VNHN - Thời điểm dịch bệnh căng thẳng đang khiến nhiều doanh nghiệp thêm khó khăn, sau hơn 2 tháng trực tiếp đối diện COVID-19; nhất là với những đơn vị đang cố giữ vững nguồn nhân lực để sẵn sàng tái phục về sau. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm đưa ra những chính sách, giải pháp hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp.
Những vấn đề giãn nợ, giãn thuế… đang được các bộ ngành quan tâm đưa ra, cũng như mới đây, chủ trương các doanh nghiệp có thể vay không lãi suất để trả lương cho người lao động được ban hành. Song liệu những giải pháp này có thuận tiện và khả thi với các doanh nghiệp đang “gồng mình” xử lý thực cảnh tai ương, nhất là về nguồn nhân lực?
Một nhóm bạn trẻ đứng chờ nhận lương để về quê trước cửa doanh nghiệp đã đóng kín vì dịch bệnh.
Nhân lực đồng hành không thể bỏ
Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc công ty Thương mại và Dịch vụ Hải Vân (Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) cho biết, đã 3 tháng nay ông cố gắng tổ chức hoạt động cho phòng bán vé Hải Vân cùng các mảng dịch vụ du lịch, khách sạn… với nhân lực hơn 50 người. Ảnh hưởng dịch bệnh đã khiến các bộ phận này gần như không còn việc, chỉ chủ yếu hỗ trợ các khách hàng xử lý trả đổi vé máy bay, hủy tour tuyến. “Các hoạt động này chỉ hao tốn thêm chứ không có chút lợi nhuận nào, mà bên mình vẫn làm vì quyền lợi khách hàng. Đáng nói là nhân viên đi làm hay ở nhà, mình đều giữ nguyên chế độ lương để bảo đảm đời sống của họ. Điều này thật sự rất áp lực khi doanh nghiệp đang phải cắt giảm mọi chi tiêu, mong vượt qua mùa dịch”. Ông Nam chia sẻ như vậy.
Ông nói rõ hơn, hầu hết nhân viên đều đã gắn bó cùng doanh nghiệp từ bữa đầu hoạt động, có người đã gần 30 năm làm việc. Do đó, công ty ông trong bối cảnh khó khăn nhất, cũng không thể nghĩ đến chuyện giảm nhân lực và thu nhập của họ. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp lấy đâu ra tài chính dự phòng để tiếp tục duy trì nguồn nhân lực của mình?
Tâm tư của ông Nam, cũng đang là câu hỏi hóc búa, sống còn với rất nhiều doanh nghiệp hiện nay. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó giám đốc công ty lữ hành Vitour bày tỏ, hàng hóa, nguyên liệu phụ kiện… có thể chậm trễ, lùi hạn, nhưng lương nhân viên thì nhất định phải trả đủ và đúng hạn. Có vậy, doanh nghiệp mới mong giữ được các nhân sự giỏi, giữ được đội ngũ nhân viên để ngay sau mùa dịch, lập tức khôi phục lại hoạt động của mình.
Với những đơn vị du lịch như Vitour, bối cảnh hiện nay đang buộc họ phải cắt giảm gần như tối đa các nhân lực dịch vụ và hỗ trợ khách hàng. Có đơn vị đã cắt hơn 90% nhân viên cơ hữu. Đội ngũ hướng dẫn viên là tổn thất nặng nề nhất. Ông Thanh Tùng than, nhìn nhân viên từ biệt về quê, chủ doanh nghiệp nào cũng xót đắng lòng, như đang tự cắt đi tay chân vậy.
Công nhân một xưởng cơ khí Đà Nẵng vẫn miệt mài làm việc trong những ngày dịch bệnh đe dọa.
Cần lắm những giải pháp hỗ trợ
Cầm thông báo cần thống kê, xác thực tổn thất tài chính, kinh doanh để xét giãn nợ, theo chỉ đạo mới đây của Tổng cục Thuế, chủ một nhà hàng lớn ở Đà Nẵng thở dài: “Hơn 2 tháng nay, nhà hàng ì ạch ế khách, đến giờ theo lệnh phải thôi luôn, tổn thất làm sao đo đếm rõ ràng được? Vậy mà cơ quan thuế chỉ đưa ra những hỗ trợ mơ hồ thế này, cho giãn ra cuối cùng vẫn đóng đủ, muốn được giãn cũng phải xin cơ quan thuế xác nhận. Những thủ tục hành chính kiểu này, khó khăn cho doanh nghiệp quá”.
Ông Thành Nam cũng thổ lộ, nghe có chủ trương doanh nghiệp vay tiền trả lương cho nhân viên, nhưng doanh nghiệp lấy cơ sở nào để vay, các ngân hàng có sẵn sàng tạo cơ hội không? Nhất là với các doanh nghiệp vừa hoạt động, doanh nghiệp khởi nghiệp, thì uy tín, khả năng tài chính tích lũy có đủ để tín chấp hỏi vay được? Đó là chưa kể hàng ngàn, hàng ngàn lao động thời vụ đang tham gia vào chuỗi các doanh nghiệp, đến nay bị sa thải, mất thu nhập dù là ít ỏi nhất, thì cơ chế, giải pháp nào hỗ trợ cho họ?
Một con số thống kê mới đây từ các cơ quan chức năng cho thấy, đã có hơn 35 ngàn doanh nghiệp nội địa tuyên bố dừng hoạt động bởi những tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19. Đây chắc chắn không phải là con số cuối cùng, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp trong thời gian tới. Vậy bao giờ các cơ quan chức năng mới đặt ra được giải pháp căn cơ, hỗ trợ các doanh nghiệp thật sự gồng mình, bám trụ trong bối cảnh gian nan, bắt đầu từ câu hỏi, nhân viên ăn gì để sống qua ngày mai?