VNHN - Những ngày gần đây, số ca mắc sởi ở người lớn và trẻ em tăng đột biến ở cả hai miền Bắc-Nam, trong đó có không ít ca biến chứng nặng.
Bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại BV Nhi đồng 2. Ảnh: Báo SGGP.
TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, nếu trong năm 2018, số ca mắc sởi mà khoa tiếp nhận chỉ khoảng 50 trường hợp, thì mới có 2 tuần đầu tiên của năm nay, bệnh nhân mắc sởi vào viện đã hơn chục người, đến từ Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang…
Đối tượng mắc chủ yếu là nữ trong độ tuổi 25-40, có cả những bệnh nhân đang mang thai và đều không tiêm vaccine phòng bệnh.
Tại BV Bệnh nhiệt đới, từ đầu năm đến nay đã có 65 ca sởi nhập viện, chưa tính số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Dự báo, số bệnh nhân nhập viện do bệnh sởi chưa có dấu hiệu dừng lại.
Còn theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong tuần đầu tiên năm 2019, Thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 không có ca bệnh nào. Hiện 24/24 quận, huyện đều phát hiện ca bệnh sởi; các quận có nhiều ca bệnh là Quận 8, 12, Thủ Đức và Bình Tân.
Xuất hiện bất thường bệnh sởi ở người lớn…
BS. Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A BV Bệnh nhiệt đới cho biết, tháng 1 lẽ ra là cuối mùa sởi, nhưng hiện tại trẻ em, người lớn, thai phụ đang phải nhập viện hàng loạt vì bệnh sởi gia tăng. Người lớn thường chủ quan trong lúc chăm con, nên nhập viện cùng con mình. Vừa qua, BV Bệnh nhiệt đới tiếp nhận 3 gia đình (3-4 người trong một nhà) lây bệnh sởi cho nhau phải vào viện điều trị.
Điều nguy hiểm nhất là nhiều người không biết mình bị mắc sởi, thậm chí có những trường hợp đi khám bị chẩn đoán nhầm là dị ứng thuốc, hoặc sốt phát ban, hay Rubella... Nhiều người cũng cho rằng đây là bệnh của trẻ em, người lớn không mắc sởi nên không có các biện pháp phòng bệnh.
Khi người lớn mắc sởi sẽ nguy hiểm hơn nhiều, dễ bị biến chứng nặng hơn, nhất là ở những bệnh nhân đang bị viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc phụ nữ có thai.
… và nhiều ca biến chứng do sởi ở trẻ nhỏ
Ngày 17/1, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, liên tiếp trong thời gian gần đây, BV đã tiếp nhận và điều trị hàng loạt ca bệnh sởi, trong đó có ca xuất hiện biến chứng.
Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhi T. (7 tuổi, Hà Nội). Mẹ bệnh nhi cho biết, 6 ngày trước cháu bị sốt liên tục 39-40 độ C kèm theo hắt hơi, sổ mũi, ho húng hắng, mệt mỏi, mắt tèm nhèm nhiều dử. Một ngày sau, cháu xuất hiện ban hồng, nhẵn theo thứ tự vùng sau tai, lan dần lên hai bên má, cổ, gáy, xuống ngực, bụng, lưng và các chi.
Sau khi cháu T. nhập viện, qua thăm khám và làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi và được nhập viện điều trị.
Hiện BV Nhi đồng 2 đang điều trị cho 61 ca mắc sởi, trong đó có 5 ca đang phải thở oxy. Bệnh nhi nhập viện tại đây chủ yếu đến từ tỉnh phía Nam (chiếm 70%). Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất chỉ 3-4 tháng tuổi và hầu hết đều có bệnh nền như tim mạch, bại não, động kinh…
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng
Bệnh sởi nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ, hiện nay có tình trạng một số người coi thường bệnh sởi, coi nhẹ việc tiêm phòng, hoặc khi mắc sởi thì không thực hiện cách ly mà tiếp tục sinh hoạt, giao tiếp bình thường với người xung quanh. Một số lại nghiêm trọng hóa căn bệnh, khi mắc sởi thì đòi nằm viện. Môi trường BV làm bệnh nhân bị bội nhiễm, lây chéo, khiến cho dịch sởi bùng phát khó kiểm soát.
Sởi là căn bệnh lành tính, có thể chỉ cần điều trị tại tuyến cơ sở trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân mắc một căn bệnh khác rồi sau đó mắc sởi, hoặc mắc sởi sau đó bị bội nhiễm, thì nhất định phải được điều trị nội trú tại BV.
Vì căn bệnh kép sởi-bội nhiễm, hoặc cũng mắc bệnh khác rất nguy hiểm, gây suy giảm hấp thu, giảm miễn dịch và có thể viêm não ở cả trẻ em lẫn người lớn. Trong trường hợp bệnh biến chứng nặng có thể gây tử vong và đây là nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ tử vong trong dịch sởi năm 2014.
Phòng bệnh như thế nào?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh có khả năng lây lan mạnh từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, mù mắt do loét giác mạc, suy dinh dưỡng nặng…
Bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, là đối tượng có miễn dịch kém, đặc biệt những trẻ không được tiêm phòng vaccine sởi hoặc những trẻ được sinh ra ở những bà mẹ chưa có miễn dịch với sởi trước đó.
Khi trẻ có các biểu hiện sốt cao, viêm long đường hô hấp, hắt hơi, sổ mũi, viêm kết mặc mắt, hồng ban… nên cho trẻ đến cở sở y tế để khám, đặc biệt trẻ sống trong vùng có dịch sởi.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với sởi, chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biến chứng do sởi. Khi bị sởi, cần chú ý tăng cường dinh dưỡng để phòng suy dinh dưỡng và dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt.
Không dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Trong những ngày trẻ sốt caoì nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước quả, dung dịch orezol. Khi trẻ bị tiêu chảy, nếu trẻ còn bú mẹ thì cho trẻ bú mẹ nhiều hơn (cả về số lần và cả về số lượng).
Với những bệnh nhân đang mắc bệnh sởi, cần được cách ly và cần đeo khẩu trang y tế để bệnh không lây lan ra cộng đồng. Với người lành, cần hạn chế tối đa tiếp xúc với bệnh nhân, khi tiếp xúc cần đeo khẩu trang.
Để phòng bệnh sởi, các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine sởi, nhất là với trẻ em, phụ nữ chuẩn bị mang thai. Với những bệnh nhân đã mắc bệnh cần cách ly để bệnh không lây lan ra cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.
Trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây có thể dùng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh./.