15/01/2025 lúc 16:49 (GMT+7)
Breaking News

Cả nước thiếu 76.000 giáo viên các cấp: Thực trạng và giải pháp

VNHNO - Bộ GD&ĐT nhận định đội ngũ giáo viên (GV) đang thừa nơi này nhưng lại thiếu nơi khác, thừa môn này nhưng lại thiếu môn khác.

VNHNO - Bộ GD&ĐT nhận định đội ngũ giáo viên (GV) đang thừa nơi này nhưng lại thiếu nơi khác, thừa môn này nhưng lại thiếu môn khác.

Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ khắp nơi

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT tại 43 tỉnh, thành, các trường học hiện thiếu gần 76.000 giáo viên (GV).

Nói về bậc mầm non, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay tính đến ngày 15/8, cả nước có gần 310.000 GV mầm non. Nếu so với định mức mà Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ thống nhất, số GV mầm non còn thiếu khoảng 40.000 người.

Ở bậc tiểu học, số GV còn thiếu gần 19.000 người. Trong khi đó, bậc THCS và THPT xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ. THCS thiếu 10.000 người nhưng cũng lại thừa 12.000 người, còn bậc THPT thì thiếu trên 3.000 GV.

Các trường học hiện thiếu gần 76.000 giáo viên. Ảnh minh họa: Internet

Thứ trưởng cho biết thêm, công tác quy hoạch, dự báo tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế nên dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ GV, thừa THCS, THPT nhưng lại thiếu ở mầm non và tiểu học. Nguyên nhân thừa thiếu cục bộ giáo viên ở nhiều tỉnh thành, theo đánh giá của Thứ trưởng, là do công tác quy hoạch, dự báo ở các địa phương hạn chế, thiếu chủ động trong xử lý tình trạng thừa thiếu giáo viên.

Ngành sư phạm vẫn mỏi mắt tìm sinh viên

Dù thiếu giáo viên, đầu vào ngành sư phạm lại không hề lạc quan khi các trường sư phạm địa phương đang có nguy cơ đóng cửa ngành kể cả sư phạm Toán, Văn vì “trắng” sinh viên. Việc nhiều trường sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh là điều được dự báo trước, tuy nhiên, thực tế tuyển sinh 2018 của các trường sư phạm vẫn khá bi đát. Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An thừa nhận, 3 ngành sư phạm Toán học, Văn học và Sinh học của trường chưa có thí sinh nào trúng tuyển.

Hệ Cao đẳng của Đại học Đồng Nai, Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk, Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận… cũng đang trong tình trạng thấp thỏm chờ sinh viên. Nếu không tuyển sinh được, các trường sư phạm ở địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động giảng dạy.

Trong khi trước đó, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, tỉnh Thanh Hóa đã đặt hàng ĐH Hồng Đức mở 4 ngành đào tạo chất lượng cao, gồm sư phạm Toán, Vật lý, Lịch sử và Ngữ văn.

Tuy nhiên, ngay cả khi Thanh Hóa đã có cam kết bảo đảm đầu ra cho sinh viên sư phạm chất lượng cao thì việc tuyển sinh cũng không hề dễ dàng. Thực tế, nhiều ngành sư phạm chất lượng cao của trường chỉ tuyển được vài sinh viên.

Nguyên nhân chủ yếu do đầu ra

Năm 2018 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT xác định mức điểm sàn riêng cho ngành sư phạm, trong đó, mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào ĐH Sư phạm đối với thí sinh thi THPT quốc gia là 17 điểm, mức điểm tối thiểu xét tuyển vào CĐ Sư phạm là 15 điểm và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào trung cấp sư phạm là 13 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi.

Tuy nhiên, đây không được coi là rào cản đối với việc xét tuyển sinh viên sư phạm bởi ngưỡng đầu vào tối thiểu này không quá cao.

Thực tế lý do sinh viên không mặn mà với ngành sư phạm đều xuất phát từ nguyên nhân chính là đầu ra khó tìm việc làm. Bằng chứng là mặc dù Bộ GD&ĐT đưa ra thống kê thiếu gần 76.000 giáo viên nhưng kèm theo đó là tình trạng thừa cục bộ nhiều ở địa phương.

Giải quyết triệt để tình trạng thừa thiếu giáo viên

Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục sắp xếp rà soát mạng lưới trường lớp theo hướng giảm điểm lẻ, tăng quy mô các trường để tiết kiệm định mức đầu tư cũng như biên chế.

Thông tin thêm về nội dung này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cho hay quan điểm của Bộ GD&ĐT là không để các huyện tự xử lý nội bộ vấn đề biên chế GV vì như vậy rất khó giải quyết liên huyện hoặc trong một tỉnh. Tình trạng thừa - thiếu mang tính cục bộ nên có thể điều chuyển GV từ huyện này sang huyện khác ở chung một cấp học.

Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp yêu cầu các địa phương tổng hợp rà soát về dân số từ 2015-2018, số lượng học sinh, số lượng GV cả biên chế và hợp đồng và trên cơ sở đó, tỉnh cân đối về biên chế và báo cáo về Bộ Nội vụ để bộ này báo cáo Thủ tướng./.