19/12/2024 lúc 18:16 (GMT+7)
Breaking News

Các địa phương gấp rút chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới ở lớp 2 và lớp 6

Năm học 2021 – 2022 là năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 2 và lớp 6, khâu chuẩn bị về đội ngũ giáo viên giảng dạy ở hai lớp học này đang được đặc biệt quan tâm. Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác bồi dưỡng giáo viên vẫn được đẩy mạnh.

Năm học 2021 – 2022 là năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 2 và lớp 6, khâu chuẩn bị về đội ngũ giáo viên giảng dạy ở hai lớp học này đang được đặc biệt quan tâm. Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác bồi dưỡng giáo viên vẫn được đẩy mạnh.

Bên cạnh sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên sẵn sàng cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2, 6 cũng đang được các địa phương tích cực thực hiện theo các hình thức trực tiếp và trực tuyến, với nhiều nội dung khác nhau.

Công tác tập huấn GV theo hình thức trực tuyến (ảnh minh họa)

Nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới với lớp 2 và lớp 6, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện đồng bộ giải pháp bồi dưỡng giáo viên. Khác với học sinh lớp 2 đã có năm lớp 1 làm quen với Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các em lớp 6 đã trải qua 5 năm bậc tiểu học học theo chương trình cũ. Sự thay đổi này sẽ khiến thầy, trò cũng như các bậc phụ huynh không tránh khỏi bỡ ngỡ. Do đó, đối với bậc THCS, cụ thể với giáo viên lớp 6, Sở GD-ĐT Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị, nhà trường tổ chức cho toàn thể cán bộ quản lý và giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung Chương trình mới.

Bên cạnh đó, Sở cũng mời Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể và các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm tập huấn cho cán bộ quản lý về Chương trình và định hướng đổi mới, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong tỉnh cơ bản đã bảo đảm về số lượng, được tập huấn đầy đủ về nội dung Module 1, 2 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và nội dung giáo dục STEM, sẵn sàng thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới...

Cũng như tỉnh Hòa Bình, công tác chuẩn bị đội ngũ giảng dạy chương trình mới của các địa phương trên toàn quốc đến nay cũng đã hoàn tất. Theo các Sở GD-ĐT, việc rà soát, lập danh sách giáo viên chuẩn bị dạy lớp 2, lớp 6 cho năm học tới, bồi dưỡng giáo viên cốt cán, tập huấn giáo viên đại trà cho các bậc học theo chuẩn Module của Bộ GD-ĐT đã được thực hiện khẩn trương, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, thích ứng với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Sau khi việc chọn sách giáo khoa được hoàn thành và công bố, các Sở GD-ĐT cũng đã tập huấn, bồi dưỡng sách giáo khoa cho giáo viên giảng dạy lớp 2, lớp 6, tập huấn về các phương pháp, kỹ thuật dạy học...

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, từ thực trạng và nhu cầu của đội ngũ giáo viên, đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, ngoài việc tổ chức cho 100% giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tự bồi dưỡng dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của đội ngũ cốt cán trên hệ thống LMS, Sở đã phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho từng nhóm đối tượng theo lộ trình thực hiện của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Và đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cũng cho hay, sau các lớp bồi dưỡng trực tuyến giáo viên về sử dụng sách giáo khoa, giữa tháng 7 vừa qua, Sở cũng đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên, cán bộ quản lý tiểu học về phương pháp, kỹ thuật dạy học đối với các môn học ở lớp 1, lớp 2. Theo đó, chương trình tập huấn, bồi dưỡng với 8 lớp tương ứng các môn học gồm Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tự nhiên-Xã hội, Giáo dục thể chất và Hoạt động trải nghiệm. Trong quá trình tập huấn, giáo viên được các báo cáo viên giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch bài dạy theo dạng bài/chủ đề học tập, báo cáo kết quả theo nhóm trước lớp để cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm...

Chương trình GDPT mới đòi hỏi mỗi nhà trường phải có đội ngũ giáo viên chất lượng. Vậy nên, muốn đổi mới giáo dục trước tiên tư duy và cách dạy của người thầy cũng cần thay đổi, bởi vậy việc bồi dưỡng giáo viên để thích ứng với chương trình mới cần đi trước 1 bước.