Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Triều Tiên thì nước này lại phớt lờ thiện chí và liên tục có những động thái khiến Washington và các đồng minh phải lo lắng.
Đối thoại Mỹ-Triều Tiên chưa biết khi nào có thể được nối lại. (Nguồn: Stanford)
Tham vọng chưa dừng lại
Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tầm xa mới cuối tuần trước. Điều này làm gia tăng mối lo ngại về việc Triều Tiên không ngừng củng cố năng lực để thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Các chuyên gia vẫn đang phân tích và đánh giá xem các vụ thử tên lửa cho thấy những gì về tham vọng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và liệu điều này có báo hiệu một mối đe dọa mới hay không.
Trong khi đó, đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về Triều Tiên Sung Kim cho biết, cánh cửa đàm phán Mỹ-Triều Tiên vẫn để ngỏ. “Chúng tôi hy vọng Triều Tiên sẽ phản hồi tích cực trước đề nghị gặp gỡ mà không yêu cầu điều kiện”, ông Sung Kim cho biết. Trong cuộc gặp gần đây với các đại diện từ Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Sung Kim cũng nhắc lại quan điểm lâu nay của Mỹ rằng, Washington không có ý định thù địch với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Joe Biden từng tuyên bốn, nước Mỹ có thể đưa ra các biện pháp giúp cải thiện nền kinh tế đang gặp khó khăn của Triều Tiên để đổi lại các bước giải trừ quân bị, song Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn tỏ ra không quan tâm đến việc trở lại các cuộc đàm phán đã bị đình trệ trong khoảng hai năm qua.
Thay vào đó, Triều Tiên thậm chí còn nhấn mạnh khả năng tấn công chiến thuật của mình, với việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu tại cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 1/2021 rằng, ông đang đưa Triều Tiên vào con đường phát triển các công nghệ hạt nhân và tên lửa tiên tiến hơn.
Kế hoạch được đề cập bao gồm việc chế tạo vũ khí hạt nhân nhỏ hơn và nhẹ hơn, đồng thời hiện đại hóa sâu rộng các lực lượng hạt nhân truyền thống của Triều Tiên.
Tăng tốc chạy đua
Dù chưa có nhiều dữ kiện về vụ thử tên lửa cuối tuần trước của Triều Tiên, song theo nhà quan sát Melissa Hanham của Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Stanford (Anh), rõ ràng các tên lửa mới đại diện cho một cột mốc quan trọng khác trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Bà Hanham cho biết, giới lãnh đạo Triều Tiên đang tiến tới việc đưa tên lửa hành trình lên tàu ngầm và các tàu hải quân khác khi thử nghiệm các cơ chế vận hành vũ khí hạt nhân mới.
“Tên lửa hành trình gần giống như máy bay cỡ nhỏ. Chúng rất chính xác, có thể chuyển hướng và có thể đi vào các thung lũng nơi mà các radar không dễ dàng phát hiện. Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giám sát”, bà Handam nhận định.
Trong khi đó, Lee Choon Geun, chuyên gia tên lửa và nghiên cứu viên danh dự tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho rằng, dù tên lửa hành trình mới có khả năng tăng cường năng lực tấn công các đối thủ châu Á của Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn rất cần phải cải tiến công nghệ.
Theo nhận định của ông Lee, các loại vũ khí này có tốc độ rất chậm, thậm chí còn kém so với tiêu chuẩn của tên lửa hành trình, di chuyển với tốc độ khoảng 200 mét/giây. Ông Lee cũng cho rằng: “Hàn Quốc có lẽ là quốc gia có mạng lưới phòng không chặt chẽ nhất thế giới, nhưng vẫn sẽ khó đáp trả nếu Triều Tiên bắn pháo hoặc tên lửa tầm ngắn bay thấp, tên lửa phóng từ tàu ngầm và tên lửa hành trình với số lượng lớn cùng một lúc”.
Du Hyeogn Cha, nhà phân tích làm việc tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul cho rằng, các tên lửa hành trình rõ ràng là một tuyên bố thách thức gửi đến Washington. Thế nhưng, các vụ thử cũng cho thấy, Triều Tiên đang phải vật lộn với các hệ thống vũ khí mang tính khiêu khích hơn, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Ông Du Hyeogn Cha cho rằng, nếu thực sự có được năng lực này, chắc chắn Triều Tiên đã phải công khai nó.
Việc Triều Tiên và Hàn Quốc khôi phục các đường dây nóng vào tháng 7 đã làm dấy lên hy vọng tái khởi động các cuộc đàm phán, song Bình Nhưỡng đã ngừng trả lời các cuộc gọi từ khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận thường niên.
Chưa rõ Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ cần thiết để chế tạo đầu đạn đủ nhỏ để gắn trên tên lửa hành trình hay chưa, song đầu năm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố việc phát triển công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân là một mục tiêu hàng đầu.
Hai miền Triều Tiên đã bị đẩy vào một cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng tốc mà giới phân tích lo ngại sẽ khiến khu vực gia tăng hiện diện của các tên lửa mới đáng lo ngại hơn.
Vài tuần trở lại đây, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia phi hạt nhân hóa đầu tiên phát triển và thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
theo AP, Reuters