20/04/2024 lúc 04:15 (GMT+7)
Breaking News

Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh là một trong những địa phương bắt nhịp với mô hình tăng trưởng kinh tế mới tương đối nhanh, luôn đạt được tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những địa phương dẫn đầu về công nghiệp hoá - hiện đại hoá, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng và phát triển của Quảng Ninh cũng bộc lộ không ít những bất cập trong chất lượng tăng trưởng. Do đó, việc nghiên cứu tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, từ đó tìm ra giải pháp cải thiện chất lượng tăng trưởng có vai trò quan trọng để Quảng Ninh hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh. Trong những năm qua, Quảng Ninh là một trong những địa phương phát triển nhanh, luôn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, về khía cạnh chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thì nền kinh tế của Quảng Ninh cũng còn không ít bất cập, đặc biệt là về năng suất lao động, đổi mới sáng tạo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

Giai đoạn 2010 - 2022, Quảng Ninh được coi là một trong những tỉnh có bước đột phá lớn, vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đó chính là thành quả của việc linh hoạt thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đáp ứng được nhu cầu phát triển cho địa phương trong từng giai đoạn phát triển. Giai đoạn trước năm 2010, nền kinh tế của tỉnh Quảng Ninh phần lớn dựa vào tài nguyên, cụ thể là than đá và tiềm năng du lịch sẵn có. Tuy nhiên, Quảng Ninh sớm nhận thấy, tình trạng khai thác quá mức than đá dẫn đến những vấn nạn cạn kiệt nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường…; du lịch nếu chỉ dựa vào những yếu tố sẵn có mà không có những biện pháp khai thác và bảo vệ đồng bộ, hiệu quả, thì không thể phát triển lâu dài và bền vững.

Từ năm 2010, Quảng Ninh bắt đầu có những bước đổi mới trong việc xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ngoài việc dựa vào nguồn tài nguyên có sẵn, tỉnh Quảng Ninh đã kết hợp những điểm mạnh của nhiều mô hình tăng trưởng kinh tế, lấy “phát triển bền vững” làm mục tiêu quan trọng nhất.

Giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện nền kinh tế theo mô hình mới dựa vào vốn nhân lực, hay còn gọi là tăng trưởng kinh tế nội sinh, theo đó tập trung đầu tư cho máy móc, thiết bị và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sau đó là đầu tư cho con người và tri thức. Đây được coi là mô hình phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện của tỉnh Quảng Ninh.

Với việc áp dụng mô hình này, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng trong giai đoạn 2010 - 2015, làm tiền đề phát triển mạnh mẽ cho giai đoạn sau:

Một là, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ: Hệ thống giao thông phát triển mạnh với việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 97,4km quốc lộ; 61km tỉnh lộ; 1.290km đường giao thông nông thôn, miền núi; trở thành trung tâm sản xuất nhiệt điện, sản xuất xi măng lớn của cả nước; tỷ lệ đô thị hóa cao, đạt 64% (cả nước là 33,7%) với 4 thành phố và 2 thị xã.

Hai là, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung phát triển nguồn nhân lực: Cử 6.696 lượt cán bộ đi đào tạo, 23.955 lượt cho cán bộ, đảng viên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước; 3.633 lượt cán bộ thôn, bản đi đào tạo, bồi dưỡng; đã thực hiện việc đưa cán bộ, giáo viên, bác sĩ đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách tỉnh. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”; thành lập Trường Đại học Hạ Long và bắt đầu tuyển sinh năm 2015. Số lượng thạc sĩ, tiến sĩ trong tỉnh năm 2015 tăng gấp 2,33 lần so với năm 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63% (năm 2010 là 48%). Chuyển đổi cơ cấu lao động đã đóng góp đáng kể vào tăng năng suất lao động xã hội của tỉnh, trung bình cả giai đoạn 2010 - 2015 tăng 12,4%, trong đó lao động trong lĩnh vực dịch vụ có mức tăng cao nhất là 17,1%/năm.

Ba là, tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững: Tổng vốn đầu tư xã hội đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với nhiệm kỳ trước. Chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tăng cường tự chủ, mở rộng xã hội hóa; triển khai 55 công trình áp dụng hình thức đối tác công - tư (PPP). Tỷ trọng dịch vụ tăng từ 39,3% lên 43,4%, trong khi công nghiệp giảm từ 53,4% xuống 50,6%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2,5 tỷ USD; vốn đầu tư trong nước đạt trên 4 tỷ USD. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ vị trí thứ 20 được nâng lên và duy trì trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước và đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, văn hóa- xã hội và an sinh xã hội cũng được chú trọng. Nhiều chỉ tiêu đạt cao so với bình quân chung của cả nước, như: Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 70% (cả nước 37,7%); đạt tỷ lệ 12 bác sĩ/vạn dân (bằng 1,6 lần bình quân cả nước); 36 giường/vạn dân (gấp gần 2 lần bình quân cả nước)…

Tuy nhiên, giai đoạn này, tỉnh Quảng Ninh mới bước vào giai đoạn thử nghiệm để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, do đó, công tác quản lý cũng như triển khai thực hiện vẫn còn không ít hạn chế.

Giai đoạn 2015 - 2022, tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, xây dựng mô hình tăng trưởng xanh. Đó là sự phát triển giữ được sự kết hợp cân đối, hài hoà trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Với mô hình này, Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng), giảm dần việc dựa vào các yếu tố không bền vững như tài nguyên thiên nhiên hữu hạn và tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hoá, truyền thống lịch sử và trí tuệ con người để phát triển.

Tuy nhiên, giai đoạn 2015 - 2022, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” chủ yếu vẫn theo chiều rộng, nhiều ngành, lĩnh vực chưa theo chiều sâu và chưa thực sự bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh

TFP (Total factor productivity - Năng suất nhân tố tổng hợp) là chỉ tiêu tương đối phù hợp và bao trùm, phản ánh hiệu quả sử dụng các nguồn lực vào sản xuất, hiệu quả do thay đổi công nghệ và các nhân tố tổng hợp vô hình khác, như: thể chế kinh tế, yếu tố thị trường, cơ chế quản lý, trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả sử dụng nguồn lực vốn đầu tư, lợi thế so sánh…

Vận dụng vào điều kiện cụ thể của tỉnh Quảng Ninh, các yếu tố điển hình tác động đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh bao gồm: thể chế kinh tế, cơ chế quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ nhất, đối với thể chế kinh tế: Từ năm 2011, nhận thức được những hệ quả của nền kinh tế chỉ dựa vào nguồn vốn vật chất, tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách thay đổi và đạt được những hiệu quả nhất định trong tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tập trung vào việc đào tạo tay nghề chuyên môn và khả năng ngoại ngữ của lực lượng lao động và đội ngũ lãnh đạo. Ngoài ra, tỉnh quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ, thể hiện qua nhiều nghị quyết lớn, đặt ra mục tiêu dành trên 2% tổng vốn đầu tư xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ; các địa phương bố trí tối thiểu 4% chi ngân sách thường xuyên cho hoạt động này. Đến nay, các mục tiêu đặt ra đều đã được hoàn thành, ưu tiên đầu tư khoa học - công nghệ vào xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới…

Để mở đường về thể chế chuyển đổi số theo định hướng của Đảng, Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đang được triển khai với ba trụ cột chính là: chính quyền số - kinh tế số và xã hội số. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP…

Thứ hai, cơ chế, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế: Tỉnh Quảng Ninh tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, mở các lớp tập huấn, đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh vừa có đức, vừa có năng lực chuyên môn sâu trên các lĩnh vực. Đồng thời, chú trọng xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu. Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp chủ yếu được đo qua những chỉ số, như: chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAR Index (cải cách hành chính), SIPAS (sự hài lòng của người dân) và PAPI (hiệu quả nền quản trị và hành chính công cấp tỉnh). Quảng Ninh đã có cả 4 chỉ số, trong đó 3 chỉ số đều đứng thứ nhất, riêng PAPI trước đây xếp thứ 62/63 thì đến năm 2020 đã vươn lên vị trí dẫn đầu.

Thứ ba, hiệu quả thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư: Giai đoạn 2010 - 2022, tỉnh Quảng Ninh đã thành công trong việc thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân, trong đó có việc thu hút vốn FDI. Tỷ lệ vốn trong khu vực nhà nước có xu hướng giảm dần và tỷ trọng của vốn ngoài nhà nước, trong đó có vốn FDI liên tục tăng. Về hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, giai đoạn 2011 - 2021, hệ số ICOR của tỉnh đã giảm từ 6,8% còn 4,34%, nghĩa là lượng vốn cần để tạo ra một đơn vị sản lượng đã giảm xuống. So với giai đoạn 2001 - 2010, hệ số ICOR có mức giảm gần 2 lần, cho thấy tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách hiệu quả hơn trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực: Giai đoạn 2010 - 2015, lao động phổ thông vẫn có nhiều không gian để có cơ hội việc làm, nên tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 51% vào năm 2011. Tại thời điểm này, chất lượng lao động là điểm yếu trong mô hình tăng trưởng của Quảng Ninh khi trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề chưa bảo đảm chất lượng, nên nhiều lao động sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được trình độ tay nghề của chủ sử dụng.

Trong giai đoạn 2016 - 2022, với cầu lao động tăng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể. Tính đến năm 2017, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 194.843 lao động, bình quân đạt 2,79 vạn lao động/năm so với kế hoạch hằng năm là 2,6 vạn lao động, đạt 107% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII đề ra. Hoạt động vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm đã thực hiện cho vay 7.823 dự án, với doanh số cho vay đạt 207,096 tỷ đồng, qua đó tạo việc làm cho 10.348 lao động, có trên 900 lao động đã đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sau 10 năm, đến năm 2020, quy mô lao động tỉnh Quảng Ninh tăng cả về số lượng và chất lượng, có 85% lao động đã qua đào tạo…

Một số giải pháp cải thiện chất lượng tăng trưởng nền kinh tế của Quảng Ninh

Từ các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng, có thể rút ra một số vấn đề đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh:

Một là, chất lượng tăng trưởng kinh tế là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia cũng như mỗi địa phương. Đây là vấn đề đòi hỏi phải có sự chuyển biến đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp lãnh đạo, các ngành và doanh nghiệp. Tuy nhiên, có giai đoạn, nhận thức về vấn đề trên trong các cấp, các ngành còn chậm hoặc thiếu sự thống nhất, đồng bộ; từ nhận thức chuyển biến thành hành động càng có khoảng cách xa.

Hai là, các chính sách nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế cần có sự nghiên cứu bài bản, chuyên sâu, mang tính thực tiễn và có hiệu lực, hiệu quả cao trong thực thi, đồng thời phải gắn với lợi thế và trình độ phát triển kinh tế từng giai đoạn. Tuy nhiên, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu l‎ý luận về vấn đề trên còn hạn chế.  

Ba là, việc chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế theo hướng bền vững, chạy theo lợi ích ngắn hạn trong phát triển kinh tế đã gây nhiều tổn thương đến môi trường sinh thái của tỉnh.

Bốn là, mâu thuẫn giữa tiềm năng lớn chưa được giải phóng toàn diện với một số thể chế, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, giữa yêu cầu phát triển cao với các nguồn lực có hạn về nhân lực, vật lực, giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng, đô thị hóa nhanh với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn…, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng và chưa khơi thức hết các giá trị tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh mà những địa phương khác không có hoặc không đủ mạnh.

Năm là, mâu thuẫn giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của đại dịch COVID-19 chưa lường trước được. Những điểm yếu trên cho thấy giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa có sự đồng đều, tương xứng với nhau. Thậm chí, có những mặt đã gây ra những mâu thuẫn khó tháo gỡ, tạo rào cản cho quá trình đi lên.

Trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng, các vấn đề đặt ra đối với việc phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới, để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh theo Luật Quy hoạch, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh cần có một chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, đồng bộ. Theo Luật Quy hoạch năm 2017, các quy hoạch theo ngành hàng, quy hoạch hạ tầng thương mại… sẽ hết hiệu lực và phải tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, để có cơ sở triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh cần khẩn trương triển khai thực hiện ngay quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt. Trên cơ sở mục tiêu, các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, định hướng phát triển các ngành đã được phê duyệt, tỉnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành kinh tế theo đúng hướng để đạt mục tiêu đã đề ra. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tập trung hỗ trợ các giải pháp thực hiện mô hình kinh tế chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ ba, xây dựng chính quyền liêm chính, thực sự “của dân, do dân và vì dân”, phù hợp với từng khu vực thành thị, nông thôn. Bộ máy chính quyền các cấp liêm chính, vì nhân dân phục vụ là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng của Quảng Ninh.

Thứ tư, hoàn thiện mô hình tăng trưởng kinh tế. Mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” là một mô hình hiện đại, hiệu quả, phù hợp với tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn hiện nay, cũng như tầm nhìn dài hạn, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Nếu giai đoạn 2010 - 2020 mang tính thử nghiệm, thì đến giai đoạn 2020 - 2030 là thời điểm triển khai toàn diện mô hình này, quyết định đến sự thành công của chiến lược nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Thứ năm, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sản xuất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, từng bước hướng đến phát triển kinh tế số. Cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ đơn thuần là việc thu hẹp ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp nặng, đẩy mạnh tỷ trọng công nghiệp chế biến tinh, năng lượng sạch và dịch vụ, đặc biệt là thương mại và du lịch, mà còn cần tập trung vào quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả những nguồn lực kinh tế, tập trung nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp TFP, ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào đa ngành nghề, lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số và xây dựng đô thị thông minh. Ngoài ra, tỉnh cũng cần nâng cấp hiệu quả của khu vực công, đồng thời, phát triển doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ từ khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Nhân lực là chìa khoá để nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của tỉnh, là một trong ba khâu đột phá quan trọng. Cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng, ưu tiên các ngành, nghề đang thiếu, như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ…, đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp. Sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền. Tỉnh cần quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện lộ trình hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, thực hiện cơ chế tự chủ đối với một số trường phổ thông tại các đô thị lớn nơi có điều kiện. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường; đặc biệt cần có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài có hiệu quả để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Nguyễn Anh Tú 

Đại học Thương Mại 

...