Hai cuốn sách “Nhân dân, quyền lực và lợi nhuận” và “Cái giá của sự bất bình đẳng” của Giáo sư kinh tế học Joseph E. Stiglitz đề cập đến những vấn đề nổi bật trong đời sống kinh tế, xã hội, những vấn đề về bất bình đẳng tại Mĩ.
Nếu trong cuốn sách Nhân dân, quyền lực và lợi nhuận, người Mĩ đều cảm nhận được rằng nền kinh tế quốc gia - và cả chính phủ - đều nghiêng về phía các công ti lớn, nhưng theo Joseph E. Stiglitz tình hình còn thảm khốc hơn. Một số tập đoàn lớn đến mức thống trị hoàn toàn một lĩnh vực kinh tế, góp phần gia tăng bất bình đẳng và giảm tốc độ tăng trưởng. Độc quyền chính là cách ngành tài chính sử dụng để tự viết nên các quy định điều tiết, các công ti công nghệ dùng để thu thập thông tin cá nhân không bị giám sát, và chính phủ Mĩ đàm phán những thỏa thuận kinh doanh không đại diện cho lợi ích của người lao động. Quá nhiều kẻ kiếm lợi bằng cách bòn rút của cải thay vì tạo ra của cải. Nếu không có các chính sách mạnh tay hơn, sự phát triển của công nghệ mới sẽ còn làm gia tăng thêm tình trạng bất bình đẳng và thất nghiệp, và khiến tình cảnh của người dân ngày càng tồi tệ hơn.
Với Nhân dân, quyền lực và lợi nhuận, Stiglitz cho thấy một thế giới thay thế là hoàn toàn khả thi, và hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể đảo ngược lộ trình thảm khốc này.
Theo tác giả, “Trump không có kế hoạch để giúp đất nước này; ông ta có kế hoạch để những người ở trên đỉnh tiếp tục bóc lột phần đa số còn lại. Cuốn sách này chỉ ra rằng chương trình nghị sự của Trump, và chương trình nghị sự của Đảng Cộng hòa, có nhiều khả năng khiến mọi vấn đề xã hội chúng ta đang đối mặt trở nên tồi tệ hơn - gia tăng cách biệt kinh tế, chính trị, và xã hội; giảm tuổi thọ trung bình; làm trầm trọng hơn tình hình tài chính quốc gia và đưa đất nước này vào một thời kì tăng trưởng chậm hơn kéo dài...”
Trong khi đó, ở cuốn sách Best Sellers được tờ New York Times bình chọn - Cái giá của sự bất bình đẳng, Stiglitz trình bày nhóm 1% giàu có nhất nắm giữ 40% của cải của nước Mĩ. Tác giả lí giải trong cuốn sách phê bình bán chạy nhất này, mức độ bất bình đẳng như vậy là không thể tránh khỏi. Thực tế, trong nhiều năm gần đây, nhóm tư lợi đã làm giàu bằng cách bóp nghẹt chủ nghĩa tư bản năng động thực sự và khiến nước Mĩ không còn là miền đất của cơ hội như trước đây. Họ đã biến nước Mĩ trở thành quốc gia phát triển bất bình đẳng nhất, đồng thời kìm hãm tăng trưởng, bóp méo các cuộc tranh luận về các chính sách quan trọng và gây chia rẽ xã hội.
Theo Yvonne Roberts của tạp chí Guardian (Anh) “Trong Cái giá của sự bất bình đẳng, Joseph E. Stiglitz mô tả một cách sống động quyền lực tràn lan và lòng tham vô đáy đang đào mồ chôn cho giấc mơ nước Mĩ như thế nào... Xuyên suốt cuốn sách, Stiglitz bác bỏ một cách bài bản và sôi nổi (gần như vui mừng) những quan niệm sai lầm được dùng làm luận cứ cho “chủ nghĩa tôn sùng thâm hụt” và nguyên tắc khổ hạnh... Cái giá của sự bất bình đẳng là một lời kêu gọi khẩn thiết phải thực hiện theo những gì mà Alexis de Tocqueville gọi là ‘tư lợi được hiểu một cách đúng đắn’”.
Trong cuốn sách này, Stiglitz không chỉ giải thích cách thức và lí do vì sao tình trạng bất bình đẳng ở Mĩ lại gây bất lợi cho nền kinh tế mà còn phơi bày những hệ lụy của nó đối với nền dân chủ và hệ thống công lí của quốc gia, đồng thời phân tích các chính sách tiền tệ, chính sách ngân sách và quá trình toàn cầu hóa đã góp phần làm gia tăng bất bình đẳng như thế nào. Với kiến thức chuyên sâu, ông đã chẩn đoán tình trạng suy yếu của nước Mĩ, đồng thời đưa ra tầm nhìn về một tương lai công bằng và thịnh vượng hơn.
JOSEPH E. STIGLITZ: Giáo sư kinh tế học tại Đại học Columbia, từng đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc và chuyên gia phân tích kinh tế chính của Ngân hàng Thế giới. Ông giành giải John Bates Clark năm 1979 và giải Nobel Kinh tế năm 2001.
Ông là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất như Freefall, Globalization and Its Discontent, Making Globalization Work, và The Three Trillion Dollar War (Linda Bilmes là đồng tác giả).
Phan Nhàn