VNHN - Trong 2 ngày 30 và 31/10, bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung từ: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã làm hàng chục tàu thuyền đứt neo trôi dạt, cây cối ngã đổ, nhà cửa đổ sập. Hiện tại bão số 5 đã làm một người chết, một người mất tích.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, bão số 5 đã làm một người chết, một người mất tích; danh tính nạn nhận được xác định là ông Nguyễn Văn L. (SN 1979). Cụ thể, vào ngày 30/10, ông L. đi xe máy từ xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định (đang ở nhà vợ) để về quê thăm người thân ở thôn 1, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Trong đêm cùng ngày, ông L. lại di chuyển xe máy từ Phú Yên về lại Bình Định, khi đến đoạn cầu Suối Kỷ thuộc thôn Lãnh Trường, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên thì không may bị rơi xuống cầu và tử vong sau đó.
Tại tỉnh Quảng Ngãi;
Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TCKN) tỉnh Quảng Ngãi, tính đến chiều 31/10, mưa bão đã làm 1 người mất tích và 12 người bị thương; 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 575 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng và gần 300 ha rau màu bị ngập úng, hư hỏng .
Các lực lượng chức năng đang cứu thành công ra khỏi nạn nhân giữa dòng nước lũ tại Quảng Ngãi
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa hoàn lưu bão số 5 nên khu vực Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa từ 4h ngày 30/10 đến 13h ngày 31/10 phổ biến từ 250- 370 mm, một số nơi mưa to hơn như Sơn Giang: 373mm, Trà Câu: 365mm.
Nhiều sông ở tỉnh Quảng Ngãi lũ đã vượt mức báo động 3.
Hiện nay, lũ trên các sông trong tỉnh Quảng Ngãi đang lên. Mực nước lúc 13h chiều 31/10 trên các sông đều ở mức cao. Sông Trà khúc tại trạm Trà Khúc là 5,98m, dưới mức báo động 3 là 0,52m; sông Vệ tại trạm sông Vệ là 4,91m; trên mức báo động 3 là 0,41m; sông Trà Câu tại trạm Trà Câu là là 5,61m, trên mức báo động 3 là 0,11m.
Nhiều người dân bất chấp nguy hiểm vẫn đi xe máy chạy qua vùng nước lũ tại cầu Rin huyện Sơn Hà
Dự báo trong 6 giờ tới, lũ trên các sông trong tỉnh tiếp tục lên. Mực nước trên các sông trên có khả năng lên. Tại các địa bàn các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành bắt đầu bị ảnh hưởng, ngập lụt từ 0,5-1,5m.. Hiện các địa phương đang tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và sẵng sàng tổ chức di dời, sơ tán dân theo phương án đã phê duyệt (tập trung vào khu vực dân cư có nguy cơ bị ngập sâu hoặc sạt lở). Trong đó, huyện Ba Tơ đang chỉ đạo di dời 29 hộ dân ở xã Ba Giang ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở; huyện Đức Phổ đang tổ chức di dời 82 hộ ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh đến nơi an toàn. Theo kế hoạch sẽ tiếp tục di dời 697 hộ trong vùng có nguy cơ ngập sâu.
Bình Định thiệt hại ước tính sơ bộ 400 tỷ đồng
Toàn tỉnh Bình Định có 144 căn nhà bị sập; trong đó có 13 căn nhà dân sống cạnh tuyến kè biển xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) bị nước biển cuốn trôi. Ngoài ra, còn có 333 căn nhà và 50 phòng học khác bị hư hỏng...
Bình Định có 2.000m kè biển xã Nhơn Hải bị sóng biển làm hư hại, trong đó 600m bị nước biển cuốn sập hoàn toàn.
Thông tin trên được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết tại buổi họp đánh giá sơ bộ tình hình thiệt hại do cơn bão số 5 (Matmo) gây ra trên địa bàn tỉnh này sáng 31/10.
Nhiều căn nhà dân sống cạnh tuyến kè biển xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) bị nước biển cuốn trôi.
Ngoài thiệt hại nêu trên, Bình Định có 2.000m kè biển xã Nhơn Hải bị sóng biển làm hư hại, trong đó 600m bị nước biển cuốn sập hoàn toàn. Hệ thống điện có 34 cột cao thế, 22 cột hạ thế bị gãy đổ; 10km đường dây điện và 20km cáp quang bị đứt; hàng loạt cây xanh bị bật gốc, gãy đổ trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước.
Ngay sau bão số 5, công nhân điện lực Bình Định đã kiểm tra, khắc phục sự cố cung cấp điện cho khách hàng trên địa bàn.
Cùng với những thiệt hại trên đất liền, toàn tỉnh Bình Định còn có 45 tàu thuyền đánh cá của ngư dân bị va đập hư hỏng; hàng loạt tàu hàng và tàu cá khác bị sóng biển đánh trôi dạt nhưng đã kịp thời ứng cứu, khắc phục. Thống kê đến hôm nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 2 người bị thương do bão số 5 gây ra. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 400 tỉ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhờ chủ động các phương án phòng, tránh và di dời dân nên tỉnh Bình Định đã tránh được thiệt hại về người, đồng thời giảm thiểu thiệt hại vật chất do cơn bão gây ra. Hiện tại, các ban, ngành, đơn vị cùng người dân trong tỉnh đang khẩn trương khắc phục thiệt hại, dọn dẹp môi trường, ổn định cuộc sống; đồng thời chuẩn bị các phương án ứng phó mưa lớn sắp tới.
Hiện Tổng Công ty Điện lực miền Trung cũng đã cử lực lượng vào phối hợp cùng Điện lực Bình Định khắc phục sự cố, dựng lại các trụ bị gãy đổ, sửa chữa hệ thống đường dây để cung cấp điện nhanh nhất cho sinh hoạt và sản xuất.
Tại Phú Yên thiệt hại về nhà cửa, tài sản, hoa màu:
Theo số liệu cập nhật mới nhất vào chiều 31/10, riêng tỉnh Phú Yên có 8 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, 14 nhà thiệt hại từ 30 - 50%, 12 nhà thiệt hại dưới 30%; hơn 100 ha lúa, hoa màu của người dân bị ngập úng và ngã đổ; 19 tàu thuyền của ngư dân bị chìm và hư hỏng do sóng va đập. Hàng nghìn hộ dân bị mất điện chiếu sáng.
Theo số liệu cập nhật mới nhất vào chiều 31/10, riêng tỉnh Phú Yên có 8 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, đây là một trong 8 ngôi nhà bị sập đổ.
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thiệt hại bởi cơn bão số 05 gây ra vào chiều và đêm ngày 30/10/2019 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, hiện không có thiệt hại về người; đối với tài sản có 08 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 14 nhà thiệt hại từ 30-50%; 12 nhà thiệt hại dưới 30%. Diện tích lúa mùa vụ 10-12ha bị ngập, ngã đổ 40ha; diện tích hoa màu khác bị ngập úng, hư hỏng 30ha;
Hiện tại bão số 5 đã phá hủy nhiều tuyến đường tại một số tỉnh Nam Trung Bộ
Theo ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa, tính đến thời điểm chiều 31/10, do ảnh hưởng bão số 5 đã gây mất điện 283 Trạm biến áp phụ tải khiến người dân 2 huyện Vạn Ninh và Cam Lâm mất điện.
Tất cả các tour du lịch đến Khánh Hòa trong các ngày 29, 30 và 31/10 đều phải hủy. Hiện nay, bão số 5 tạm thời đã tan, tuy nhiên nhiều địa phương tại các tỉnh miền Trung vẫn còn mưa lớn, dễ gây lũ quét và sạt lở. Nhiều địa phương cũng đang tích cực huy động lực lượng khắc phục hậu quả do bão số 5 gây ra, đồng thời tăng cường phòng chống mưa lớn và lũ quét.
Trong sáng 31/10, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 4 tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa về việc ứng phó với bão số 5 và hoàn lưu sau bão.
Tại hội nghị trực tuyến trên, Phó Thủ tướng biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc tích cực thực hiện nghiêm Công điện số 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về ứng phó với bão số 5, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực tế của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác phối hợp, giúp đỡ, hướng dẫn việc khắc phục hậu quả của bão số 5 và hoàn lưu sau bão, trong đó tập trung hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, điện, đường, trường học, các cơ sở y tế, các công trình đê, kè bị ảnh hưởng, hư hỏng. Theo dõi chặt chẽ mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt chú ý các hồ nhỏ.19 tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng, sạt lở đất đá ở kênh mương, đập và công trình thủy lợi với khối lượng 1.020m3.
Các cấp chính quyền địa phương khẩn trương tập trung triển khai công tác khắc phục hậu quả của thiên tai sau bão, kịp thời nhanh nhất; quán triệt người dân không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác sau bão, lũ gây nên những thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết sau bão có khả năng mưa lớn gây ra lũ và ngập lụt, cần chủ động các phương án di dời, sơ tán dân ở những vùng trũng thấp, vùng bị ngập lụt, cô lập, chia cắt đến nơi an toàn khi có thiên tai lũ lụt xảy ra. Các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của ngành khẩn trương tiến hành sửa chữa khắc phục, những sự cố hư hỏng công trình sau thiên tai nhằm ổn định cuộc sống và sản xuất của nhân dân./.