19/11/2024 lúc 13:31 (GMT+7)
Breaking News

Lớp chọn và ‘cuộc đua’ không hồi kết

VNHNO – Đầu năm học, hầu hết các trường đều chọn ra một số lớp làm mũi nhọn, tập hợp những học sinh có thành tích tốt nhất, gọi chung là lớp chọn. Môi trường có sự tuyển chọn, cạnh tranh cao trong học tập khiến cả phụ huynh và học sinh rơi vào những cuộc chạy đua mệt mỏi.

VNHNO – Đầu năm học, hầu hết các trường đều chọn ra một số lớp làm mũi nhọn, tập hợp những học sinh có thành tích tốt nhất, gọi chung là lớp chọn. Môi trường có sự tuyển chọn, cạnh tranh cao trong học tập khiến cả phụ huynh và học sinh rơi vào những cuộc chạy đua mệt mỏi.

Việc giành được một “vé” vào lớp chọn ở trường cấp hai hay trường chuyên cấp ba là một cuộc chạy đua thật sự gian nan nhưng đầy hãnh diện của cả giáo viên, phụ huynh và các em học sinh.

Nguồn: Internet

Đích đến của cuộc đua

Mục đích chính của các trường học khi thành lập mô hình lớp chọn là để tập hợp những học sinh ưu tú nhất trong một khối. Những học sinh này sẽ là người đi đầu trong tất cả các phong trào học tập, thi đua. Bên cạnh đó, đây cũng là “lực lượng gà chiến” để đại diện cho nhà trường trong các cuộc thi học sinh giỏi các cấp, thi đỗ điểm cao vào các trường đại học danh tiếng.

Đối với các giáo viên, cơ hội được dạy ở các lớp chọn sẽ giúp giáo viên đỡ áp lực về thành tích. Lớp học toàn học sinh học khá, giỏi, ngoan ngoãn khiến việc quản lý và dạy học rất nhẹ nhàng, chỉ cần nói qua, giảng giải sơ sơ là các em đã hiểu.

Hầu hết các bậc phụ huynh đều có suy nghĩ rằng lớp chọn là môi trường học tập tốt nhất. Họ muốn để con em của mình được học cùng các bạn giỏi khác để có động lực cạnh tranh, không ngừng phấn đấu, mở rộng thêm kiến thức. Hơn nữa, có con được học lớp chọn cũng trở thành niềm hãnh diện của phụ huynh.

Đối với các em học sinh, môi trường lớp chọn đã tạo cơ hội cho nhiều em phát huy được khả năng học tập và năng lực sáng tạo của mình. Các lớp chọn có không khí học tập sôi nổi, cạnh tranh điểm số, thành tích. Đó là động lực mãnh liệt triệt tiêu thói lười nhác, trì trệ tư duy.

Như vậy, cái đích của cuộc cạnh tranh vào lớp chọn là rất đáng để vươn tới. Nếu học sinh thực sự có khả năng, niềm yêu thích và ý chí thì đây là môi trường rất tốt cho các em. Ngược lại, nếu không đủ năng lực và bị ép buộc, các em học sinh chắc chắn sẽ đuối sức trong cuộc chạy đua ‘lớp chọn’.

Cuộc đua của các bậc phụ huynh

Đầu năm học mới, các trường thường tổ chức kỳ khảo sát đầu năm. Bên cạnh mục đích đánh giá năng lực học sinh đầu khóa, kỳ thi này còn để sàng lọc lại các lớp chọn. Các em học sinh có kết quả tốt sẽ tiếp tục được ở lại. Những em học sinh sa sút và có dấu hiệu bị “đuối” sẽ bị chuyển sang các lớp thường. Thế vào đó là những em ưu tú nhất của các lớp khác.

Chính sự cạnh tranh khốc liệt này khiến bản thân các bậc phụ huynh cũng bị áp lực. Kỳ nghỉ hè chưa kết thúc, nhiều phụ huynh đã cho con em đi học thêm, ôn luyện lại kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi khảo sát đầu năm. Nhiều phụ huynh sẵn sàng thức đêm để học với con, mua đầy đủ các loại sách nâng cao với hy vọng con đỗ vào lớp chọn.

Đối với học sinh đầu cấp (lớp 6, lớp 10) thì căn cứ vào điểm học bạ, điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 để chọn ra các em tốt nhất vào lớp chọn. Một số phụ huynh vì quá muốn con mình được vào lớp chọn thậm chí đã “đi cửa sau”.

Cuộc đua của các em học sinh

Bản thân các em học sinh sau khi trải qua cuộc thi đầu vào gay gắt lại phải tiếp tục bước vào một cuộc chạy đua khốc liệt khác. Trong môi trường tất cả mọi người đều giỏi thì sự nỗ lực của các em cần phải tăng lên gấp đôi.

Vì nghĩ là lớp chọn, nên thầy cô giảng bài cũng rất nhanh, nhiều kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thầy cô thường nghĩ "học sinh giỏi ai làm chẳng được” nên cũng thường được dạy lướt qua dành thời gian để giải các bài toán nâng cao khác. Cứ thế, học mà không được tư duy, không có cả thời gian suy nghĩ để làm khiến nhiều em học sinh mỗi ngày học càng đuối hơn. Nhiều em học rất giỏi nhưng vì không chịu được áp lực trong môi trường ganh đua điểm số nên bị stress nặng nề.

Ngoài ra, những em may mắn được điểm cao trong kỳ thi khảo sát đầu năm, những em được bố mẹ xin cho vào lớp chọn nhưng không có nguyện vọng học ở đó sẽ càng nản chí hơn trong cuộc đua này. Môi trường chỉ có học và học, điểm số cạnh tranh gay gắt khiến các em mất đi hứng thú với việc học tập. Khi đã không có năng lực thật sự, các em rất dễ bị đuối sức, mất phương hướng, mất điểm tựa tinh thần và sa vào rụt rè, tự ti, mặc cảm.

Điểm dừng của cuộc đua

Thực tế chúng ta vẫn bắt gặp nhiều phụ huynh đánh giá không đúng năng lực thật sự của con cái, thiếu sự định hướng đúng đắn trong việc chọn trường cho, ép con phải học, phải thi để vào lớp chọn. Nhưng rất nhanh sau đó, phụ huynh sẽ nhận ra sự thất bại của con trong cuộc đua thành tích với bạn bè.

Học sinh cần tìm cho mình môi trường học tập phù hợp nhất (Internet)

Một điều đáng quan tâm hơn nữa là ở lớp chọn, thành tích học tập của cá nhân sẽ được đặt lên hàng đầu, đồng nghĩa với việc phải lao vào học với khối lượng kiến thức lớn hơn, áp lực nặng nề hơn. Hình ảnh những “con gà công nghiệp”, “con mọt sách” thiếu kĩ năng sống, dễ đầu hàng trước những va vấp nhỏ trong cuộc sống cũng là một điều các giáo viên và phụ huynh phải lưu ý. Phụ huynh và các em học sinh cần tỉnh táo định hướng trong việc chọn trường, chọn lớp để bản thân các em có được môi trường học tập tốt nhất và phù hợp nhất.