13/01/2025 lúc 12:34 (GMT+7)
Breaking News

Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ ý kiến về việc bổ sung vi chất cho sữa học đường

VNHN - Ý kiến từ đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia và chuyên gia dinh dưỡng cho thấy, việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường theo Thông tư số 31/2019/TT-BYT của Bộ Y tế mới ban hành là cần thiết.

VNHN - Ý kiến từ đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia và chuyên gia dinh dưỡng cho thấy, việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường theo Thông tư số 31/2019/TT-BYT của Bộ Y tế mới ban hành là cần thiết.

Ảnh minh họa

Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường sẽ góp phần tăng trưởng về cân nặng, tăng trưởng chiều cao cho trẻ em

Từ năm 2006, WHO và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của LHQ (FAO) đã ban hành hướng dẫn tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, trong đó có hướng dẫn cụ thể tăng cường các vitamin và khoáng chất vào sữa, áp dụng trên toàn thế giới.

Tiếp đó, năm 2016, WHO đã ban hành hướng dẫn sử dụng đa vi chất dinh dưỡng cho trẻ em trên toàn cầu. Đồng thời, Bộ Y tế đã công nhận và ban hành Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016.

Về vấn đề này, ThS.BS Trần Khánh Vân, Phó trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã ảnh hưởng tới suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em.

Bà Trần Khánh Vân nhấn mạnh, có khoảng 40 vi chất dinh dưỡng cơ thể không tự tổng hợp được mà phải lấy từ thức ăn, trong đó có 21 vi chất mà trẻ em nước ta cũng như trẻ em các nước Đông Nam Á đều có tỷ lệ thiếu ở mức cao. Các vi chất này ảnh hưởng đến quá trình phát triển cơ thể thông qua vai trò tham gia các phản ứng trong cơ thể.

Cũng qua nghiên cứu, các chuyên gia dinh dưỡng chỉ rõ, hầu hết các chất khoáng và vitamin này có trong sữa, nhưng hàm lượng dao động theo mùa và theo loại thức ăn bò ăn vào. Do vậy, việc đưa khuyến nghị tăng cường 21 vi chất vào sữa học đường là nhằm đảm bảo hàm lượng các vi chất dinh dưỡng ổn định đạt được mức đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn của trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển.

Còn theo ý kiến của ông Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào bữa ăn học đường, trong đó có sữa học đường, là giải pháp cần được triển khai vì trẻ em ở lứa tuổi học đường là giai đoạn cần tăng trưởng về cân nặng, tăng trưởng chiều cao.

Theo ông Sơn, khi trẻ em thiếu máu thì cần phải bổ sung sắt, nhưng không phải chỉ bổ sung sắt là đủ. Muốn tăng cường hấp thu sắt tại ruột non và huy động sử dụng sắt dự trữ từ gan thì cần có vitamin A, vitamin B2, vitamin C. Quá trình tổng hợp hồng cầu ngoài sắt thì cần axit folic, vitamin B12... Ngoài ra, muốn thành mạch tốt giảm mất máu thì cần vitamin E, vitamin C. Như vậy chỉ riêng vấn đề thiếu máu phải cần nhiều vitamin bổ sung khác, chứ không chỉ có sắt như mọi người hay nghĩ.

ThS.BS. Trần Khánh Vân cũng chia sẻ, các nghiên cứu can thiệp được WHO thực hiện tại nhiều quốc gia đã cho thấy việc bổ sung một vài vi chất đơn lẻ không có ý nghĩa đối với sự phát triển chiều cao của trẻ em.

Bổ sung đa vi chất có hiệu quả thực sự rõ rệt hơn đối với sự phát triển chiều cao của trẻ em. Một số nghiên cứu tại Việt Nam cũng cho kết quả tương tự.

Bà Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa Dinh dưỡng trường học (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, để tăng trưởng chiều cao và tham gia vào quá trình chu chuyển xương có rất nhiều vi chất khác như vitamin D, kẽm, magie… Một nghiên cứu cũng đã chỉ ra đối với những người thiếu cả canxi và magie nhưng chỉ bổ sung canxi sẽ có thể dẫn đến tình trạng chuyển hóa lệch.

Việc tăng cường đa vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm và sữa cho trẻ em đã được WHO kết luận từ nhiều nghiên cứu, đã khẳng định không thể gây quá liều với cơ thể khi áp dụng đúng hàm lượng theo hướng dẫn của WHO năm 2016 (đáp ứng khoảng 10-30% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, và ở mức dưới 50% nhu cầu khuyến nghị là an toàn). Tháng 6/2018, WHO đã thông báo kết luận các nghiên cứu khoa học cập nhật và tái khẳng định lại điều này.

Quá  trình đề xuất bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong quá trình góp ý xây dựng Thông tư của Bộ Y tế về sữa học đường, Viện đã tổng hợp các bằng chứng khoa học và quy định của WHO và đã gửi công văn số 351/VDD-DDHD&NN ngày 6/7/2017 kèm theo báo cáo kỹ thuật về việc khuyến nghị tăng cường 21 vi chất dinh dưỡng vào sữa.

Ngày 28/8/2018, Bộ Y tế tổ chức họp tiếp thu ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp sản xuất sữa. Theo đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể đáp ứng được công nghệ trong sản xuất sữa học đường thì trước mắt tập trung tăng cường 3 chất dinh dưỡng vào sữa học đường, sau này khi các doanh nghiệp có điều kiện công nghệ tốt hơn sẽ bổ sung toàn bộ 21 vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường. Vì thế, Viện Dinh dưỡng đã làm công văn số 437/VDD-DDHD&NN ngày 17/9/2018 theo chỉ đạo của Bộ Y tế dựa trên kết luận của cuộc họp này về việc trước mắt tạm tăng cường 3 vi chất dinh dưỡng nói trên.

Tại cuộc họp ngày 18/6/2019 với lãnh đạo Bộ Y tế, các doanh nghiệp sữa đã khẳng định hiện nay công nghệ sản xuất sữa đủ khả năng thực hiện bổ sung đa vi chất dinh dưỡng vào sữa. Do đó, Viện Dinh dưỡng bảo lưu khuyến nghị tổng số 21 vi chất dinh dưỡng mà Viện đã đề xuất tại công văn số 351/VDD-DDHD&NN ngày 6/7/2017 và gửi công văn số 363/VDD-VCDD ngày 3/7/2019 đề nghị bổ sung 21 vi chất.