VNHN - Trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao là “chìa khóa” hữu hiệu để Việt Nam cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế, nguồn nhân lực của chúng ta còn khá hạn chế cả về quy mô và chất lượng. Điều đó đòi hỏi cần có các giải pháp toàn diện và đồng bộ từ vấn đề đào tạo, tuyển dụng, sử dụng… trong đó, cần có các giải pháp tập trung cho việc đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao.
Ảnh minh họa - TL
XÂY DỰNG NGUỒN LAO ĐỘNG KỸ NĂNG TỐT HƠN
Số liệu thống kê của Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, hiện nay tại Việt Nam, quy mô lao động qua đào tạo còn quá nhỏ so với yêu cầu của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ còn rất thấp (chiếm 22,22% lực lượng lao động vào cuối năm 2018). Còn nhiều bất hợp lý trong cơ cấu theo trình độ các cấp (cụ thể, tương quan về số lượng lao động có trình độ đại học trở lên với các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề, tỷ lệ tương ứng là: 1- 0, 33 - 0, 57 - 0,37). Cơ cấu lao động qua đào tạo phân bố không đồng đều, tập trung cục bộ tại một số ngành dịch vụ, thiếu nghiêm trọng ở các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ; chủ yếu ở các cơ quan trung ương. Thiếu lao động kỹ thuật trình độ cao cung cấp cho các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm…
Theo đánh giá của Viện trưởng Khoa học lao động và Xã hội TS. Đào Quang Vinh, lực lượng lao động Việt Nam còn thiếu nghiêm trọng các kỹ năng kỹ thuật phù hợp và kỹ năng làm việc cốt lõi. Sự phát triển của đội ngũ công nhân lành nghề còn chậm, không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế, một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường.
Điều đó thể hiện qua những bảng xếp hạng, khi chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, đối với người lao động trực tiếp trong sản xuất, kỹ thuật, kinh doanh, dịch vụ… thì kỹ năng nghề được xem là yếu tố then chốt. Làm thế nào để tăng cường kỹ năng cho lao động Việt Nam để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế?
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, về cơ bản, người lao động Việt Nam đã có thể đảm nhận được hầu hết các vị trí làm việc trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Nhiều ngành nghề trước đây đòi hỏi chuyên gia nước ngoài thì nay lao động của ta đã thay thế, như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), dầu khí, viễn thông…
Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn, kỹ năng lao động Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, trong số 140 nền kinh tế được đánh giá, tại trụ cột 6 về nhân lực, kỹ năng lao động Việt Nam chỉ đứng thứ 128, năng lực số của người dân đứng thứ 98, thời gian thực hiện khởi sự kinh doanh đứng thứ 104…
Theo Thứ trưởng Lê Quân, những con số trên thể hiện các kỹ năng liên quan tới các chỉ số cạnh tranh của Việt Nam được đánh giá là rất có vấn đề. Lao động của chúng ta đang thiếu cả về kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng khởi nghiệp…
Để có lực lượng lao động với kỹ năng cao hơn đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, theo chuyên gia kinh tế lao động V.Ba-cu-xi (Tổ chức Lao động quốc tế - ILO) tại Việt Nam, đòi hỏi phải có hệ thống giáo dục và đào tạo nghề vận hành hiệu quả hơn và các hệ thống giáo dục cao hơn.
Theo khuyến nghị của bà V.Ba-cu-xi, Việt Nam sẽ cần một mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và để hiện đại hóa, công nghiệp hóa cũng như tăng trưởng bền vững. Điều này cũng đòi hỏi một thị trường lao động được hiện đại hóa, với những sinh viên tốt nghiệp từ một hệ thống phát triển kỹ năng chất lượng cao được người sử dụng lao động tin tưởng, có sự đầu tư thời gian và nguồn lực.
Một thị trường lao động cho phép học tập suốt đời; và mọi người, dù xuất thân từ gia đình với mức thu nhập nào đi chăng nữa, đều có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục và đào tạo nghề và giáo dục đại học. Đó là một thị trường lao động với cơ chế bảo trợ xã hội toàn dân và có những thiết chế thị trường lao động được điều chỉnh theo những thay đổi của bản thân thị trường lao động đó.
Đây cũng là hướng đi của Bộ LĐ-TB&XH, theo đó để tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội tiếp cận đối với mọi người dân, phục vụ học tập suốt đời, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội.
ĐẦU TƯ CÓ TRỌNG ĐIỂM CHO HỆ THỐNG TRƯỜNG CHẤT LƯỢNG CAO
Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Đề án “Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020” đối với 45 trường nghề công lập theo Quyết định 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/5/2014 cho thấy, sau 5 năm thực hiện đã mang lại diện mạo mới cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Công tác quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao, nghề trọng điểm được thực hiện kịp thời làm cơ sở cho việc chuẩn bị, tổ chức đào tạo nhân lực tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp được nâng cao; kỹ năng nghề nghiệp của học sinh-sinh viên tốt nghiệp ở các trường nghề được nâng lên, nhất là ở các chương trình chất lượng cao…
Tuy nhiên, việc triển khai cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, mà nguyên nhân chính là: Nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp nói chung và cho đào tạo nhân lực tay nghề cao nói riêng còn thấp, hằng năm việc hỗ trợ đầu tư cho các trường còn dàn trải, chưa tập trung “cuốn chiếu” cho các trường có khả năng sớm đạt các tiêu chí trường chất lượng cao. Chưa có quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực, bao gồm cả nhân lực có tay nghề cao sát với thị trường lao động. Các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nhân lực có tay nghề cao, chưa hoàn thiện; bản thân các trường thực hiện việc triển khai tự chủ chưa đồng bộ và mạnh mẽ…
Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp nói chung, cũng như các trường nghề chất lượng cao hoạt động hiệu quả, Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh (Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội) đề nghị, cần thành lập ngay các Hội đồng kỹ năng ngành, nghề làm nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các ngành công nghiệp, để làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Để giảm bớt thực trạng thất nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo thì việc thành lập các Hội đồng kỹ năng nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các bộ, ngành, các doanh nghiệp là một nhu cầu thực tế.
Đồng thời, đổi mới chương trình và công tác tổ chức, quản lý đào tạo trên cơ sở chuẩn “đầu ra”. Bảo đảm liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành, nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giao quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm trên cơ sở điều kiện về số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo cho nhà trường. Từng bước thực hiện đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ và cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, cần sớm ban hành tiêu chí chất lượng cao và đánh giá trường chất lượng cao…
Trước bối cảnh thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp, để tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 761/QĐ-TTg, dự kiến lựa chọn 86 trường để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ trở thành trường chất lượng cao. Trong đó, dự kiến có 44 trường thuộc bộ, ngành và 44 trường thuộc địa phương quản lý; 43 trường phân bổ ở miền bắc, 27 trường phân bổ ở miền nam và 18 trường ở miền trung.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc (Trường CĐ Cơ điện Hà Nội), Việt Nam cần phải có những trường nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế, những trường trọng điểm đặt ở các vùng kinh tế lớn của đất nước. Phải chọn ra được những trường chất lượng cao để đầu tư trọng điểm, đầu tư đồng bộ “ra tấm, ra món” để các trường trở thành mũi nhọn, thành “máy cái” trong ngành này, tạo thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong giáo dục nghề nghiệp, trung tâm đào tạo ra các giảng viên giáo dục nghề nghiệp…
Bên cạnh đó, vẫn đầu tư dàn trải nâng cao chất lượng cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kêu gọi xã hội hóa để mọi người dân đều có thể tiếp cận giáo dục nghề nghiệp...
Trong thời gian tới, để các trường nghề chất lượng cao hoạt động hiệu quả, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết: Bộ LĐ-TB&XH sẽ có chỉ đạo triển khai mạnh, quyết liệt trong việc tự chủ của các trường; càng trường chất lượng cao càng phải đẩy mạnh tự chủ toàn diện đi đôi với trách nhiệm giải trình. Xây dựng cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ minh bạch, hiệu quả, một mặt để thực hiện chủ trương đổi mới trong việc cấp phát ngân sách, giám sát chất lượng theo “đầu ra”, mặt khác thúc đẩy quá trình tự chủ của các trường. Tiếp tục đầu tư đồng bộ để phát triển trường nghề, đồng thời, khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư trường chất lượng cao và nghề trọng điểm…/.