29/11/2024 lúc 04:03 (GMT+7)
Breaking News

Cam Lâm vươn mình hướng tới đô thị sân bay mang đẳng cấp Quốc tế

Cam Lâm được biết đến như một vùng đất mang nhiều tiềm năng về du lịch, bất động sản…, được thiên nhiên ưu đãi cả về núi, rừng, sông, suối, hồ và đặc biệt là bờ biển dài 13km chạy dọc bán đảo Cam Ranh, có đầm Thuỷ Triều rộng lớn nằm giữa điều hoà khí hậu, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ với nhiều điểm đến, phong cảnh nên thơ, thú vị thu hút du khách trong và ngoài nước. Nếu xét về quy mô, huyện đang được ưu ái đứng thứ 4 về diện tích và thứ 5 về dân số trong huyện, xã, tỉnh lỵ.

Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thách thức, nhìn chung, kinh tế huyện Cam Lâm trong những năm gần đây tăng trưởng ổn định với mức tăng trưởng trung bình giá trị sản xuất giai đoạn 2015-2020 là 9,9%/năm. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng bình quân 11,43%/năm, nông – lâm – thủy sản tăng trung bình 2,16%/năm, thương mại – dịch vụ tăng trung bình 19,96%/năm. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế (giá so sánh 2010) đạt 16.517 tỷ đồng, tăng 2,95% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản tăng 8% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Ông Đỗ Minh Thạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm.

Chia sẻ với phóng viên, Ông Đỗ Minh Thạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, huyện Cam Lâm nằm giữa 2 thành phố Nha Trang và Cam Ranh dọc theo hướng quốc lộ 1A… huyện gồm 14 đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn Cam Đức và 13 xã) với diện tích tự nhiên 550,26km2, chiếm 10,5% diện tích và 8,7% dân số toàn tỉnh Khánh Hòa. Cam Lâm có tuyến giao thông huyết mạch, nằm cận kề với cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh, có đường quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam chạy qua gần với tuyến đường hải nội địa và quốc tế như Cảng Cam Ranh, Nha Trang và tương lai là cảng trung chuyển Quốc tế Vân Phong. Cam Lâm sẽ trở thành khu đô thị phát triển cùng sân bay quốc tế Cam Ranh theo quy hoạch của tỉnh Khánh Hoà.

Để có được sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua, trước hết là vai trò chỉ đạo, điều hành của UBND huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện; UBND huyện liên tục quán triệt, triển khai quyết liệt các văn bản về nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của cấp trên đến các cơ quan chuyên môn và UBND xã, thị trấn; công tác quản lý, khai thác nguồn thu tiếp tục được chú trọng gắn với đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; quyết liệt xử lý nợ thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế... góp phần đảm bảo cân đối ngân sách.

Trục đường huyết mạch của huyện Cam Lâm - Ảnh đơn vị cung cấp.

Công tác quản lý chi được điều hành theo đúng dự toán đã được HĐND thông qua, đảm bảo công khai, minh bạch, tăng chi cho đầu tư phát triển, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Việc bố trí, sắp xếp vốn theo thứ tự ưu tiên cho các dự án thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho ngành giáo dục và đào tạo đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đưa Cam Lâm trở thành đô thị hạt nhân vùng

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW 28/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ, Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Ngày 29/8/2022, UBND huyện Cam Lâm đã ban hành Quyết định số 1394/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trọng tâm, gắn với lộ trình phù hợp nhằm cùng với tỉnh Khánh Hòa thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung ương đã giao.

Toàn cảnh huyện Cam Lâm nhìn từ trên cao - Ảnh đơn vị cung cấp.

Ngày 7/9/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 1052/QĐ-TTg ngày 7/9/2022 về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Với mục tiêu quy hoạch nhằm hình thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế. Đưa Cam Lâm trở thành đô thị hạt nhân vùng, cùng với thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, khu kinh tế Vân Phong tạo thành một tổng thể hài hòa, góp phần định hình một đô thị tầm cỡ quốc tế và thu hút công dân toàn cầu.

Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, hiện nay UBND huyện Cam Lâm đang tổng hợp ý kiến cộng đồng về đồ án Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm. Việc thực hiện các bước tiếp theo sẽ thực hiện sau khi đồ án Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Khu tưởng niệm các chiến sỹ Gạc Ma tại Cam Lâm – Là công trình lịch sử mang tầm vóc quốc gia - Ảnh đơn vị cung cấp.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương lập quy hoạch huyện Cam Lâm theo tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một bộ phận nhân dân còn e ngại vấn đề về lập và triển khai quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch chậm thực hiện ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Một số dư luận, phản ánh trong nhân dân có so sánh sự khác biệt nội dung thống kê, kiểm kê giai đoạn hiện này so với các kỳ trước; tâm lý lo sợ bị nhà nước thu hồi đất; ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống sinh hoạt khi dự án được thực hiện; quan tâm đến các chính sách về chuyển đổi nghề nghiệp, đền bù, hỗ trợ và tái định cư... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung của huyện.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, trên địa bàn huyện Cam Lâm còn bảo tồn và lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử với khoảng 28 di tích, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia (Chùa Linh Sơn và Mộ Yersin tại xã Suối Cát), 04 di tích cấp tỉnh (Đình Cam Tân, Đình Thủy Triều, Đình Cửu Lợi và Đồn Cửu Lợi). Nhiều di tích lịch sử đang trong giai đoạn khảo sát thống kê sắp xếp và đề nghị công nhận. Đặc biệt địa bàn xã Suối Cát có núi Hòn Bà với khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà trên độ cao 1.500m, có khí hậu mát mẻ, với nhiều loại cây quý hiếm, nơi lưu giữ các di tích về cuộc đời và hoạt động của nhà bác học Yersin thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, thể thao leo núi.

Đầm Thủy Triều, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Cam Lâm - Ảnh đơn vị cung cấp.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 559 ngày 16/4/2021 và Quyết định số 1497 ngày 20/9/2021 nhằm cụ thể hóa các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

Tuy nhiên việc triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của tỉnh Khánh Hòa nói chung và huyện Cam Lâm nói riêng. Các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, nhiều lao động phải nghỉ luân phiên hoặc mất việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân gặp khó khăn. Từ đó dẫn đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao trên địa bàn huyện không đạt chỉ tiêu, nhất là các năm 2020 và 2021 như các chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, chỉ tiêu về giá trị sản xuất các ngành kinh tế,...

UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo kịp thời, các chế độ, chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được thực hiện đầy đủ.

Những giải pháp thiết thực

Để duy trì những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngay từ đầu năm, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022 trên địa bàn huyện với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 như Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương MTQG giảm nghèo. Qua đó tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, xóa đói giảm nghèo.

Nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ dân trí một cách toàn diện - Ảnh đơn vị cung cấp.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng đa dạng hoá, gia tăng giá trị và hiệu quả; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả, phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế biển, đô thị ven biển.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; đẩy mạnh chế biến nông sản, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, gắn phát triển nông nghiệp du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.

Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Phát triển giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ dân trí một cách toàn diện, tăng cường đầu tư các nguồn lực để phát triển giáo dục ở các địa bàn khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; phát triển y tế, văn hóa – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh đơn vị cung cấp.

Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.

Tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, ưu tiên các vùng khó khăn, miền núi. Nâng cao hiệu quả đầu tư, tích hợp một số chương trình đầu tư đang triển khai trên địa bàn nông thôn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực con người và khoa học – công nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.

Xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn; thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị, năng lực, uy tín, tính chuyên nghiệp cao trong phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, kết nối các mô hình quản lý và cung cấp dịch vụ theo hướng thông minh; hoàn thiện hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối liên thông với các hệ thống, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; từng bước nâng cấp, khai thác có hiệu quả các ứng dụng, dịch vụ trực tuyến phục vụ tốt nhất cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp./.

Nguyễn Hương - Võ Hà