25/04/2024 lúc 05:07 (GMT+7)
Breaking News

Chiến trường không tiếng súng - Kỳ 1: Bác sĩ đâu cần là anh hùng!

Không khói lửa, không tiếng súng, không mưa bom bão đạn..., cuộc chiến của hành trình gần 600 ngày “chống giặc Covid - 19” âm thầm mà tàn khốc và đau thương. Chiến trường nơi tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đã đầu quân hơn 24.000 nhân lực y tế tham gia hỗ trợ. Khoảng 2.300 nhân viên trong số đó bị phơi nhiễm khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, 2 điều dưỡng và một bác sĩ ra đi mãi mãi.

Sẵn sàng đối mặt với cam go, thử thách, kiên cường bền bỉ vượt qua mọi bão giông, hiểm nguy; sức mạnh của sự đồng cảm sẻ chia, của tình yêu thương và lòng nhân ái đã chiến thắng “kẻ thù virus” vô hình nguy hiểm. Ở nơi nóng bỏng nhất, trên những địa bàn nguy hiểm nhất, khi nhân dân cần nhất, những “chiến binh áo trắng” Thái Bình xứng đáng là lực lượng chi viện tuyến đầu, làm tròn sứ mệnh cao cả bảo vệ tính mạng và sức khỏe của Nhân dân.

Tạp chí Việt Nam Hội nhập giới thiệu cùng bạn đọc bút ký “Chiến trường không tiếng súng” của tác giả Phạm Nguyễn Hồng Quang phần nào khắc hoạ và truyền tải đến bạn đọc về “chiến trường khốc liệt này”. “Sinh ra trong cõi hồng trần, đời người phải lấy chữ nhân làm đầu”, các anh, các chị những “chiến binh áo trắng” đẹp mãi trong lòng nhân dân.

KỲ I: BÁC SĨ ĐÂU CẦN LÀ ANH HÙNG!

Sân bay Tân Sơn Nhất một ngày trung tuần tháng 7 không còn cảnh ồn ã, náo nhiệt của một cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam. Cơn mưa rào bất chợt như nàng thiếu nữ đỏng đảnh với tính khí thất thường đón đoàn cán bộ y tế đầu tiên của Thái Bình vào chi viện càng làm cho không khí vắng lặng trên các tuyến phố như thêm hiu hắt. Vẫn biết Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng thực sự mọi người không thể hình dung nổi cảnh tượng thực tại trước mắt ở chốn đô thị phồn hoa vốn trước đó sôi động là thế. Và rồi thêm một lần bất ngờ khi sự tưởng chừng như quá đỗi yên ả đó chỉ là trạng thái tạm thời ngưng nghỉ của những tiếng còi hú liên hồi từ các đoàn xe cấp cứu ken dày các phố. Bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trưởng đoàn chi viện đùa vui với chúng tôi rằng đó chính là “đặc sản” của Sài Gòn trong gần 90 ngày anh ở đó.

Tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày, hệ thống y tế quá tải. Huy động nhân lực từ trung ương và các địa phương, Bộ Y tế ra lời kêu gọi sự hỗ trợ kịp thời và tích cực chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Chỉ tiêu giao quân số về Khoa Cấp cứu, không suy nghĩ nhiều, Tùng nói với Trưởng khoa: Thôi anh ở nhà, để em đi! Nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn, những lo lắng ập đến trong Tùng, bởi tất cả các thành viên trong đoàn mặc dù đều là sức trẻ, nhiều nhiệt huyết, tình nguyện xung phong lên đường không xác định ngày trở về; nhưng tất cả chưa có kiến thức chuyên môn thực tế về chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid – 19, chưa từng thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn... Lúc đó, đoàn chi viện cho Bắc Giang vừa mới trở về, chưa hết thời gian thực hiện 21 ngày cách ly theo quy định; việc học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm trực tiếp, kịp thời là không thể. Cũng đúng ngày lên đường, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6 – nơi đoàn sẽ vào hỗ trợ bất ngờ gọi điện thông báo đã có sự tiếp ứng từ đoàn Quảng Ninh. Lại thêm tâm lý lo lắng vì bước chân đi rồi còn chưa biết vào Sài Gòn sẽ hỗ trợ ở đâu...

8 ngày chi viện cho Khoa Hồi sức Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch – tuyến cao nhất điều trị bệnh nhân về phổi, đặc biệt là lao phổi, 60 “chiến binh” bắt đầu bước vào một trận chiến hoàn toàn mới lạ, chưa có ai từng được tham gia. Tùng đôn đáo vất vả trong cả hai vai: vừa đảm bảo công tác quản lý, điều hành thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ của một bác sĩ chuyên môn.

Để đảm bảo quá trình vận hành tốt nhất, có thể kịp thời thực hiện hỗ trợ giữa các thành viên, Tùng thiết lập lịch trình di chuyển thống nhất chung, đồng thời phân chia thành các kíp, ca trực cụ thể để mọi người chủ động. Bắt nhập nhanh được guồng quay của công việc hoàn toàn mới, nhưng hầu hết anh em khi mới tiếp cận đều rơi vào trạng thái “sốc” tâm lý. Số bệnh nhân nặng đông không xuể, lại chủ yếu là bệnh nhân thở máy với con số thường xuyên lên tới 50 người, trong đó 30 người phải sử dụng máy thở xâm nhập, máy trợ thở oxy dòng cao, lọc máu.... Vì thế, số bệnh nhân tử vong cũng ngày một nhiều hơn, trung bình chỉ tính riêng trong Khoa Hồi sức, mỗi ngày có tới hơn 10 bệnh nhân ra đi. Nguy cơ phơi nhiễm trong thực hiện nhiệm vụ cũng là vấn đề đáng báo động khi tính đến thời điểm đó, đoàn Quảng Ninh đã có 16 nhân viên y tế xét nghiệm dương tính với Covid – 19.

Đoàn Quảng Ninh rút quân, đoàn Thái Bình lại bổ sung chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 6 tại khu tái định cư phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức. Để thực hiện nhiệm vụ ban đầu là thiết lập và vận hành Khoa Cấp cứu công suất 200 đầu oxy trung tâm với nhân lực 75 cán bộ y tế, bao gồm 26 bác sĩ và 49 điều dưỡng; Tùng đã đích thân trực tiếp đi khảo sát thực tế, chọn vị trí phù hợp, đồng thời chủ động tư vấn cải tạo công năng. Sau 2 tuần, Khoa Cấp cứu chính thức đi vào hoạt động với số bệnh nhân tiếp nhận ban đầu chỉ dừng ở con số 25, sau đã nhanh chóng tăng lên 170 – 180 bệnh nhân nặng thở oxy ở cả 3 dòng kính, Mask và HFNC. Bệnh nhân ngày càng quá tải nên dù đã chia 3 ca 4 kíp làm việc liên tục trong ngày vẫn không xuể. Áp lực đè nặng lên vai cán bộ y tế, nhất là ở khoa điều trị đặc biệt này, ngày nào cũng có bệnh nhân tử vong gây ám ảnh tâm lý... Chưa kể các trang thiết bị phòng hộ của Bệnh viện cung cấp không đủ, nhân viên y tế khoác trên mình bộ đồ bảo hộ suốt nhiều tiếng liền trong thời tiết nóng bức, bộ quần áo bên trong ướt sũng như nhúng nước, người cảm lạnh, người choáng ngất...

Căng thẳng là thế, mệt mỏi là thế, có những lúc nản chí muốn bỏ cuộc “đảo ngũ” là thế, song vì sức khỏe bệnh nhân, đặt lương tâm, y đức nghề nghiệp lên trên hết, 60 chiến binh cũng vượt qua. Những tin nhắn cảm ơn của bệnh nhân khi ra viện, những trường hợp bệnh nhân phục hồi một cách ngoạn mục, số bệnh nhân nặng giảm đi, tỷ lệ bệnh nhân tử vong không còn nhiều mỗi ngày... là động lực, là nguồn vui vô tận, là cả bến bờ hạnh phúc của những chiến binh áo trắng.

Chạy đua với tất cả, họ thầm lặng cống hiến, muốn cho đi thật nhiều, cho đi tất cả mà không mưu cầu nhận lại, chỉ cần nụ cười người bệnh ngày càng nhiều hơn. Vì bệnh nhân, bác sĩ đâu cần là anh hùng!

Còn với Đoàn trưởng Vũ Sơn Tùng, gần 90 ngày trải nghiệm nơi tâm dịch là ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời làm nghề. Ký ức ấy là sự khốc liệt của đau thương, là nỗi ám ảnh day dứt khôn nguôi về những bệnh nhân trẻ dù đã tận tâm, tận lực cứu chữa hết sức nhưng vẫn không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Nhưng ký ức ấy còn là những dư âm vang vọng của nghĩa tình đồng bào đùm bọc, thân thiện, biết sống cho nhau, vì nhau. Ký ức ấy cũng là mốc đánh dấu sự trưởng thành ngoạn mục trong chuyên môn, mở mang tầm mắt “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”; là những mối quan hệ thân thiết, rộng mở khắp mọi miền Tổ quốc.

Hơn tất cả, hành trang của 90 ngày trở thành cuốn cẩm nang vô giá để Tùng áp dụng thực tế trong xây dựng, vận hành cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Thái Bình ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về. Và cũng rất đỗi tự hào, chàng trai trẻ ấy, cánh chim đầu đàn ấy đã thực sự chiến thắng trở về từ cuộc chiến chống Covid-19 không ít gian nguy và thách thức, như ông nội năm nào cũng chiến thắng trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ gian khổ.

Phạm Nguyễn Hồng Quang