02/05/2024 lúc 09:21 (GMT+7)
Breaking News

Cần quy định và quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống

VNHNO - Tại Hội thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô thay thế cho Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), được Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội mới đây, các Hiệp hội taxi đều bày tỏ sự bức xúc, không đồng tình ở tờ trình Dự thảo.

VNHNO - Tại Hội thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô thay thế cho Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), được Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội mới đây, các Hiệp hội taxi đều bày tỏ sự bức xúc, không đồng tình ở tờ trình Dự thảo.

Hội thảo sửa đổi Nghị định 86 của GTVT, được Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Bộ GTVT rằng, Grab và Uber là đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi, phải quản lý như taxi. Theo ông Hỷ, Grab và Uber hoạt động theo hình thức vận tải taxi, cụ thể như: trực tiếp thông báo tuyển dụng, làm thủ tục tuyển dụng, xử lý kỷ luật hoặc khen, thưởng lái xe; quyết định hoàn toàn hành trình, lộ trình chuyến xe; trực tiếp quyết định giá cước; trực tiếp thu tiền cước vào tài khoản của mình...

Cũng theo Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, tất cả xe hợp đồng điện tử thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT, xét về đặc điểm và bản chất kinh doanh chính là taxi. Do đó nên nhập vào loại hình taxi và quản lý như taxi, không nên tạo loại hình mới vì khái niệm xe hợp đồng điện tử hoàn toàn không có trên thực tế trong 3 năm qua.

Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh hoàn toàn không đồng tình khi dùng khái niệm xe hợp đồng điện tử thay cho khái niệm taxi vì trên thực tế xe hợp đồng điện tử hoạt động như taxi. Hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết, không phải mô hình kinh doanh, chưa kể đẻ ra loại hình xe hợp đồng điện tử là trái với luật giao thông đường bộ và chưa có tiền lệ trên thế giới. Cũng từ Quyết định số 24 của Bộ GTVT, Grab và Uber đã thực hiện hàng triệu cuốc xe nhưng không có người khách nào được tham gia ký hợp đồng điện tử với họ, không thể tìm ra được nội dung hợp đồng vận tải điện tử nào được ký kết cho mỗi chuyến đi...

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho rằng Tờ trình Dự thảo còn nhiều bất cập và không thỏa đáng cho Taxi truyền thống.

Từ thực tế trên, Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh kiến nghị, không nên phát triển thêm loại hình vận tải khác ngoài 5 loại hình đã được Luật Giao thông đường bộ quy định. Đồng thời, chỉ nên tiếp tục duy trì 2 loại hình taxi và hợp đồng như Luật Giao thông đường bộ quy định.

Theo Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, việc đưa xe hợp đồng điện tử đang thí điểm với nhiều bất cập hiện nay nhập vào taxi chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích và ý nghĩa to lớn như: chấm dứt được xung đột giữa hai loại hình taxi chính thống và hợp đồng điện tử; tránh được dư luận cho rằng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cố tình tạo chợ riêng, sân chơi riêng cho Grab và Uber; tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh theo quy luật thị trường; tạo sự dễ dàng cho việc nhận diện để quản lý, xử lý của cơ quan chức năng; góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước...

Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh cũng đồng gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội vì cho rằng việc thử nghiệm taxi công nghệ là sai lầm và cho rằng chính sách của Bộ GTVT ban hành bộc lộ nhiều bất cập, đề nghị Chính phủ xem xét đưa ra điều kiện với xe hợp đồng điện tử (như Uber và Grab).

Đồng quan điểm, Hiệp hội Taxi Hà Nội không đồng tình ở tờ trình Dự thảo Nghị định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thay thế cho Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Bộ GTVT, bởi chưa đánh giá đúng những tồn tại của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải.

Hiệp hội này minh chứng cho thất bại của Bộ GTVT như: chương trình thí điểm đã phá vỡ quy hoạch vận tải của các địa phương, gây ùn tắc giao thông. Xe Grab và Uber tăng gấp 2 lần tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sau 2 năm thí điểm. Đồng thời, tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng, triệt tiêu taxi truyền thống.

Nhìn nhận về những bất cập trong Tờ trình Dự thảo trên, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam cho hay, rõ ràng về mặt bản chất kinh doanh, taxi truyền thống và Grab đều là taxi. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại chia ra thành dịch vụ taxi và xe hợp đồng điện tử để từ đó áp đặt các điều kiện kinh doanh khác nhau, tạo ra sự bất công trong kinh doanh. Đáng nói hơn, Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi đến lần thứ 5 nhưng vẫn không có gì thay đổi khi chính thức trình lên Chính phủ đưa vào hợp thức hoá “xe hợp đồng điện tử” và “hợp đồng vận tải điện tử”.

"Cùng kinh doanh trên một thị trường, phục vụ cùng một đối tượng khách hàng, cung cấp một dịch vụ như nhau, nhưng xe taxi phải chịu 13 điều kiện kinh doanh khắt khe còn xe hợp đồng điện tử thì không", ông Quý đưa ra ví dụ một trong nhiều bất bình đẳng mà taxi truyền thống đang phải gánh chịu.