09/05/2024 lúc 09:19 (GMT+7)
Breaking News

Cảng Quy Nhơn: Doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng lợi nhuận 400 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử

Đến hết năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn đạt 11,5 triệu tấn, doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng cao nhất trong lịch sử 45 năm hình thành và phát triển của Cảng Quy Nhơn.

Đến hết năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn đạt 11,5 triệu tấn, doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng cao nhất trong lịch sử 45 năm hình thành và phát triển của Cảng Quy Nhơn.

Vượt sóng

Với vị trí địa lý thuận lợi, luồng tàu có thể tiếp nhận được các loại tàu đến 30.000 tấn cập cảng và tàu 50.000 tấn giảm tải, Cảng Quy Nhơn đang giữ vị trí là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ ra Biển Đông của khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông… Nằm sát với tuyến đường hàng hải quốc tế nên rất thuận tiện cho tàu biển nước ngoài ra vào, là vị trí trung tâm của các nước trong vùng Đông Nam Á và Đông Á, có trên 10 tuyến đường biển nối với các cảng quốc tế như: Manila, Singapore, Hong Kong, Cao Hùng (Đài Loan), Băng Cốc (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản), Vladivostok (Nga) v.v...

Cảng Quy Nhơn giữ vị trí là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ ra Biển Đông của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông

Năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt mốc 11 triệu tấn, tăng gần 32% so với năm 2018. Theo đó, lợi nhuận năm 2020 của Cảng Quy Nhơn đạt 146 tỷ đồng (tăng hơn 21% so với năm 2018). Năm 2020, Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng biển khai thác cầu bến hiệu quả với hiệu suất khai thác đạt 2.500 tấn/mét cầu - gấp 1,4 lần công suất thiết kế.

Bước sang năm 2021, đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid-19 trở nên phức tạp trên phạm vi cả nước, Cảng Quy Nhơn đã gặp không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Tuy nhiên, bằng việc triển khai nhiều giải pháp thị trường, tổ chức sản xuất, kinh doanh; đầu tư cơ sở kỹ thuật, công nghệ; triển khai áp dụng nghiêm túc và có hiệu quả các biện pháp, giải pháp, quy trình làm việc phục vụ công tác phòng, chống dịch, Cảng Quy Nhơn vẫn duy trì ổn định, phát triển, tăng trưởng hầu hết các chỉ tiêu chính.

Thương hiệu Cảng Quy Nhơn được nhiều chủ hàng, chủ tàu trong nước và quốc tế biết đến với năng suất, chất lượng cao, giải phóng tàu nhanh

Các chỉ tiêu về kế hoạch SXKD, doanh thu, lợi nhuận năm 2021 đã được Cảng Quy Nhơn hoàn thành vào tháng 11/2021. Đến hết năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn đạt 11,5 triệu tấn, doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng cao nhất trong lịch sử 45 năm hình thành và phát triển của Cảng Quy Nhơn. Nhịp tăng trưởng tốt giúp cải thiện đời sống người lao động, thu nhập bình quân của người lao động năm 2021 đạt 18,5 triệu đồng (tăng trưởng hơn 40% so với năm 2018).

Cảng Quy Nhơn phấn đấu trở thành đầu mối giao thương hướng biển số 1 trong chiến lược phát triển kinh tế của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia, Nam Lào.

Ra khơi

Ngày 28/11/2021 Cảng Quy Nhơn tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 Cảng Quy Nhơn. Theo đó, bến số 1 sẽ được mở rộng ra phía khu nước trước bến hiện tại thêm 35 m (tổng chiều dài bến sau khi nâng cấp là 480 m), đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp, tàu container 30.000 tấn (DWT) đầy tải. Kết cấu bến cũng được tính toán thiết kế đảm bảo neo cập cho tàu hàng tổng hợp, container 50.000 tấn (DWT) đầy tải trong giai đoạn sau, phù hợp với tiến trình nâng cấp, mở rộng tuyến luồng Quy Nhơn đã được phê duyệt tại quyết định số 2370/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ Giao thông Vận tải.

Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 Cảng Quy Nhơn

Việc đầu tư nâng cấp bến số 1 sẽ đưa công suất xếp dỡ, thông qua hàng hóa của Cảng Quy Nhơn từ 8.000.000 tấn/năm lên đến 15.000.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cũng như mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn cho Cảng Quy Nhơn.

Cũng trong ngày 28/11/2021, Cảng Quy Nhơn chính thức ra mắt cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ cảng điện tử (Eport, EDO) và Hệ thống quản lý khai thác cảng biển (TOS) được nâng cấp mới cho khách hàng trên tiêu chí: Phù hợp với sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cảng Quy Nhơn tiếp tục đầu tư mở rộng lên gần 90 ha trong giai đoạn 2021 - 2025

Trong đầu năm 2022, Cảng Quy Nhơn sẽ đưa vào sử dụng, vận hành chức năng EDI tự động và thanh toán trực tuyến qua các hình thức thanh toán điện tử hiện nay. Ứng dụng công nghệ này giúp khách hàng cập nhật tình trạng dữ liệu hàng hóa thực tế 24/7, đảm bảo tính trung thực và tiết kiệm chi phí quản lý hàng hóa trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ cảng biển; nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng, cải tiến thủ tục quy trình giao nhận hàng hóa thuận tiện theo hướng đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi, tiến tới thanh toán điện tử hoàn toàn.

Việc đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ cảng điện tử -Eport đã đáp ứng được xu hướng chuyển đổi số của Công ty và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong mục tiêu trở thành cảng điện tử, hiện đại đồng thời góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Đủ năng lực tiếp nhận được hàng hóa thông qua Cảng trên 15 triệu tấn (hơn 350.000 TEUs Container) tầm nhìn đến năm 2025

Trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, Cảng Quy Nhơn sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng lên gần 90 ha (gấp 3 lần hiện nay). Cảng Quy Nhơn tập trung xây dựng tổ chức “lấy khách hàng làm trung tâm”; đầu tư nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất nhằm mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất.