30/04/2024 lúc 20:31 (GMT+7)
Breaking News

Chè Shan tuyết - Món quà tinh túy từ thiên nhiên

Không chỉ là loài cây lịch sử, biểu tượng cho nét đẹp sinh thái hoang sơ, lâu đời, chè Shan tuyết còn là nguồn kinh tế quan trọng, giúp người dân vùng cao vượt qua khó khăn, có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Không chỉ là loài cây lịch sử, biểu tượng cho nét đẹp sinh thái hoang sơ, lâu đời, chè Shan tuyết còn là nguồn kinh tế quan trọng, giúp người dân vùng cao vượt qua khó khăn, có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày.

“Trà, vốn thanh tâm giải khát, uống một bát thì muôn điều lo nghĩ tiêu tan” câu nói vô cùng nổi tiếng của thiền sư - danh y Tuệ Tĩnh, người được mệnh danh là Thánh trà Việt Nam. Đây là châm ngôn về trà, không chỉ riêng trà Shan tuyết mà tất cả các loại trà khác cũng có tác dụng rất lớn trong việc phòng và chữa bệnh cho con người. Với phương châm “Nam dược trị Nam nhân” trong các bộ sách thuốc của mình, thiền sư Tuệ Tĩnh luôn khẳng định vị thế và tầm quan trọng của lá chè trong việc chữa bệnh.

Hiện nay, các dòng trà Shan cổ thụ tại Bắc Hà, đặc biệt là tại bản Liền đã được công nhận là trà organic, thuần tự nhiên, sạch 100%, nên khi uống thường xuyên sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thưởng thức chè Shan sẽ giúp tinh thần thoải mái, xua tan mệt mỏi cho cơ thể. Không chỉ vậy, chè Shan cổ thụ còn có khả năng thanh nhiệt, giải độc; làm giảm cholesterol trong máu, ngăn ngừa ung thư, các bệnh liên quan đến tim mạch và bệnh về gan, đặc biệt thích hợp dành cho người cao tuổi sử dụng hàng ngày; có khả năng làm giảm lượng đường trong máu nên sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cho người sử dụng; với những ai mắc vấn đề về răng miệng, uống chè hàng ngày sẽ giúp phòng chống sâu răng, vì trong chè có chất oxi hóa, giúp tẩy sạch mảng bám trên răng; ngoài ra, một tác dụng khác của trà chính là giúp phòng chống bệnh dị ứng.

Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: wikitra.com

Hầu hết những cây chè cổ thụ mọc tự nhiên tại Bắc Hà đều có khoảng hơn 200 năm tuổi đời, có những cây còn lên tới ba, bốn trăm năm tuổi, tán lá rộng hơn chục mét, mỗi vụ chè, người dân có thể thu hoạch từ khoảng 10 - 20 kg chè trên một cây cổ thụ. Theo nhiều hộ dân chia sẻ, từ khi họ sinh ra đã thấy cây chè trong vườn nhà, có gia đình còn truyền qua 3, 4 thế hệ nên cây chè Shan tuyết giống như bảo vật, là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng, phải hết sức gìn giữ và bảo tồn.

Đặc điểm khác biệt nhất của chè Shan tuyết chính là ở phần lá, có khổ rộng và dày, phiến lá xanh đậm, trên bề mặt có phủ một lớp phấn bụi mỏng, giống như là lớp hoa tuyết, chữ “Shan” trong tên chè còn có nghĩa là núi, cây chè mọc ở nơi cao lại có vẻ ngoài phủ sương tuyết nên được gọi là Shan tuyết. Quanh năm, cây chè Shan được bao bọc bởi sương gió, sinh trưởng dựa trên vùng đất đai cằn cỗi của núi rừng nên chúng có sức sống rất dẻo dai và bền bỉ. Theo các nhà khoa học, chè Shan tuyết cổ thụ được coi là thủy tổ của giống cây chè trên thế giới, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. 

Những cây chè Shan tuyết lâu năm trên vùng cao - Nguồn ảnh: dangcongsan.vn

Dựa vào vị trí địa lý đặc thù, nơi sinh trưởng có khí hậu lạnh giá nên phần lớn cây chè cổ thụ hiếm khi bị sâu bệnh, lá chè khỏe, búp xanh non, khi pha, chè sẽ có màu vàng mật ong sóng sánh, đặc thù của giống chè vùng cao lâu năm nơi đất rừng. Cây chè càng già thì trên thân sẽ có càng nhiều đốm trắng mốc, thân gỗ uốn lượn xù xì, lá đậm và xanh ngắt một vùng núi cao, tuy cằn cỗi nhưng những chồi non vẫn không ngừng trổ mã, phát triển tươi tốt trên thân cây gầy guộc ấy. Khác hẳn với các loại chè khác trên thị trường, búp chè Shan tuyết có phủ một lớp phấn tuyết trắng, cuộn ngát hương thơm tinh khiết, thanh tao của mây trên núi ngàn, nên khi uống trà rất thơm và đậm vị.

Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: trangonviet.com

Hiện trên toàn huyện Bắc Hà có khoảng 700 ha chè Shan tuyết, trong đó những cây chè cổ thụ chiếm khoảng gần 100 ha. Người già trong vùng tâm sự rằng, mỗi cây chè Shan cổ thụ đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với họ, có bao nhiêu gốc chè là có bấy nhiêu sự thăng trầm, minh chứng cho quá trình đổi thay của thiên nhiên, con người và cuộc sống nơi đây, đặc biệt là trong thời điểm cây chè trở thành cây có đóng góp lớn vào sự thay đổi kinh tế, giúp đỡ người dân thoát nghèo và góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Người dân địa phương trên đồi chè Shan tuyết - Nguồn ảnh: laocaitourism.vn

Nếu ai đã từng nếm thử hương chè Shan giữa lòng núi rừng Tây Bắc thì có lẽ sẽ khó có thể quên được cái cảm giác ấy. Nhấp một ngụm trà, vị đắng, chát nhẹ dịu tràn đầy cả khoang miệng, nhưng khi nuốt xuống lại thơm ngát hương nồng đượm, hậu vị đọng lại ngọt thanh khó quên, không những hương vị không phai mà hương trà lại càng thấm, càng đượm. Một ấm trà Shan tuyết có thể pha đến trên chục lần nước mà hương vị vẫn giữ nguyên như ban đầu, trà không nhạt mà chỉ sâu càng thêm sâu. 

Với hai dòng sản phẩm chính trên thị trường là Shan tuyết thường (Shan tuyết hữu cơ) và Shan tuyết cổ thụ. Cây càng lâu năm, trà càng quý nên giá cả của các chế phẩm từ trà Shan tuyết cổ thụ cũng theo đó tăng cao. Từ nguyên liệu trà khô, qua bàn tay khéo léo của người dân bản địa, lá trà có thể chế biến được thành rất nhiều phẩm trà khác nhau như bạch trà, bạch trà mẫu đơn, hồng trà, hồng lão trà, trà đen,.., ngoài ra, để hương trà thêm phần độc đáo và thú vị, tùy vào cảm xúc của người làm trà họ có thể sử dụng kỹ thuật dệt hương, ướp trà với hương hoa như hoa sen, hoa nhài, hoa bưởi để giúp vị trà thêm phần đặc sắc. 

Trà Shan tuyết được dệt hương sen - Nguồn ảnh: trangnghenhan.com

Bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ từ năm 2016, toàn thể ban lãnh đạo, xã viên và người lao động đều tham gia quá trình học tập, tìm hiểu về quy trình sản xuất chè hữu cơ dưới sự giám sát của các tổ chức uy tín trên thế giới và được cấp bằng chứng nhận. Có thể nói đây là bước cải cách đầu tiên, giúp sản phẩm chè của bản Liền có thể xâm nhập được vào thị trường tiêu dùng khó tính như Châu Âu. Năm 2019, toàn huyện Bắc Hà nhận được tin mừng khi sản phẩm “Chè hữu cơ Bắc Hà” do hợp tác xã Chè Bản Liền sản xuất được chứng nhận 5 sao bởi Hội đồng OCOP trung ương. Tính đến thời điểm này, đây là sản phẩm đầu tiên tại tỉnh Lào Cai được công nhận 5 sao OCOP. 

Bà con dân tộc trên đường đi hái chè Shan tuyết - Nguồn ảnh: laocaitv.vn

Phần lớn thị phần chè tại huyện Bắc Hà xuất hiện nhiều ở bản Liền, bản Hoàng Thu Phố, bản Lầu Thí Ngài, Tả Củ Tỷ, Tả Van Chư, đây đều là những nơi tập trung và sinh sống của các đồng bào dân tộc người Mông, Dao, Tày. Khi đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những đồi chè cổ thụ hoang sơ, cảnh người dân tộc đeo gùi đi hái chè, nhìn thấy họ cheo leo, ngồi vắt vẻo trên thân cây để hái được những búp chè tươi non, đảm bảo nguồn hàng cung ứng được sạch sẽ và chất lượng nhất khi gửi tới tay khách hàng.

Người dân địa phương gia tăng thu nhập nhờ việc hái chè - Nguồn ảnh: cafebiz.vn

Có lẽ, ít ai biết rằng chè Shan tuyết ở Bắc Hà nay đã vươn tầm thế giới, được chú trọng đầu tư và phát triển sản xuất để cung ứng cho thị trường Châu Âu, Châu Á. Mỗi lá chè đều trải qua quá trình hái và chọn lọc kỹ lưỡng. Vậy nên, chè Shan tuyết đang dần khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, có thương hiệu riêng, trở thành loại chè đặc sản nổi tiếng tại Lào Cai và toàn vùng Tây Bắc. Đặc biệt, tại bản Liền, chè Shan tuyết cổ thụ đang là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên có chỗ đứng trên thị trường Châu Âu, với giá bán lên tới 100 USD/kg, cao gấp 60 - 70 lần giá trị xuất khẩu bình quân của cả nước. Theo như ông Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà tự hào chia sẻ: “Chưa nơi nào có đồi chè xấu như ở Bản Liền, nhưng sản phẩm của vùng đất này đã vươn tận tới trời Âu”. 

Để có thể thu được 1 mẻ chè khô, quá trình xử lý cũng rất vất vả và phải trải qua nhiều công đoạn, nếu 2, 3 người làm thì cũng phải mất 3 - 4 tiếng để hoàn thành. Do không có máy móc công nghiệp, người dân cũng không nắm rõ cách điều hành máy móc nên quá trình sản xuất đều là thủ công, từ việc thu hái, sao chè, vò chè đều phải tính toán; chè đem về phải phân loại, chọn lọc bỏ những lá, búp hỏng, sau đó chia ra xem loại nào làm bạch trà, bạch trà mẫu đơn, loại nào làm hồng trà, hồng lão trà, loại nào làm trà đen,..; khi hái chè xong là phải xử lý ngay lập tức, làm sao cho chuẩn để giữ được hương vị nguyên bản nhất của giống chè quý vùng cao. Mặt khác, người làm trà thủ công cũng phải là người có hiểu biết và nắm rõ về trà, vậy nên cho dù có trải qua bao nhiêu công đoạn chế biến, trà Shan tuyết cổ thụ vẫn giữ được trọn vẹn hương vị thơm ngon thuần túy như lúc ban đầu.

Sao chè bằng phương pháp thủ công- một công đoạn quan trọng để khẳng định chất riêng của chè Shan tuyết - Nguồn ảnh: tancuonggreentea

Xác định được tầm quan trọng về kinh tế, văn hóa, du lịch mà cây chè Shan tuyết mang lại, những năm gần đây, chính quyền UBND huyện Bắc Hà đã triển khai một số giải pháp nhằm bảo tồn và nhân giống loài cây này, tích cực chỉ đạo các xã, thôn, bản tuyên truyền và vận động nhân dân tiếp tục duy trì diện tích cây chè cổ thụ, tập trung thu hái và chăm sóc đúng cách, không được phá hoại, chặt bỏ hoặc cố ý có hành động làm tổn hại tới sự phát triển tự nhiên của đồi chè. Đồng thời cũng cần phải nghiên cứu và đưa ra biện pháp nhân giống để mở rộng vùng đất trồng giống chè quý, đưa chè Shan tuyết tiếp cận nhiều hơn tới thị trường trong nước và quốc tế, giúp người dân có thêm thu nhập để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thành công.

Cán bộ hướng dẫn người dân cách nuôi trồng và chăm sóc cây chè Shan tuyết - Nguồn ảnh: dangcongsan.vn

Xuất khẩu chè Shan tuyết trong thời gian gần đây là một trong những ngành chính đóng góp vào sự phát triển kinh tế của huyện Bắc Hà. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn, gần như là đình trệ không thể vận hành. Tình trạng hạn chế của hoạt động kinh doanh chè cũng chính là khó khăn chung của các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu chè tại Bắc Hà trong giai đoạn này. Trước tình hình như vậy, huyện Bắc Hà đang rất cần đến sự đầu tư, giúp đỡ của các doanh nghiệp địa phương và người dân cả nước, hỗ trợ giải cứu chè Shan tuyết, giúp người dân vượt qua khó khăn và tiếp tục duy trì sự phát triển của đồi chè Shan tuyết cổ thụ trong tương lai./.