VNHN - Luật Đầu tư công (ĐTC) là một bước tiến lớn, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN).
Thực thi Luật Đầu tư công góp phần giải quyết vấn đề đầu tư dàn trải.
Tuy nhiên, còn khá nhiều bất cập trong các quy định, thủ tục làm cản trở hoạt động ĐTC đòi hỏi cần phải được sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, cần luật hóa các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động ĐTC để hạn chế tình trạng ĐTC kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn…
Còn nhiều bất cập
Tại Tọa đàm “Sửa đổi Luật ĐTC – Bàn luận từ những góc nhìn đa chiều” tổ chức mới đây, ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Luật ĐTC (2014) ra đời đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn ĐTC. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, luật đã đạt được một số kết quả ban đầu khá tích cực.
Một là, với việc thực thi Luật ĐTC đã góp phần giải quyết các vấn đề như ĐTC quá mức và dàn trải, ĐTC ít gắn kết với khả năng ngân sách dẫn đến tình trạng nợ công tăng… Hai là, thông tin theo dõi, giám sát các dự án ĐTC bước đầu được hệ thống hóa và số hóa. Một số thông tin được công khai trên Cổng thông tin quốc gia, góp phần tăng cường vai trò giám sát xã hội đối với tổng thể tình hình ĐTC trên phạm vi cả nước. Ba là, cơ chế lập kế hoạch ĐTC được chuyển từ lập kế hoạch hàng năm sang kết hợp giữa xây dựng kế hoạch trung hạn với kế hoạch hàng năm, góp phần khắc phục tình trạng không cân đối được nguồn vốn, bị động, đầu tư cắt khúc ra từng năm…
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo ông Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, trên thực tế triển khai thực thi Luật ĐTC cũng còn gặp một số những vướng mắc, bất cập.
Trước hết, quá trình thực hiện luật cho thấy, hệ thống pháp luật về ĐTC còn phức tạp và thiếu tính đồng bộ. Đơn cử, Luật ĐTC có nhiều điểm không phù hợp với Luật NSNN khi vẫn còn hai cơ quan tổng hợp về ngân sách. Luật NSNN quy định chu kỳ ổn định ngân sách là 3 năm, còn kế hoạch và đầu tư trung hạn là 5 năm. “Trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật ĐTC sửa đổi, Chính phủ đã từng trình Quốc hội dự thảo quy định việc lập kế hoạch 3 năm theo phương thức cuốn chiếu với quan điểm nhằm tạo sự thống nhất với kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm. Tuy nhiên, rất tiếc đề xuất này chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo luật bảo vệ thành công, nên đã không đưa vào nội dung dự thảo Luật ĐTC (sửa đổi)” – ông Bắc cho biết.
Bên cạnh đó, trách nhiệm pháp lý của từng cơ quan trong quản lý ĐTC chưa đủ rõ và chế tài vẫn chưa đủ mạnh trong thực hiện. “Một số nội dung liên quan đến lập kế hoạch, thẩm định, tổng hợp, giao kế hoạch vốn ĐTC trung hạn, hàng năm chưa rõ về bộ thủ tục hành chính, tính minh bạch và khả năng đối thoại giữa các bên liên quan chưa cao, các bước triển khai chưa được xác nhận về trách nhiệm pháp lý của người giải quyết cho thấy còn một khoảng trống về minh bạch và chế độ trách nhiệm” – ông Bắc nói.
Cần thay đổi mô hình, cách thức quản lý ĐTC
Trước những kết quả tích cực cũng như vướng mắc, bất cập còn tồn tại trong quá trình thực hiện Luật ĐTC, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng dự thảo Luật ĐTC (sửa đổi) theo một cách nhìn tổng thể, bà Phạm Thúy Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Xây dựng pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, chính sách ĐTC cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng đảm bảo vai trò của Nhà nước trong điều hành kinh tế thị trường, tách bạch giữa chức năng quản lý kinh tế và chức năng đầu tư của Nhà nước. Chính sách ĐTC cần thể hiện định hướng Nhà nước chuyển từ vai trò điều hành kinh tế bằng các quyết định đầu tư cụ thể, sang vai trò kiến tạo sự phát triển, giảm dần chi ngân sách cho mục tiêu đầu tư, vốn của Nhà nước chỉ là “vốn mồi”, tiếp sức cho các nguồn vốn khác tham gia xã hội hóa hoạt động ĐTC, ví dụ như cơ chế hợp tác công – tư.
Bên cạnh đó, chính sách ĐTC phải được xây dựng đồng thời với các chính sách mở cửa cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực của ĐTC. Vì vậy, chính sách ĐTC cũng phải thể hiện ở việc giảm tỷ trọng đầu tư, cấp vốn, cấp tín dụng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, chỉ duy trì ở một số hoạt động có tính chất công ích, đầu tư vào những lĩnh vực, dự án mà các nguồn lực kinh tế khác chưa đáp ứng được nhằm bổ sung những khiếm khuyết của thị trường.
Ngoài ra, cần thay đổi mô hình, cách thức quản lý ĐTC theo hướng giảm dần bao cấp có thể quản lý ĐTC theo dự án gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự đối với việc phê duyệt dự án, tổ chức thực hiện và giám sát ĐTC.../.
* Ông Phạm Văn Hùng – Trường Đại học Kinh tế quốc dân:
Cần nâng cao tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình
Các dự án ĐTC từ nguồn NSNN chính là sử dụng tiền đóng thuế của người dân, nên tính minh bạch, công khai của các dự án ĐTC là vấn đề cử tri, dư luận hết sức quan tâm. Do đó, cần nâng cao, tăng cường tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình đối với các dự án ĐTC. Nội dung công khai, minh bạch cũng cần mở rộng hơn, đặc biệt là tình hình triển khai thực hiện và hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư. Phương thức công khai minh bạch cần được đổi mới để mọi người dân đều có thể tham gia giám sát hoạt động ĐTC.
Đặc biệt, cần xây dựng và chuẩn hóa các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động ĐTC. Nếu có thể, cần luật hóa một số tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội hoạt động ĐTC. Bởi trên 80% vốn đầu tư từ NSNN là do địa phương quản lý, nên trong Luật ĐTC cần tạo ra cơ chế tự chủ cho địa phương. Có thể nghiên cứu cơ chế khoán cho địa phương để họ chủ động thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giới hạn ngân sách (địa phương chủ động hơn nhưng họ cũng thận trọng hơn). Trung ương chỉ quản lý hiệu quả đầu tư theo các mục tiêu đã xác định.
* Ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng CIEM:
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của phân cấp trong quản lý đầu tư công
Hiện nay, vấn đề phân cấp trong quản lý ĐTC vẫn đang là một trong những hạn chế lớn của hoạt động ĐTC. Một mặt, có hiện tượng phân cấp quá mức trong chuẩn bị, xem xét, phê duyệt danh mục dự án ĐTC ở cấp địa phương, nhất là cấp tỉnh. Tình trạng phê duyệt chủ trương vượt quá khả năng bố trí vốn, cũng như chờ đợi vốn từ trung ương mà không được kiểm soát đã và đang tồn tại. Mặt khác, việc chờ đợi sự xem xét, đồng ý của trung ương đối với các dự án của địa phương làm chậm triển khai dự án.
Bên cạnh đó, việc không tăng quyền chủ động của địa phương trong triển khai dự án ĐTC cũng hạn chế hoạt động ĐTC. Hơn nữa, một số bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ. Việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm… Những thực tế trên đặt ra vấn đề cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của phân cấp trong quản lý ĐTC trong những lần tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ĐTC.