24/11/2024 lúc 17:57 (GMT+7)
Breaking News

Cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc

VNHNO - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, vùng áp thấp đang di chuyển theo hướng bắc tây bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến 13 giờ ngày hôm nay (10-8), vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 20,4 độ vĩ bắc; 111,7 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 110 km về phía đông đông bắc.

VNHNO - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, vùng áp thấp đang di chuyển theo hướng bắc tây bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến 13 giờ ngày hôm nay (10-8), vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 20,4 độ vĩ bắc; 111,7 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 110 km về phía đông đông bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 50 km tính từ vùng tâm ATNĐ.

Mưa lũ gây thiệt hại cho nhiều hộ dân tại xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum

Ở vùng biển phía tây bắc khu vực bắc Biển Đông có mưa rào và dông, gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8, biển động. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh cho nên khu vực giữa và nam Biển Đông, vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ hai đến bốn mét, biển động. Vùng biển vịnh Bắc Bộ, khu vực nam Biển Đông, quần đảo Trường Sa, các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái-lan có mưa dông mạnh, khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

* Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, sáng 9-8, một số nơi ở Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Cụ thể, tại Gia Lai, lượng mưa đo được tại Trạm thủy điện Ia Grai 3 là 69,4 mm, Ia Dom là 50,8 mm; ở tỉnh Kon Tum tại Ia Tơi là 56,4 mm, Rờ Kơi là 57,2 mm. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ vùng núi và ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, nhất là các huyện Ia Grai (Gia Lai); Ngọc Hồi, Đác Tô, Sa Thầy, Đác Hà, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

* Lúc 7 giờ ngày 9-8, mực nước trên sông Lô tại Hà Giang ở mức 99,04 m (hơn BĐ1: 0,04 m), sông Chảy tại Bảo Yên 71,49 m (hơn BĐ1: 0,49 m), sông Thao tại Yên Bái 30,14 m (hơn BĐ1: 0,14 m). Cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi phía bắc, nhất là tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do sạt lở đất ở khu vực vùng núi Bắc Bộ: cấp 1.

* Mực nước trên sông Hồng sẽ lên nhanh do hồ Hòa Bình mở cửa xả đáy số 2. Dự báo, đến 7 giờ ngày 11-8 mực nước tại Hà Nội có khả năng ở mức 6,80 m. Trên sông Đà, lưu lượng đến hồ Hòa Bình sẽ biến đổi theo điều tiết của thủy điện Sơn La theo xu thế tăng do hồ Sơn La mở cửa xả đáy số 1.

* Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, ngày 9-8, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT) đã ban hành Công điện số 33/CĐ-TW lệnh Giám đốc các Công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình mở thêm một cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào hồi 17 giờ ngày 9-8; mở một cửa xả đáy hồ Sơn La vào hồi 14 giờ ngày 9-8. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT và các cơ quan liên quan để có quyết định điều hành trong thời gian tới phù hợp tình hình thực tế.

* Để chủ động ứng phó với tác động của việc tăng cường xả lũ hồ chứa, có thể gây ngập lụt một số khu vực hạ du và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN vừa ban hành Công điện số 32/CĐ-TW điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Theo đó, những địa phương nêu trên phải rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người, công trình và tài sản khi các hồ chứa xả lũ, nhất là hệ thống đê điều, đê bối, công trình đang thi công, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông…

* Ngày 9-8, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lào Cai cho biết, mưa lớn ngày 8-8 trên địa bàn tỉnh đã làm sạt lở đất ảnh hưởng tới 18 nhà, 0,8 ha lúa bị vùi lấp, tỉnh lộ 151 bị ngập cục bộ gây ách tắc, có bốn điểm trên các tuyến đường liên huyện, xã bị sạt lở với khối lượng 700 m3. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 300 triệu đồng.

* Theo báo cáo sơ bộ của xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê (Hà Giang), mưa lớn những ngày qua đã làm 12 ha lúa, 2,5 ha ngô ở địa phương này bị ngập nước. Đặc biệt, cầu tràn xã Minh Ngọc đi xã Thượng Tân bị lũ cuốn trôi khiến giao thông bị chia cắt. Hiện, chính quyền xã đang huy động lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai và cắm biển cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm…

* Theo UBND huyện Ia H’Drai (Kon Tum), đến ngày 9-8, mưa lũ và sạt lở đất đã làm 10 thôn của ba xã Ia Tơi, Ia Dom và Ia Dal trên địa bàn huyện bị cô lập. Tại xã Ia Dal - nơi đang bị ảnh hưởng nặng nhất của mưa bão, toàn xã có 25 căn nhà bị ngập, một nhà bị nước lũ cuốn trôi. Trước thực trạng trên, UBND huyện Ia H’Drai yêu cầu các đơn vị liên quan hỗ trợ nhân dân di chuyển tài sản lên khu vực an toàn và dọn dẹp vệ sinh môi trường các vị trí bị ngập; cử lực lượng trực 24/24 giờ tại các vị trí xung yếu, sạt lở, đập tràn để cảnh báo, hướng dẫn người dân không qua lại khi nước dâng cao; chuẩn bị lương thực, thực phẩm để cứu trợ người dân khu vực bị cô lập. UBND xã Ia Dal cũng đã kịp thời hỗ trợ 16 hộ dân bị ngập nặng với tổng số tiền 24 triệu đồng; hỗ trợ mì tôm, nước uống và 300 kg gạo cho các hộ dân bị ngập nhà phải di dời nhằm bảo đảm đời sống của nhân dân vùng ngập lũ không bị đói, không thiếu nước sạch./.

Theo Nhandan.com.vn