21/01/2025 lúc 03:51 (GMT+7)
Breaking News

Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số sẽ có lộ trình triển khai và đồng bộ hóa

VNHN - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Để chuẩn bị cho quá trình này, Bộ TT&TT sẽ xây dựng lộ trình cụ thể triển khai các nội dung một cách đồng bộ và sâu rộng.

VNHN - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Để chuẩn bị cho quá trình này, Bộ TT&TT sẽ xây dựng lộ trình cụ thể triển khai các nội dung một cách đồng bộ và sâu rộng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: TTXVN

Đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh Chính phủ điện tử

Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực Chính phủ điện tử, hướng đến mô hình Chính phủ số, tại tọa đàm mới đây về “Phát triển Chính phủ điện tử thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến hướng đến chính phủ số - mô hình và giải pháp”, các chuyên gia và đại diện các cơ quan quản lý đã bàn tới những khó khăn trong quá trình thực hiện và thảo luận giải pháp để người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực hơn trong các dịch vụ công trực tuyến.

Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết: Để người dân và doanh nghiệp tham gia quá trình này, quan trọng nhất là phải bắt đầu từ việc đơn giản hóa, cải cách TTHC, không chạy theo số lượng mà hãy quan tâm đến chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến.

“Làm sao cho người dân cảm thấy thuận lợi, dễ dàng nhất, phải truyền thông để người dân biết và tạo sự tin tưởng về việc nhà nước đang nỗ lực thế nào trong phát triển Chính phủ điện tử. Đây sẽ là những nhân tố tăng tốc chuyển đổi số quốc gia”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chia sẻ, cần phải có thể chế, chính sách chuyên biệt hóa để dẫn đường cho sự phát triển, đầu tư ngân sách đúng mức và chính ngạch cho công nghệ thông tin.

Từ góc độ của địa phương ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, chuyển đổi số ở TP Hồ Chí Minh bắt nguồn từ việc kế thừa những thành quả đã có, tận dụng mọi nguồn lực công tư kết hợp, có cơ chế lựa chọn các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số tốt để đưa vào ứng dụng được ngay. Để làm được điều đó, lãnh đạo Thành phố đóng vai trò vừa tích cực thúc đẩy vừa hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển năng lực. Chính quyền phải đóng vai trò kết nối, để tất cả các lực lượng cùng tham gia chuyển đổi số, góp phần xây dựng chính quyền số hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế số mang lại giá trị thặng dư cao hơn.

Ông Dương Anh Đức cũng chia sẻ thêm, chuyển đổi số là một quá trình nhiều bước, trong đó ngoài việc phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, thì xây dựng nền tảng dữ liệu cũng là một nhiệm vụ thiết yếu, bởi dữ liệu là kho tài sản lớn của mọi quốc gia, được ví quý hơn dầu mỏ vì càng dùng thì càng tạo ra nhiều giá trị.

Ông Nguyễn Thành Lợi, chuyên gia cao cấp phụ trách phát triển thanh toán trực tuyến cho rằng: Quan điểm xuyên suốt của Văn phòng Chính phủ là tập trung vào các dịch vụ công thiết yếu, đảm bảo cung cấp lên mức 3, mức 4. Chính phủ điện tử (CPĐT), nên đánh giá về mục tiêu, tăng số lượng hồ sơ trực tuyến. Dịch vụ công trực tuyến có cả ngàn, nhưng số dịch vụ công phổ biến, thường được sử dụng nhất thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với ngành giáo dục đào tạo có những dịch vụ công gần 100% học sinh tham gia, ví dụ đăng ký xét tuyển đại học, có trên 600.000 thí sinh cùng tham gia. "Theo tôi, tùy từng TTHC, số hóa được cấp độ 3 hay 4. Tuy nhiên, phải rà soát các TTHC để lựa chọn từng dịch vụ làm cấp độ 4 và cấp độ 3 để có tính khả thi, thực tiễn. Lấy người dân làm trung tâm phù hợp với khả năng tham gia để lên kế hoạch phù hợp", ông Nguyễn Sơn Hải nói.

Theo ông Trương Gia Bình, yếu tố nhận thức là đặc biệt quan trọng, từ thực tế ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, để đạt được những thành tự đáng kể trong cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả dịch vụ công nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo cũng như nhận thức, tư duy đúng đắn. Tổng số dịch vụ công trực tuyến được công bố của Thành phố là gần 1.800 dịch vụ, trong đó gần 60% là mức độ 3 và 4.

Hiên FPT đã hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, phát triển nền tảng tích hợp, liên thông dữ liệu, giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp. Mới nhất, FPT là một trong các đơn vị hỗ trợ, tư vấn cho TP Hồ Chí Minh về khung kiến trúc Chính quyền điện tử cũng như xây dựng nền tảng chia sẻ, liên thông dữ liệu (LGSP Hồ Chí Minh) đã ra mắt tháng 7/2020.

Tạo nền tảng cho chuyển đổi từ Chính phủ điện tủ sang Chính phủ số

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng quan trọng của quốc gia đã được Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua.

Sự vào cuộc đó đã đem lại những kết quả tích cực, tạo nền tảng cho chuyển đổi số trong Chính phủ, phát triển Chính phủ số những năm tới đây. Theo báo cáo xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tăng hạng 13 bậc kể từ năm 2014 đến nay. Riêng kỳ đánh giá gần đây nhất được công bố hồi tháng 7, xếp hạng Chính phủ điện tử Việt Nam tăng 2 bậc, từ 88/193 năm 2018 lên thứ 86/193 quốc gia, nhưng vẫn xếp vị tí thứ 6/11 ở khu vực ASEAN.

Về dịch vụ công trực tuyến, theo thống kê của Cục Tin học hóa, đến tháng 9/2020, trên cả nước tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã đạt 19,1%, gấp gần 4,2 lần so với năm 2018. Trong đó, có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 15 tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ trên 30%. Điển hình, có Bộ Y tế và Bộ TT&TT đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4; tỉnh Thừa Thiên - Huế cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, với riêng mức 4 đạt gần 55%.

Để đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra là cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm nay, Bộ TT&TT đang nỗ lực, đổi mới cách làm, đổi mới mô hình triển khai làm sao để thúc đẩy nhanh việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số tại Việt Nam, thời gian qua, Bộ TT&TT đã khẩn trương xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược này đang được Bộ TT&TT chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Bộ TT&TT kỳ vọng đây sẽ là chiến lược tổng thể, đưa ra được tầm nhìn, mục tiêu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo một lộ trình, đảm bảo việc thực hiện được đồng bộ, kế thừa, kết nối, phát triển cả chiều sâu, chiều rộng.

Theo các chuyên gia, phát triển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là xu hướng dịch chuyển chung của các quốc gia trên thế giới. Chính phủ số là chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ. Đây là quá trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Dịch chuyển Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là quá trình chuyển đổi tư duy quản lý, cung cấp dịch vụ từ cung cấp những gì cơ quan Nhà nước có sang cung cấp dựa trên nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ điện tử đo lường bằng số lượng dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ số đo lường bởi số thủ tục được cắt giảm, số dịch vụ mới tăng lên và số bộ dữ liệu mở được cơ quan nhà nước cung cấp./.