VNHN - Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý. Các chuyên gia cho rằng, ô nhiễm không khí diễn ra liên tục nhiều năm, nhiều tháng và tiếp tục tái diễn nhưng chưa được cải thiện do thiếu công cụ quản lý hiệu quả.
Ô nhiễm không khí bắt đầu từ ngày 18/2 khi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chuyển sang ngưỡng đỏ (ngưỡng bắt đầu có hại cho sức khỏe tất cả mọi người). Ô nhiễm không khí sau đó trở nên rất xấu. Từ 20/2, hầu hết các khu vực ở Hà Nội, ô nhiễm ở ngưỡng tím, cá biệt có những nơi, ở thời điểm cục bộ lên ngưỡng nâu - ngưỡng nguy hại. Theo các phân loại chất lượng không khí của Việt Nam, ô nhiễm ở ngưỡng tím sẽ rất có hại cho sức khỏe mọi người với khuyến cáo trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp nên ở trong nhà, những người khác hạn chế ra ngoài.
Ô nhiễm ở ngưỡng nâu sẽ nguy hiểm đến sức khỏe mọi người với khuyến cáo tất cả nên ở trong nhà. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục, làm việc ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá, hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.
Đây là đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất và kéo dài nhất kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý. Theo TS Nguyễn Bình, chuyên gia về ô nhiễm không khí, điều kiện thời tiết không thuận lợi những ngày qua với tốc độ gió thấp, nền nhiệt thấp khiến không khí không lưu thông được. Các chất ô nhiễm ứ lại gần mặt đất khiến không khí ô nhiễm, người dân cảm thấy ngột ngạt. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày qua, các tỉnh phía Đông bắc Bộ xuất hiện các lớp nghịch nhiệt ở độ cao dưới 1.500m. Dự báo trong 2-5 ngày tới, tình trạng nghịch nhiệt sẽ còn tiếp diễn, gây sương mù vào đêm và sáng.
Người dân Hà Nội chịu nhiều tác động xấu từ ô nhiễm không khí.
Trong điều kiện thời tiết như vậy, ô nhiễm không khí nghiêm trọng sẽ còn kéo dài. Cơ quan khí tượng cũng nhận định, hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra trong mùa đông, nhất là vào thời kỳ suy yếu của không khí lạnh. Trước đó, các báo cáo về ô nhiễm không khí chỉ ra, ô nhiễm ở Hà Nội tập trung vào mùa đông, trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau với nhiều đợt. Theo TS. Hoàng Dương Tùng, đợt ô nhiễm xảy ra đúng vào thời điểm trẻ em vẫn đang nghỉ học, lượng người tham gia giao thông không tăng đột biến cho thấy nguồn ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất, các làng tái chế xung quanh Hà Nội rất đáng lo ngại.
Các điểm ô nhiễm đột biến lên ngưỡng nâu có thể gần nơi đang có hoạt động đốt ngoài trời. Ô nhiễm không khí được cảnh báo nhiều năm nay ở Việt Nam, nhất là trong thời gian gần đây nhưng tình hình chưa được cải thiện. Một trong những nguyên nhân là công cụ chính sách chưa đầy đủ, chưa phát huy được hiệu quả. Luật Bảo vệ Môi trường hiện tại (đã qua 3 lần sửa đổi) nhưng còn chung chung với các nguồn ô nhiễm khác nhau, chưa đi sâu và cụ thể vào quản lý ô nhiễm không khí, thiếu công cụ quản lý hiệu quả và phân tán trách nhiệm đối với các nguồn khí thải, mức xử phạt không đủ tính răn đe. Ngay một số điều đã được nêu rõ trong luật nhưng thực thi không tốt như quy định về kiểm kê khí thải, đăng ký các nguồn thải khí.
Cho đến nay vẫn không biết được có bao nhiêu cơ sở sản xuất phát thải khí thải, vẫn chưa có văn bản dưới luật quy định phương pháp kiểm kê khí thải. Do đó các địa phương chưa thực hiện kiểm kê khí thải, vẫn không biết những nguồn ô nhiễm nào là chính để có các chính sách kiểm soát cần thiết. Đầu tư về nguồn lực tài chính và con người cho hệ thống quan trắc không khí, quản lý chất lượng không khí, xử lý ô nhiễm không khí là rất hạn hẹp. PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đang thiếu những định hướng cụ thể cho giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Hiện nay, công cụ giám sát, kiểm soát khí thải giao thông, đặc biệt với phương tiện cũ, khí thải từ làng nghề, cụm công nghiệp chưa được kiểm soát chặt. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi. Tuy nhiên, theo TS. Tùng, dự thảo cũng chưa có những bước đột phá để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Nhiều vấn đề chưa được làm rõ, ví dụ kiểm soát khí thải đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề thế nào?
Với các nguồn ô nhiễm nhỏ, chưa đến mức phải yêu cầu lắp quan trắc tự động thì quản lý như nào? Tại sao tiêu chuẩn phát thải, khí thải các phương tiện giao thông lại do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách? Các mức xử phạt đối với các nguồn ô nhiễm không khí có đủ tính răn đe hay chưa. “Nếu chúng ta không tạo ra được đột phá trong dự thảo luật lần này thì vấn đề ô nhiễm không khí sẽ không thể có bước cải tiến thực sự”, ông Tùng nói.