Trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraine ngày càng sâu sắc, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hậu quả khủng khiếp nếu một cuộc xung đột vũ trang với các vũ khí truyền thống hay chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Vào đầu tháng 2, các quan chức Mỹ ước tính, cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể khiến 25.000-50.000 dân thường, 5.000-25.000 quân nhân Ukraine và 3.000-10.000 binh sĩ Nga thiệt mạng. Cuộc giao tranh cũng sẽ để lại hậu quả là từ 1-5 triệu người tị nạn.
Những con số này dựa trên giả định rằng các bên chỉ sử dụng các loại vũ khí truyền thống. Tuy nhiên, nếu xung đột lan ra ngoài biên giới Ukraine với sự tham gia của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thì đây sẽ trở thành một cuộc chiến lớn giữa các lực lượng vũ trang hạt nhân, khi đó, mối đe dọa chiến tranh hạt nhân sẽ trở thành thảm họa với toàn cầu.
Về mặt giả thiết, cả hai bên sẽ bắt đầu cuộc xung đột với việc sử dụng vũ khí phi hạt nhân. Nhưng với tiến bộ về công nghệ và hỏa lực trong những thập niên gần đây, vũ khí này có tầm bắn và sức công phá lớn hơn nhiều so với các phiên bản trong quá khứ.
Cho đến khi tổn thất gia tăng cho cả hai bên hoặc một bên phải đối mặt với thất bại sắp xảy ra, vũ khí hạt nhân có thể được coi như một chiến thuật được cân nhắc sử dụng. Học thuyết quân sự của Mỹ và Nga đều cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp như vậy.
Với nhiều bài nghiên cứu về hậu quả y tế của chiến tranh hạt nhân trên các tạp chí danh tiếng, bác sĩ Ira Helfand, cựu Chủ tịch Hiệp hội Y sĩ Quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân (IPPNW) đã có bài đăng trên trang The Nation cảnh báo về thảm họa hạt nhân tại thời điểm khủng hoảng Nga-Ukraine đang leo thang này.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang leo thang cùng căng thẳng Nga-Ukraine. (Nguồn: Mun Planet)
Sức công phá khủng khiếp
Bất chấp việc cắt vũ khí hạt nhân những thập niên vừa qua, Nga hiện vẫn đang sở hữu 1.900 vũ khí hạt nhân chiến thuật và 1.600 vũ khí hạt nhân chiến lược.
Về phía NATO, Pháp có 280 vũ khí hạt nhân được triển khai và con số này của Anh là 120. Ngoài ra, Mỹ có 100 quả bom chiến thuật B-61 tại các căn cứ của NATO ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, và có tới 1.650 đầu đạn hạt nhân được triển khai.
Chỉ một vũ khí hạt nhân có sức công phá 100 kiloton nổ trong Điện Kremlin có thể khiến 25.000 người thiệt mạng và làm bị thương 1 triệu người, áp đảo hoàn toàn khả năng ứng phó với thảm họa thủ đô nước Nga.
Tương tự, nếu quả bom với sức công phá như trên được kích nổ ở Điện Capitol, sẽ có hơn 170.000 người chết và gần 400.000 người bị thương.
Tuy nhiên, theo tác giả, gần như chuyện xung đột hạt nhân căng thẳng giữa Nga và Mỹ sẽ không tập trung vào các đầu đạn đơn lẻ ở thủ đô của hai nước.
Thay vào đó, nhiều khả năng vũ khí hạt nhân sẽ nhắm vào nhiều thành phố với nhiều vũ khí có sức công phá lớn hơn 100 kiloton sẽ được sử dụng. Ví dụ như 460 đầu đạn SS-18 M6 Satan của Nga đương lượng từ 500-800 kiloton, hay đầu đạn W88 triển khai trên tàu ngầm Trident của Mỹ đương lượng nổ 455 kiloton.
Một báo cáo năm 2002 cho thấy chỉ cần 300 trong số 1.600 đầu đạn chiến lược được triển khai của Nga được kích nổ trên các trung tâm đô thị của Mỹ thì sẽ có 78 triệu người chết chỉ trong 30 phút đầu tiên.
Ngoài ra, toàn bộ cơ sở hạ tầng kinh tế của quốc gia sẽ bị phá hủy, bao gồm lưới điện, internet, hệ thống phân phối thực phẩm, mạng lưới giao thông, hệ thống y tế công cộng...
Tất cả những thứ cần thiết để duy trì sự sống sẽ không còn. Đồng thời, sau cuộc tấn công này, phần lớn dân số của Mỹ sẽ không chống chọi nổi với nạn đói, bệnh nhiễm xạ, phơi nhiễm và dịch bệnh. Một cuộc tấn công của Mỹ vào Nga sẽ gây ra sự tàn phá tương đương.
Nếu NATO tham gia, Canada và châu Âu cũng sẽ chịu số phận tương tự.
Nguy cơ diệt vong nhân loại
Cùng với đó, các tác động khí hậu toàn cầu sẽ còn thảm khốc hơn nữa. Nghiên cứu gần đây đã chứng minh các dự đoán được đưa ra từ những năm 1980, khẳng định rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên quy mô lớn sẽ gây ra sự hạ nhiệt toàn cầu đột ngột và thảm khốc.
Một cuộc chiến liên quan đến các kho vũ khí được triển khai đầy đủ của Mỹ và Nga có thể đưa tới 150 triệu tấn muội than vào các tầng khí quyển, làm giảm nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới xuống 18 độ F.
Tại các khu vực nội địa của Bắc Mỹ và Âu-Á, nhiệt độ sẽ giảm từ 45 đến 50 độ F. Đây là mức giảm chưa từng thấy kể từ kỷ băng hà cuối cùng, gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng lương thực và nạn đói toàn cầu có thể giết chết phần lớn nhân loại.
Ngay cả với số lượng hạn chế hơn, 250 đầu đạn trong phạm vi 100 kiloton cũng có thể làm giảm nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống 10 độ F.
Con số này đủ để gây ra nạn đói chưa từng có trong lịch sử nhân loại, thậm chí gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự kết thúc của nền văn minh hiện đại.
Ngoại giao - lối thoát duy nhất
Mức độ rủi ro vốn có trong mô hình xung đột hạt nhân hiện nay giữa Mỹ và Nga đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản trong mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng căng thẳng không kém.
Theo tác giả, thời điểm hiện tại, các cường quốc không còn có thể theo đuổi trò chơi có tổng bằng 0 để xem ai sẽ đứng đầu. Bởi có thể một trong số các quốc gia này sẽ đứng ở đỉnh, nhưng là trên đỉnh của một đống tro toàn cầu.
Vũ khí hạt nhân luôn là một mối đe dọa đối với sự tồn tại của loài người. Việc loại bỏ vũ khí hạt nhân có thể đạt được trong vòng một thập niên nếu các nhà lãnh đạo quốc gia cam kết làm như vậy.
Quá trình đàm phán về một lộ trình có thể kiểm soát và thực thi để tháo dỡ vũ khí hạt nhân sẽ thiết lập một mô hình hợp tác mới trong quan hệ quốc tế, cho phép các quốc gia giải quyết mối đe dọa hiện hữu khác phức tạp hơn do khủng hoảng khí hậu gây ra.
Tác giả cho rằng, việc loại bỏ vũ khí hạt nhân không phải là chuyện không tưởng và là điều cần thiết cho sự tồn tại của loài người. Rõ ràng, chúng ta đã không thể tồn tại đến nay trong kỷ nguyên hạt nhân nếu không có sự lãnh đạo khôn ngoan, học thuyết quân sự đúng đắn, hay công nghệ chính xác.
Điều này từng được cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara nhấn mạnh: “Chúng ta thực sự may mắn khi đã ngăn chặn được chiến tranh hạt nhân”.
Hiện nay, điều cấp thiết là cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine phải được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao. Điều quan trọng không kém là các quốc gia có vũ khí hạt nhân phải nhận thức từ tình huống nguy hiểm này và hành động để loại bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân một cách dứt điểm.
Con đường duy nhất là nhanh chóng bắt đầu các cuộc đàm phán để loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, như chủ trương của chiến dịch "Back from the Brink" (chiến dịch giải cứu động vật khỏi nguy cơ tuyệt chủng), và tất cả đều phải tuân thủ Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW).