24/04/2024 lúc 01:26 (GMT+7)
Breaking News

Chất lượng giáo dục nằm trong tay nhà giáo

​​​​​​​VNHN - “Thời chúng tôi, thầy trò cùng sống tập trung ở vùng sơ tán, gắn bó với nhau, bình đẳng trong từng suất ăn, trong giao tiếp hằng ngày, chia cho nhau từng trang sách để đọc...” -Đó là tâm sự của GS, TS Đinh Quang Báo, chuyên gia nghiên cứu sư phạm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), GS, TS Đinh Quang Báo đã trò chuyện với chúng tôi về đội ngũ nhà giáo xưa và nay-“những người làm nghề lái đò đưa thế hệ trẻ sang bến bờ tương lai”.

VNHN - “Thời chúng tôi, thầy trò cùng sống tập trung ở vùng sơ tán, gắn bó với nhau, bình đẳng trong từng suất ăn, trong giao tiếp hằng ngày, chia cho nhau từng trang sách để đọc...” -Đó là tâm sự của GS, TS Đinh Quang Báo, chuyên gia nghiên cứu sư phạm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), GS, TS Đinh Quang Báo đã trò chuyện với chúng tôi về đội ngũ nhà giáo xưa và nay-“những người làm nghề lái đò đưa thế hệ trẻ sang bến bờ tương lai”.

GS, TS Đinh Quang Báo

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, là người gắn bó với ngành sư phạm trong thời gian rất dài, hẳn ông có nhiều cảm xúc mỗi khi đến dịp 20-11, ngày xã hội tôn vinh người thầy?

GS, TS Đinh Quang Báo: Tôi gắn bó với ngành sư phạm, với cái nôi đào tạo nhà giáo của nước ta kể từ khi trở thành sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (năm 1966) đến nay. Giả thiết, nếu có làm lại từ đầu thì tôi vẫn chọn ngành sư phạm vì tôi rất yêu nghề giáo, mặc dù hiện nay xã hội có phàn nàn về một số hiện tượng chưa được đẹp lắm của đội ngũ nhà giáo. Dư luận có ý kiến về ngành giáo dục nghĩa là chạm đến đội ngũ nhà giáo.

Chắc hẳn rất nhiều nhà giáo cũng có tâm tư, suy nghĩ nhất định khi xã hội phê bình ngành mình. Tuy nhiên, theo tôi, bức tranh nhà giáo Việt Nam nhìn chung vẫn là bức tranh đẹp, đa số nhà giáo vẫn giữ được những chuẩn mực mô phạm khiến tôi thấy tự hào. Nhân ngày 20-11, tôi mong muốn xã hội nên nhìn nhận về thành tựu lớn của giáo dục cách mạng Việt Nam nói chung và động viên các nhà giáo đang làm nên sứ mạng vẻ vang này nói riêng.

PV: Giáo sư có thể chia sẻ về tình thầy trò và việc tri ân thầy, cô giáo trong thời học trò ngày xưa của mình?

GS, TS Đinh Quang Báo: “Tôn sư trọng đạo” đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt Nam từ xưa tới nay. Tuy nhiên, hành vi biểu thị sự tôn trọng, tri ân thầy, cô giáo mỗi thời khác nhau. Hành vi biểu hiện trước hết nó là tình cảm và một chút vật chất gói trong đó tình cảm sâu nặng của người học trò đối với thầy, cô giáo của mình.

Thông điệp chuyển tải việc này mỗi thời mỗi khác. Ngày xưa, thời chúng tôi, một nhóm học trò hoặc cả lớp chỉ mang một quả cam biếu thầy nhân ngày 20-11 và thầy còn mời cả lớp ở lại ăn cơm. Quả cam ấy rõ ràng thể hiện tấm lòng chân thành của các học sinh đối với thầy, còn về mặt vật chất thì không ý nghĩa gì nhưng cả thầy và trò đều tay bắt mặt mừng, quây quần bên nhau rất tình cảm.

Ngày nay, biểu hiện tình thầy trò đâu đó có vật chất hóa. Tôi không lấy vật chất to hay nhỏ để đánh giá tình cảm của học trò và các bậc phụ huynh mà vấn đề là thái độ của người đưa quà tặng ấy có dụng ý gì khác ngoài sự kính trọng thầy, cô giáo hay không?

Niềm vui ngày gặp mặt của cán bộ, giảng viên, nhân viên Viện Nghiên cứu sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Lan Hương

PV: Danh ngôn có câu: “Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Hình ảnh người thầy để lại ấn tượng khó quên trong ký ức Giáo sư như thế nào?

GS, TS Đinh Quang Báo: Thời học phổ thông tôi có ấn tượng với một số thầy, cô giáo mà cho đến bây giờ vẫn không quên được và coi đó là hành trang, động lực cho mình phấn đấu, học tập và tu dưỡng. Đó là hồi lớp 8 (nay là lớp 10 THPT), tôi học Văn hơi kém, nhưng cô giáo dạy Văn lại rất tận tụy, kèm cặp giúp đỡ. Và nhờ có sự tác động từ tấm lòng của cô giáo nên dần dần tôi đã có những bài văn hay. Từ đó, tôi chuyển biến như một bước ngoặt từ kém Văn trở thành học sinh học khá môn Văn.

Với bài học đó, cùng quá trình trải nghiệm trong suốt hàng chục năm giảng dạy ở trường sư phạm, tôi đã đúc kết thành lý luận rằng: Không có học trò nào kém và cũng không có học trò nào yêu môn này, ghét môn kia. Vấn đề là người thầy đừng làm cho học trò sợ môn ấy mà thôi. Không có môn học nào là không hấp dẫn và cũng không có môn nào khó đối với học trò cả, vấn đề là thầy phải khơi được hứng thú cho học trò, biến từ “sợ” thành yêu thích môn học của mình.

Bởi thông thường học sinh kém môn nào thì “sợ” môn ấy,  mà đã “sợ” môn nào thì sẽ không thích học môn ấy nữa. Người thầy giỏi là người phải biết truyền cảm hứng cho học trò, làm thay đổi cảm xúc từ sợ đến thích học. Ấy là nghệ thuật sư phạm của nhà giáo.

Thời sinh viên của tôi bắt đầu trong giai đoạn miền Bắc đang phải hứng chịu những trận bom phá hoại của Mỹ giội xuống nên suốt những năm học đại học sư phạm, chúng tôi không có ngày nào được học ở Hà Nội mà phải sơ tán ở Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).

Các thầy của tôi có những giáo sư, tiến sĩ đi học nước ngoài về nhưng họ đều ăn ở tập trung cùng sinh viên, động viên, chia sẻ chúng tôi khắc phục khó khăn để học tập. Lúc bấy giờ thầy trò gần như là một, tri thức thì thầy truyền đạt cho sinh viên, nhưng hằng ngày rất bình đẳng trong mọi việc từ giao tiếp, từng suất ăn, gắn bó với nhau rất tình cảm. Đó là những tấm gương người thầy vô cùng mẫu mực mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ ơn.

PV: Trong điều kiện chiến tranh ác liệt như vậy thì việc sử dụng trang thiết bị giáo dục, giáo trình của giảng viên và sinh viên sư phạm quả là khó khăn?

GS, TS Đinh Quang Báo: Trong chiến tranh thì trang thiết bị giáo dục, giáo trình phục vụ dạy và học vô cùng thiếu thốn. Trường sơ tán ở đâu thì thầy trò chúng tôi lại phải mang theo tất cả những thiết bị có thể mang đi được như: Máy móc, mô hình, kính hiển vi, kính lúp... Giáo trình thời đó vừa nghèo nàn về thể loại, thiếu về số lượng, in ấn thì chất lượng kém, chữ lèm nhèm trên giấy nâu chứ không được rõ nét, giấy trắng đẹp như bây giờ.

Vì rất hiếm hoi giáo trình, đặc biệt là tài liệu nước ngoài nên chủ yếu thầy, cô giáo cho sinh viên mượn để luân phiên nhau nghiên cứu. Một giáo sư của tôi thời đó mượn được một quyển giáo trình thì đành phải tháo rời từng tay sách chia cho mỗi người một vài trang rồi sau đó chuyển đổi cho nhau đọc. Hình ảnh ấy vừa để khắc phục khó khăn về tài liệu giáo trình, nhưng đồng thời lại là phương pháp giáo dục tạo cho sinh viên lòng đam mê khoa học để trong mọi hoàn cảnh đều phải tìm cách đi đến tri thức khoa học, vượt khó trong nghiên cứu khoa học, ngoài ra còn rèn luyện ý thức giữ gìn sách vở cho sinh viên.

Tuổi trẻ Lữ đoàn 382, Quân khu 1 và Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc trước giờ giao lưu văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Minh Trường

PV: Ngành giáo dục hiện nay đang có một bất cập về thừa-thiếu giáo viên giữa các môn học, cấp học và các vùng miền khác nhau. Cần khắc phục sớm tình trạng này như thế nào, theo Giáo sư?

GS, TS Đinh Quang Báo: Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đầu năm học này, cả nước đang thiếu 34.641 giáo viên mầm non và 5.215 giáo viên tiểu học, trong khi lại thừa 12.165 giáo viên THCS và 4.260 giáo viên THPT... Việc thừa-thiếu xảy ra cục bộ đã khiến hàng loạt giáo viên bị cắt hợp đồng ở một số địa phương. Điều này thể hiện sự thiếu quy hoạch, cơ cấu đội ngũ giáo viên, bất cập về số lượng: Trong thiếu có thừa, trong thừa có thiếu, thiếu môn này, thừa môn kia, thừa nơi này, thiếu nơi kia, trong khi lại không thể dễ dàng điều chuyển từ cấp này sang cấp kia, môn này sang môn kia được...

Theo tôi, cần cấp bách có một dự án quy hoạch lại việc phát triển giáo viên cả chất lượng và số lượng. Bài toán quy hoạch cần phải chi tiết về số lượng, trong đó có cơ cấu giáo viên theo môn học, theo cấp học, theo trình độ đào tạo.

Đó là những yếu tố cần phải quy hoạch để có chỉ tiêu phù hợp về đội ngũ giáo viên. Hiện nay, chúng ta chưa có một bản quy hoạch chi tiết theo các chỉ tiêu về cơ cấu môn học, cấp học và trình độ đào tạo của đội ngũ giáo viên. Do chỉ tiêu chung chung trong khi các trường sư phạm vừa phát triển không theo quy hoạch, vừa tuyển sinh không dựa vào nhu cầu dẫn đến hiện trạng thừa, thiếu giáo viên, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo, đầu vào ngành sư phạm thấp.

PV: Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có đề cập đến chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Làm sao thu hút được học sinh giỏi vào sư phạm để nâng cao chất lượng và vị thế nhà giáo trong xã hội, thưa Giáo sư?

GS, TS Đinh Quang Báo: Nhiều nước trên thế giới có những chính sách lấy được học sinh giỏi nhất từ bậc phổ thông vào các trường sư phạm. Ở nước ta cũng cần có chiến lược thu hút người giỏi vào các trường sư phạm, nếu không chọn được học sinh giỏi nhất thì cũng phải là những học sinh chất lượng tốp đầu ở phổ thông. Đó phải là một chiến lược phát triển chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Để thực hiện được điều đó, Nhà nước cần có chính sách để ngành sư phạm trở nên hấp dẫn. Lực hấp dẫn đó trước hết là sinh viên đào tạo xong phải có việc làm, không bị thất nghiệp. Thứ hai là chế độ đãi ngộ cho các nhà giáo về vật chất để họ yên tâm làm việc, bảo đảm cuộc sống ở mức trung bình, có kinh phí nuôi con ăn học. Việc làm và tiền lương là hai yếu tố quyết định.

Ngoài ra, có thể miễn giảm học phí, tăng học bổng để kích thích người giỏi vào sư phạm... Chỉ có việc làm không thì mới thu hút được học sinh khá, nhưng nếu lương cao thì có thể sẽ thu hút được cả học sinh giỏi. Các trường sư phạm hiện không chủ động được việc lựa chọn học sinh mà chỉ trông chờ học sinh có chọn trường sư phạm hay không.

Khi tuyển chọn đầu vào không có sự chủ động thì sẽ khó tuyển được người giỏi và hệ lụy dẫn đến là chất lượng giáo viên giảm sút. Vì vậy, trước mắt cần giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm để khắc phục sự xuống cấp nghiêm trọng về đầu vào sư phạm hiện nay.

Để nhà giáo có vị thế, trước hết phải xác định: Thời nào chất lượng giáo dục cũng nằm trong tay nhà giáo, không có nhà giáo thì không có giáo dục. Tuy nhiên, nhà giáo hiện nay đang phải chịu rất nhiều áp lực: Về công việc chuyên môn, phải luôn học tập để có đủ kiến thức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ khi khoa học-công nghệ ngày càng phát triển.

Áp lực từ dư luận xã hội, từ phụ huynh và cả học sinh, ví dụ, đôi khi chỉ lấy thước gõ nhẹ vào tay học trò cũng có thể bị đưa lên mạng xã hội bàn tán, phê phán và quy cho tội bạo hành... Theo tôi, xã hội cần có cái nhìn nhân văn đối với nhà giáo, cái quan trọng là đánh giá động cơ, sự tận tâm của người thầy đối với học trò như thế nào mà thôi.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo Qdnd.vn