26/12/2024 lúc 03:06 (GMT+7)
Breaking News

Cần cơ chế, chính sách ưu đãi cho phát triển công nghiệp công nghệ số

Công nghiệp công nghệ số (CNS) là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, tốc độ tăng doanh thu hằng năm gấp khoảng hai lần tốc độ tăng GDP cả nước. Đây cũng là ngành có thế mạnh xuất khẩu, phù hợp với năng lực, đặc thù cũng như định hướng ưu tiên phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác và phát huy được thế mạnh đó của , rất cần những cơ chế, chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này.

Công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin với sự xuất hiện hàng loạt công nghệ mới như 5G, IoT, AI, Big Data, Cloud, Blockchain. Đây là các công nghệ mang tính đột phá, tác nhân chính tạo ra chuyển đổi số và kinh tế số.

Vị trí và tiềm năng phát triển công nghiệp CNS

Những năm qua, công nghệ số đã cách mạng hóa hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống, thay đổi cách chúng ta giao tiếp, làm việc, học tập, giải trí và truy cập thông tin. Công nghệ số giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và toàn cầu hóa, nhưng cũng phát sinh hàng loạt thách thức mới như khoảng cách số, mối lo ngại về quyền riêng tư, hay đe dọa an ninh mạng.

Trên thực tế, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), CNS đã trở thành một trong những ngành kinh tế – kỹ thuật có quy mô lớn nhất, có tốc độ tăng trưởng nhanh; giai đoạn từ năm 2015 – 2023 tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm, đóng góp lớn cho GDP. Năm 2023, doanh thu công nghiệp CNTT đạt khoảng 138,5 tỷ USD (tăng 23% so với năm 2019 và tăng 128% so với năm 2015), trong đó doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt khoảng 127 tỷ USD (tăng 45% so với năm 2019 và 155% so với năm 2015); giá trị xuất siêu phần cứng, điện tử đạt trên 30 tỷ USD, đóng góp cho GDP đạt 726.345 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 7% GDP. Số lượng doanh nghiệp CNTT, công nghệ số đang hoạt động ước đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp; số lượng lao động trong các doanh nghiệp CNTT, công nghệ số đang hoạt động ước đạt khoảng 1,45 triệu người.

Tuy vậy, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường lớn để nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trong nước, nhưng pháp luật hiện hành cũng chưa quy định biện pháp đột phá để phát triển thị trường trong nước cho doanh nghiệp CNS, nhất là các doanh nghiệp CNS vừa và nhỏ. Trong đó, một lĩnh vực đặc thù vốn kỳ vọng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới tại Việt Nam là vi mạch bán dẫn, cũng chưa có cơ chế xứng tầm để tăng tốc. Đây là một sản phẩm phần cứng điện tử, thuộc ngành công nghiệp công nghệ số, là hạt nhân của các công nghệ tương lai như AI, 5G/6G, IoT,… và được ứng dụng trong nhiều sản phẩm kỹ thuật số như điện thoại thông minh, ô-tô.

Việc thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển công nghiệp CNS sẽ giúp khắc phục những hạn chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá; huy động mọi nguồn lực, phát triển hiệu quả tiềm năng ngành công nghiệp công nghệ số, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số-xã hội số.

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (do Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì soạn thảo) sẽ là hành lang pháp lý về công nghiệp CNS để kịp thời bổ sung, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo thuận lợi, khuyến khích đủ mạnh để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng, góp phần đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.

Dự thảo Luật nêu rõ, Nhà nước thực hiện các chính sách sau đây nhằm bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số: Ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư và các cơ chế ưu đãi khác để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số nhằm phát huy vai trò nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp khác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung chú trọng và có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư phát triển công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, chuỗi khối, thực tại ảo/thực tại tăng cường và các công nghệ số mới khác. Khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ số theo hướng bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thân thiện với môi trường, hài hoà với tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, phát triển trên thế giới. Tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghiệp công nghệ số; tăng cường chính sách đặt hàng đào tạo và thực hiện hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với cơ sở đào tạo và người học. Tạo điều kiện phát triển thị trường công nghiệp công nghệ số. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về công nghiệp công nghệ số...

Việc phát triển ngành công nghiệp CNS với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong quá trình đó, cần bổ sung cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án trong lĩnh vực công nghiệp CNS có tính chất đặc biệt quy mô lớn. Trong đó, cơ chế tài chính, ưu đãi cho công nghiệp CNS là chính sách cốt lõi để phát triển đột phá ngành công nghiệp công nghệ số trong thời gian tới…

Mặc dù đang có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp công nghệ số, nhưng lĩnh vực này của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ công nghệ số ở mức thấp, năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ mới còn hạn chế; chưa chú trọng phát triển chất lượng, thương hiệu sản phẩm dịch vụ; thiếu định hướng công nghệ và hệ sinh thái công nghệ; thiếu tài nguyên dữ liệu chất lượng và nền tảng chia sẻ, khai thác dữ liệu hiệu quả; đầu tư phát triển hỗ trợ công nghiệp công nghệ số chưa được quan tâm đúng mức….

Để có thể đối mặt với cạnh tranh và nghiên cứu phương hướng phát triển, các doanh nghiệp CNS Việt Nam cần chủ động giải quyết các vấn đề đang tồn tại như: nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, năng lực sáng tạo, năng lực thiết kế công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực AI… tiếp tục nghiên cứu - phát triển công nghệ số mới. Đây là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam do việc chuyển đổi số chỉ vừa mới được thực hiện trong những năm gần đây. Vì vậy, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ để có đủ nội lực cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực. Nhà nước cần sớm xây dựng các chính sách, hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhanh chóng cập nhật xu hướng thế giới, vươn tầm phát triển.

Trên cơ sở Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, vấn đề cơ chế, chính sách cho phát triển Công nghiệp công nghệ số cần tập trung vào các nội dung sau:

- Cần ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên chất lượng cao; hình thành các cơ sở, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại; xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ số trọng điểm, tập trung vào các công nghệ số cốt lõi; có chính sách khuyến khích các tập đoàn công nghệ đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ số tại Việt Nam.

- Khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư của xã hội kết hợp với nguồn lực đầu tư nhà nước để xây dựng, phát triển các hạ tầng công nghiệp công nghệ số như: Hệ thống thông tin về công nghiệp công nghệ số quốc gia; trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu; trung tâm/viện nghiên cứu phát triển; khu công nghệ số đảm bảo hiện đại, đồng bộ phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương.

- Có chính sách thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ các thành phần của hệ sinh thái, từ nghiên cứu, đào tạo, khởi nghiệp, sản xuất đến khi cung ứng ra thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam để từng bước hình thành một hệ sinh thái trong nước hoàn chỉnh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chính sách phát triển thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số thông qua ưu tiên đầu tư, thuê mua sắm sản phẩm, dịch vụ trong nước; phát triển thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp công nghệ số; ưu đãi cho hoạt động sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của doanh nghiệp; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ số.

- Có các chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng của ngành công nghiệp công nghệ số, trong đó chú trọng cơ chế thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chuyên nghiệp; khuyến khích, mở rộng các mô hình đào tạo mới./.

Ths. Nguyễn Văn Hoạt

...