhờ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) ở quy mô toàn nền kinh tế.
Thực trạng đầu tư phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam
Trong thời gian qua, phát triển KH&CN, ĐMST được nhấn mạnh trong nhiều văn bản chính sách của Nhà nước như: Quyết định 569/QĐ-TTg năm 2022 về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Quyết định 36/QĐ-TTg năm 2021 về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tháng 6/2020, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số…. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, đầu tư vào khoa học và công nghệ tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 0,6% GDP, thấp hơn 4 lần so với mức trung bình thế giới. Trong khí đó, 15 năm qua, Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại các doanh nghiệp đã trích lập hàng tỷ USD, nhưng khó giải ngân, tỷ lệ tồn đọng cao, mặc dù nhu cầu nghiên cứu ngày càng lớn. Mục tiêu hiện nay của nước ta là chi 2% GDP cho lĩnh vực này. Đó là một cố gắng lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, một mặt mức đầu tư cho khoa học công nghệ của nước ta còn thấp, nhưng mặt khác việc tận dụng nguồn đầu tư cũng chưa tốt. Nghĩa là, không phải không có nguồn chi, mà là chưa đủ đề tài, dự án khả thi để có thể chi. Nghĩa là vấn đề nằm ở đổi mới cơ chế để giải phóng nguồn lực, nhất là với các quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Ở một góc nhìn khác, số liệu phân tích tỷ trọng đóng góp của các yếu tố đầu vào đối với tăng trưởng cho thấy, đóng góp của năng suất luôn chiếm tỷ trọng lớn, lên tới trên 70% ở các nước phát triển và trên 50% ở các nước Đông Nam Á. Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông được ước tính có ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP từ 1,4% ở các thị trường mới nổi. Hơn nữa, ở cấp độ tổng thể nền kinh tế, ước tính rằng chỉ số phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số tăng 1% có tiềm năng thúc đẩy tăng 0,13% GDP bình quân đầu người. Bên cạnh đó, qua tính toán cho thấy, các mô hình tăng trưởng kinh tế đều khẳng định tăng năng suất thông qua ứng dụng các nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) là động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia.
Ở nước ta, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nếu như thời gian trước, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là 70-30 (tức là 70% đến từ nhà nước và 30% đến từ doanh nghiệp), thì nay, con số này nâng lên thành 50-50. Đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tối ưu nguồn vốn đầu tư, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển - hoạt động trọng tâm của phát triển KH&CN, ĐMST - sẽ tác động đến năng suất thông qua hai kênh: (1) Nghiên cứu và phát triển sẽ giúp tạo ra hoạt động đổi mới quy trình cho phép các sản phẩm hiện tại được sản xuất hiệu quả hơn và chất lượng hơn. (2) Việc phát triển năng lực hấp thụ sẽ là điều kiện để nhận dạng, đồng bộ hóa và khai thác các hoạt động ĐMST được tiến hành bởi các doanh nghiệp và các chuyên viên trong các đơn vị khác nhau và từ đó dẫn đến sự cải thiện trong năng suất. Đồng thời, quá trình CĐS đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, là một trong các yếu tố quan trọng hỗ trợ tiếp cận nhiều hơn với thông tin và các cơ hội hợp tác nghiên cứu và phát triển, từ đó tạo ra cơ hội việc làm, chuyển giao kỹ năng và hiệu quả, và minh bạch hơn trong chính trị và kinh doanh của các quốc gia.
Trong hoạt động ĐMST, Việt Nam chủ trương phải hoàn thiện 3 yếu tố, bao gồm: Cộng đồng các doanh nghiệp; Các hộ gia đình, người dân và các tổ chức nghề nghiệp sáng tạo (giáo dục, khoa học - công nghệ); Bộ máy quản trị quốc gia. Vì vậy, Quốc hội đã ban hành khung pháp lý nhằm hỗ trợ ĐMST gồm các luật: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật chuyển giao công nghệ; Luật đầu tư 2020... Trong định hướng xây dựng ĐMST quốc gia, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò làm trung tâm đổi mới. Việc kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Trong lộ trình phát triển, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 là quốc gia có công nghiệp hiện đại, nhưng nếu không có chiến lược phát triển khoa học công nghệ hiệu quả thì Việt Nam sẽ gặp phải cái “hố” năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình...
Những vướng mắc và giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển khoa học công nghệ?
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại hạn chế trong lĩnh vực này. Theo đó, chính sách, pháp luật về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, tài sản công, thuế để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, có tác động lan tỏa đến doanh nghiệp trong nước còn chưa đồng bộ, thống nhất; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên nguồn lực để gắn hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh công nghệ mới tiếp cận với thị trường. Đồng thời, thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển; Đổi mới công nghệ chưa trở thành nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp do quy mô còn nhỏ và hạn chế về năng lực tài chính, năng lực quản lý. Việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào cuộc sống vẫn còn chậm và yếu.
Thực tế ở nước ta cho thấy, thị trường KHCN phát triển còn chậm; Chưa khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều phát minh, sáng chế trở thành sản phẩm cuối cùng và thương mại hóa. Các hoạt động nghiên cứu khoa học mới tập trung tại các trung tâm, viện nghiên cứu, tính ứng dụng chưa cao; chưa có cơ chế phát huy tính sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học trong xã hội. Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm, đóng vai trò quyết định cho đổi mới sáng tạo. Mối liên kết giữa nghiên cứu với đào tạo, giữa nghiên cứu thị trường và doanh nghiệp còn yếu...
Vấn đề là làm sao để có được sự gắn kết, phối hợp thực sự và hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ với các doanh nghiệp để sản phẩm KHCN được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Thực tế cũng đã có nhiều doanh nghiệp thành lập Quỹ Phát triển KH&CN, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp mạnh, các tập đoàn, tổng công ty thường có quy mô quỹ phát triển KHCN rất lớn. Nhưng, tỷ lệ giải ngân của quỹ này lại còn rất thấp, hầu như mới tập trung vào một số ít hoạt động có tính chất nghiên cứu, còn đầu tư vào việc đổi mới công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước mới dừng lại ở giai đoạn tạo ra kết quả KHCN mà chưa tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường cho sản phẩm mới; trong khi giai đoạn thương mại hóa lại tiềm ẩn nhiều rủi ro không kém giai đoạn nghiên cứu và phát triển.
Vừa qua, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN thay thế cho Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC quy định về quản lý Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Trong đó, về cơ bản loại bỏ các quy định có tính cứng nhắc về mặt quy trình và thủ tục với việc triển khai các nhiệm vụ, hoạt động sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN. Mặc dù vậy, để thực sự khơi thông nguồn tài chính này, các cơ quan xây dựng chính sách cần thấy được tính đặc thù và nhu cầu thực sự đối với hoạt động KH&CN tại doanh nghiệp để sớm có những điều chỉnh phù hợp.
Thực ra, doanh nghiệp nào cũng muốn có điều kiện đầu tư cho nghiên cứu, hoặc chí ít là ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh. Nhưng gần như doanh nghiệp lại không có nhiều sự lựa chọn về tài chính. Muốn thúc đẩy nền sản xuất thông minh, nhất định phải có hệ điều hành, nhà máy thông minh để khai thác một cách có hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp, nhưng việc đầu tư vào những giải pháp này đòi hỏi chi phí rất lớn, nhiều khi vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó lại đang tồn tại một nghịch lý là doanh nghiệp cần công nghệ, trong khi viện nghiên cứu, trường đại học có kết quả nghiên cứu nhưng lại không chuyển giao được vì sự thiếu đồng bộ giữa các luật khác nhau. Khó khăn hiện nay là ngân sách nhà nước dành cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn hạn hẹp. Doanh nghiệp không được tham gia vào quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Cho nên, để KH&CN thực sự phát triển đáp ứng kịp thời sự phát triển đất nước, một điều rất quan trọng là Nhà nước cần có đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo một cách tương xứng, cả về nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu, cả về cơ chế thuận lợi cho nhà khoa học, nhà đầu tư trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Đây vẫn là khâu yếu của nước ta.
Bên cạnh đó, ngay cả chính sách thuế cũng vẫn chưa khuyến khích được các doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ. Trong điều kiện hiện nay, ngoài nhận thức tích cực của doanh nghiệp, rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của các bộ, ngành. Trong đó, Nhà nước cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ các chính sách đất đai, điều kiện vay vốn đổi mới công nghệ, chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ. Việc có được cơ chế đủ để khuyến khích việc liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học công nghệ với các tổ chức, cá nhân cần công nghệ ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và đời sống; tư vấn, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm công nghệ cao ứng dụng vào trong sản xuất, kinh doanh và đời sống nhằm tạo ra sự đột phá trong việc giải quyết các vấn đề xã hội là rất cần thiết.
Ở tầm vĩ mô, nhà nước và các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bảo đảm sự đồng bộ, hài hòa của hệ thống pháp luật khoa học và công nghệ với hệ thống pháp luật về thuế, đầu tư, đầu tư công, các quy định về mua sắm công nhằm tạo động lực khuyến khích cho việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới, phát triển công nghệ. Trong đó tập trung sửa đổi bổ sung Luật Khoa học và công nghệ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử… Cần tăng cường xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp. Sửa đổi và hoàn thiện các quy định về tài chính để doanh nghiệp có thể huy động tối đa các nguồn lực. Tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có các cơ chế, chính sách ưu tiên các dự án công nghệ cao có đi kèm lộ trình bảo đảm thực hiện việc chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, cá nhân người nước ngoài cho các doanh nghiệp của Việt Nam… Tóm lại, chính sách đầu tư cho khoa học – công nghệ cần phải đủ mạnh và đủ tầm phát triển, mới tạo được những bước đột phát và sự phát triển xứng tầm trong lĩnh vực khoa học – công nghệ nước ta./.
TS Trần Xuân Tựu