16/10/2024 lúc 15:50 (GMT+7)
Breaking News

Cần hoàn thiện chính sách cho phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách cho phát triển công nghiệp công nghiệp cao (CNCNC), bao gồm cả chính sách huy động vốn. Từ đó, sự phát triển CNCNC được đẩy mạnh, tăng lên cả về quy mô, số lượng, chất lượng, cơ cấu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế có sự biến động liên tục, chính sách phải không ngừng được bổ sung, hoàn thiện mới đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Ảnh minh họa - TL

Mặc dù sự ra đời của Luật Công nghệ cao năm 2008 đã thể chế hóa các chính sách lớn về ứng dụng và phát triển công nghệ cao ở nước ta, trong đó việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ cao được tập trung chủ yếu thông qua một số nhiệm vụ chủ chốt, trong đó có tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển các khu CNC, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp lớn về công nghệ cao trên thế giới, đảm đương vai trò đầu tàu về phát triển công nghệ cao, tạo hiệu ứng lan toả… Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều ưu đãi dành cho công nghệ cao không còn phù hợp.

Từ thực tế phát triển các khu CNC những năm qua, Bộ KH&CN nhận thấy phải có sự nhìn nhận lại những vấn đề đang vướng mắc cần tháo gỡ từ địa phương, kiến nghị từ các bộ, ban, ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống cơ sở chính sách pháp luật cũng như những ưu đãi đầu tư, bao gồm cả chính sách huy động nguồn vốn để phát triển KCN CNC. Nằm trong chính sách chung, Bộ KH&CN cũng đã có những đề xuất tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương thực hiện cơ chế một cửa tại khu công nghệ cao (CNC); hình thành hệ sinh thái các khu CNC; thu hút nguồn lực từ xã hội để đầu tư hạ tầng cho phát triển các khu CNC.

Ở tầm vĩ mô, những năm qua, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình huy động vốn cho phát triển CNCNC. Về chính sách khuyến khích đầu tư, Việt Nam đã ban hành Luật Công nghệ cao năm 2008; Luật Đầu tư vào các năm 2014 và 2020; Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg, ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư... Về chính sách thuế, đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam; Thông tư số 219/2013/TT-BTC, ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; Thông tư số 96/2015/TT-BTC, ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính (sửa đổi và bổ sung Khoản 4 Điều 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC) quy định doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm sẽ được miễn và ưu đãi thuế… Về chính sách tín dụng, có thể kể đến Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định về cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; Quyết định số 2416/QĐ-NHNN, ngày 18/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Việc ban hành các chính sách trên đã tác động rất lớn đến hoạt động huy động vốn cho phát triển CNCNC. Lượng vốn huy động cho phát triển CNCNC ở Việt Nam ngày càng tăng lên nhanh chóng, chủ yếu tập trung vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng và một số địa phương có tiềm năng, lợi thế trong phát triển CNCNC như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương… với nhiều dự án lên đến hàng tỷ USD.

Tuy vậy, cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển CNCNC vẫn còn những hạn chế cần khắc phục; kể cả việc huy động vốn cho phát triển CNCNC vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập do còn gặp vướng mắc bởi nhiều chính sách chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu huy động vốn gắn với điều kiện thực tiễn của đất nước và xu thế hội nhập quốc tế. Cụ thể như:

- Nhìn chung, các chính sách huy động vốn cho phát triển CNCNC còn thiếu. Hiện nay chưa có một chính sách riêng, hoàn chỉnh về huy động vốn cho phát triển CNCNC; các nội dung xung quanh vấn đề này nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học - công nghệ và ở một số quyết định, nghị quyết, chỉ thị khác nhau.

- Mặt khác, chính sách huy động vốn cho phát triển CNCNC dễ biến động, thiếu tính ổn định gây khó khăn cho quá trình phát triển, sản xuất, kinh doanh, điều này có thể dẫn đén khó khăn cho việc huy động vốn cho phát triển CNCNC.

- Bên cạnh đó, hiệu quả của các chính sách huy động vốn cho phát triển CNCNC còn thấp. Các chính sách hiện nay chưa thực sự gắn với đặc trưng của việc huy động vốn cho phát triển CNCNC, vì vậy chưa phát huy được hiệu quả, chưa trở thành động lực cho quá trình huy động vốn cho phát triển CNCNC.

Một số đề xuất và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập

Tại Hội thảo về mô hình và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khu công nghệ cao (CNC) ở Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến, bao gồm cả những đề xuất cụ thể về hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiện công nghệ cao. Để các khu CNC phát triển được không chỉ từ sự quan tâm của ngành KH&CN mà cần đặt sự quan tâm trong tổng thể phát triển các khu công nghiệp nói chung gắn với mô hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những đề xuất đó bao gồm:

-Khâu yếu hiện nay của các KCNCNC là chưa hình thành được hệ sinh thái KH&CN nói chung và CNC nói riêng; bao gồm: phòng thí nghiệm, đơn vị sản xuất, trung tâm khởi nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là công việc cần được quan tâm thực hiện.

-Cần quy định Ban Quản lý là cơ quan chuyên môn đối với các hoạt động quản lý nhà nước chính, đặc biệt là hoạt động quản lý nhà nước đặc thù về KH&CN và đổi mới sáng tạo. Trong đó, xác định rõ việc phân cấp, uỷ quyền, phối hợp và các điều kiện, nguồn lực kèm theo, là cơ sở để xây dựng mô hình quản lý phù hợp với thực tiễn phát triển đồng thời đảm bảo mối quan hệ trong công tác quản lý nhà nước với các cơ quan chuyên môn.

-Quy định khung bộ máy tổ chức, số lượng biên chế hành chính nhà nước để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nội dung theo mô hình quản lý nhà nước các khu CNC. Do các mô hình quản lý các khu CNC đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa thực hiện các chính sách tái sắp xếp, tinh giảm biên chế mà cần phải ưu tiên bố trí thêm biên chế để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đặc thù nếu cần thiết.

-Xác định địa vị pháp lý của các Ban Quản lý nhằm đảm bảo công tác phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước và việc xây dựng và phát triển các khu CNC.

-Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về Khu CNC, trong đó xác định khung mô hình quản lý nhà nước và cơ chế phân cấp, uỷ quyền hoạt động quản lý nhà nước dưới sự giám sát của Bộ chủ quản, từng bước tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện mô hình quản lý, tạo đà phát triển các Khu CNC trên cả nước.

Về chính sách huy động vốn phát triển CNCNC, các chuyên gia đề xuất cần thực hiện một số giải pháp sau:

1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc thúc đẩy quá trình huy động vốn cho phát triển CNCNC. Trong đó, tập trung xây dựng và ban hành các đạo luật còn đang thiếu, chưa hoàn thiện, như: Xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, với mục tiêu: nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị… Luật cần đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy phát triển các ngành CNCNC trên cơ sở xây dựng chính sách, tạo môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNCNC, nâng cao năng lực phát triển CNCNC, góp phần phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng, địa phương. Xây dựng Luật CNCNC: nhằm đưa ra các chính sách khuyến khích công nghiệp hỗ trợ phát triển như: chính sách ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách hợp tác quốc tế về CNCNC, chính sách phát triển thị trường. Hoàn thiện Luật Đầu tư: nhằm góp phần cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững gắn với yêu cầu phát triển của khoa học - công nghệ, tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc xây dựng Luật Đầu tư sửa đổi cần theo hướng ưu tiên phát triển CNCNC…

2. Bổ sung, hoàn thiện chính sách phân bổ ngân sách: Một trong những nguồn vốn quan trọng trong quá trình huy động vốn cho phát triển CNCNC chính là nguồn vốn từ ngân sách. Tuy nhiên, ngân sách là nguồn huy động cho nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; do vậy, cần bổ sung, hoàn thiện chính sách phân bổ ngân sách.

3. Bổ sung, hoàn thiện chính sách thuế đối với huy động vốn cho phát triển CNCNC.

4. Hoàn thiện chính sách tín dụng, đảm bảo vốn cho phát triển CNCNC. Cụ thể:  Nhà nước cần ban hành chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế theo định hướng của Chính phủ, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến các dự án ứng dụng khoa học, công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và thị trường thế giới; các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, hoàn thiện quy chế hoạt động và các quy chế của các tổ chức bảo lãnh tín dụng. Cần đa dạng hóa nghiệp vụ bảo lãnh nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu bảo lãnh ở các hoạt động khác của phát triển CNCNC./.

Ths. Nguyễn Quang Thuận

...