12/01/2025 lúc 06:01 (GMT+7)
Breaking News

Cần có luật về kinh tế tuần hoàn

VNHN - Trong khi kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang tạo nên sự thay đổi sâu sắc trên toàn cầu thì ở Việt Nam, đó vẫn là khái niệm nằm ngoài tầm với của phần lớn doanh nghiệp (DN). Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)...

VNHN - Trong khi kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang tạo nên sự thay đổi sâu sắc trên toàn cầu thì ở Việt Nam, đó vẫn là khái niệm nằm ngoài tầm với của phần lớn doanh nghiệp (DN). Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết, đang có những nỗ lực để xoay chuyển tình thế đó.

Ông Nguyễn Quang Vinh 

- Thưa ông, DN Việt Nam nhận thức thế nào về vai trò của KTTH đối với sự phát triển bền vững của DN? 

- Kinh tế thế giới đang dần dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang mô hình KTTH, nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế mà không tổn hại đến môi trường và xã hội trong dài hạn. KTTH cũng là giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi của mỗi nền kinh tế. Việc chuyển đổi còn giúp bảo vệ an ninh nguồn cung nguyên liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như tạo ra các cơ hội việc làm mới.

Tuy nhiên, rất nhiều DN Việt Nam vẫn còn quan niệm rằng, KTTH chỉ đơn thuần là tái chế, tái tạo các sản phẩm đã qua sử dụng. Trong khi đó, bản chất của KTTH rộng lớn hơn, bao trùm hơn, đòi hỏi sự cải biến trong từng khâu của quá trình sản xuất, bắt đầu từ nghiên cứu, thiết kế và phát triển một sản phẩm, để sản phẩm đó sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm hơn, tiêu tốn ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất và vận hành, độ bền cao hơn, có thể sửa chữa và thay thế các linh kiện, phụ kiện dễ dàng, đồng thời khi kết thúc vòng đời có thể được trở thành nguyên liệu đầu vào cho càng nhiều ngành sản xuất khác càng tốt. Vì lẽ đó, KTTH tạo ra một vòng tròn khép kín trong quy trình sản xuất, tiêu thụ, thu gom và tái sản xuất giữa các DN trong cùng ngành và giữa các ngành sản xuất.

- Hiệu quả của KTTH là có thể thấy rõ, nhưng tại sao DN Việt Nam vẫn không mặn mà với KTTH? 

- Tại Việt Nam, KTTH đã được VCCI - VBCSD đưa vào các chương trình hoạt động từ năm 2016. Trải qua các chương trình đối thoại, đào tạo, tập huấn, chúng tôi nhận thấy rằng cho đến hiện nay, thời điểm năm 2020, thông tin về KTTH phổ biến đến các DN trong nước vẫn còn khá hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, vấn đề mấu chốt là ở chính sách. 

- Cụ thể là gì, thưa ông?

- Chúng ta cần tập trung vào công tác phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các DN về KTTH. Theo đó, cần chú trọng vào chính sách quản lý, bảo vệ môi trường, chính sách tài chính, thương mại cho phép chuyển đổi các chất thải/phế thải thông thường của ngành công nghiệp này thành các loại nguyên vật liệu thứ cấp cho các ngành công nghiệp khác; chính sách hỗ trợ tăng cường chia sẻ và chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, cũng như các chính sách giúp xây dựng mạng lưới kết nối các DN đa ngành hiệu quả hơn và tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi. Xây dựng một chiến lược phát triển mô hình KTTH trong một số ngành kinh tế trọng yếu, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là bước đi cần thiết để mô hình tiến bộ này có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam.

- Phải chăng, chúng ta cần có những chính sách nhằm hỗ trợ trực tiếp cho DN ở một số ngành trọng điểm triển khai KTTH? 

- VCCI - VBCSD đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về Hỗ trợ cộng đồng DN triển khai Mô hình KTTH giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn trung hạn, Chính phủ có thể lựa chọn một số ngành kinh tế trọng yếu để triển khai thí điểm mô hình KTTH, như ngành nhựa, ngành giấy, ngành xây dựng, ngành thực phẩm… như một cách thức tạo nên bệ phóng để thực hiện Chương trình quốc gia nói trên. 

Chương trình cần đi sâu vào một số nội dung: Xây dựng Bộ chỉ tiêu chuyển đổi mô hình KTTH nhằm giúp các DN có thể tự đo lường mức độ “tuần hoàn” trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó làm cơ sở xác lập và giám sát các mục tiêu liên quan khi quyết định chuyển đổi sang mô hình này. Đây cũng có thể là công cụ phục vụ hoạt động giám sát, quản lý DN của Nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan; thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư trong các sáng kiến/dự án định hướng KTTH; nâng cao nhận thức, đào tạo cho DN về KTTH.

- Ông nhìn nhận thế nào về sự chuyển động của các cơ quan quản lý đối với lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam? 

- Tôi đánh giá cao sự nhập cuộc nhanh của các cơ quan quản lý. Không ít nơi đã lập các tổ công tác về KTTH theo hình thức hoạt động kết nối và thúc đẩy việc thực hiện mô hình này ở các DN. Chẳng hạn như, tổ công tác về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. 

Điều đáng nói, nội dung về KTTH mới đây nhất cũng đã được đưa vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020. Đó là những tín hiệu rất tích cực. 

Đối với VCCI - VBCSD, nằm trong khuôn khổ các hoạt động thúc đẩy nền KTTH tại Việt Nam, sáng kiến “Không xả thải ra thiên nhiên” được đưa vào vận hành năm 2018 giúp nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng dân cư tại địa phương và các DN hội viên; hay sáng kiến “Xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp” cũng đang được VCCI - VBCSD phối hợp đối tác quốc tế là Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Hoa Kỳ (USBCSD) triển khai. Hiện nay, VCCI - VBCSD là một trong những tổ chức được các đối tác quốc tế và chính phủ các nước như Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan xem là hạt nhân quan trọng trong việc hợp tác thúc đẩy KTTH tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Lưu Hương