19/01/2025 lúc 22:04 (GMT+7)
Breaking News

Cà Mau: Sạt lở, sụt lún đất đã tàn phá nghiêm trọng vùng nước ngọt

VNHN - Vùng đất Cà Mau ngay thời điểm nắng hạn gay gắt, hiện tượng sụt lún đã gây ra sạt lở nặng nề, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống nhân dân.

VNHN - Vùng đất Cà Mau ngay thời điểm nắng hạn gay gắt, hiện tượng sụt lún đã gây ra sạt lở nặng nề, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống nhân dân.

Sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến các tuyến đường giao thông.

Tại tuyến đường phòng hộ đê biển Tây, đoạn từ Kênh Mới – Đá Bạc (thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang tiến hành bơm sình từ ngoài biển vào con kênh dưới chân đê (trong vùng ngọt). Đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhất, để hạn chế đoạn đê bị sụt lún nặng nề hơn.

Một đoạn đê nối tiếp dài khoảng 90 m cũng tiếp tục bị sụt lún tương tự, toàn đoạn đê Kênh Mới – Đá Bạc, với chiều dài khoảng 4,5 km xuất hiện nhiều vết nứt, mặt đường bị xê dịch và có những vị trí lún xuống khoảng 10 cm. Ngoài ra, trên địa bàn xã Khánh Bình Tây, có 3 tuyến đường ô tô có thể về đến trung tâm xã thì cả 3 tuyến đều bị sụt lún nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương khuyến cáo mọi người hạn chế đi lại qua những đoạn đường trên, đặc biệt là vào ban đêm để tránh xảy ra tai nạn.

Trước đây, huyện Trần Văn Thời được mệnh danh là tỉnh Cà Mau thu nhỏ, bởi có đầy đủ các đặc điểm tự nhiên đặc trưng nhất của tỉnh Cà Mau gồm: biển đảo, vùng đất ngập mặn và vùng ngọt hóa, trù phú và yên bình, nơi đây chuyên canh lúa hai vụ với diện tích khoảng 26.000 ha, chiếm hơn 70% diện tích của toàn tỉnh

Sau khi sụt lún sạt lở xảy ra liên tục, người dân huyện Trần Văn Thời vô cùng lo lắng và bất an, đời sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Hệ thống đường thủy bị “đóng băng” do toàn bộ hệ thống sông, kênh rạch nước cạn trơ đáy. Thấu hiểu được tình cảnh đó, tỉnh Cà Mau phải khẩn cấp triển khai bơm sình, nước mặn vào đoạn đê này để tạo phản áp, tăng sự kết dính của đất nhằm hạn chế thiệt hại.

Hán hán xâm nhập mặn kéo dài gây ảnh hưởng đời sống sinh hoạt người dân.

Ông Trần Văn Ái, người dân ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây bày tỏ lo lắng. “Ruộng lúa chỉ cách chân đê độ 40 – 50 m thôi. Không giữ được đê mùa mưa thủy triều dâng, nước mặn vào là chết. Nhưng làm sao phải đảm bảo việc bơm sình vào không ảnh hưởng đến ruộng đồng. Nước mặn mà vào ruộng thì không chỉ 1 mà vài vụ lúa tiếp theo bị thất bát”.

Ngoài tuyến đê đã nói trên thì tuyến Tắc Thủ - Đá Bạc (đoạn qua nông trường 402) có hai điểm sụt lún ăn sâu vào mặt đường từ 3 – 5 m. Tuyến đường duy nhất còn lại từ Co Xáng – Cơi Năm – Đá Bạc, vừa qua, chính quyền xã Trần Hợi và xã Khánh Bình Tây phải liên tục dựng lên các rào chắn, biển cảnh báo vì việc sụt lún diễn ra hằng ngày.

Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, từ đầu mùa khô đến nay trong vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau xảy ra hơn 1.100 vụ sạt lở, sụt lún đất. Huyện Trần Văn thời chịu ảnh hưởng lớn nhất với khoảng 1.000 vị trí. Thực trạng trên đã làm hư hỏng khoảng 25 km đường giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc di chuyển của các phương tiện giao thông.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau đánh giá “Tình hình năm nay giống như mùa hạn hạn 2015 – 2016 nhưng gây thiệt hại nặng nề hơn nhiều. Nguyên nhân cơ bản nhất là do nắng hạn làm nền đất bị khô, mất kết dính. Trong khi mực nước dưới kênh rạch rút sâu, làm mất phản áp gây sụt lún, sạt lở hàng loạt”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Cúc (ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc) hằng ngày đang phải chạy xe máy gần 1km đi xin nước giếng khoan về để tắm, giặt. Mọi mùa khô không năm, gay gắt thì cái ao cạnh nhà chính là nguồn cung cấp nước tắm, giặt cho gia đình nhưng hơn tháng nay ao đã cạn tới đáy.

Lượng nước mưa dự trữ trong các mái (lu) dùng cho ăn uống cũng đã hết, gia đình chị phải mua nước sử dụng với giá 17.000 đồng/bình 20 lít. Hiện tại cả xã Khánh Bình Tây Bắc có hơn 3.600 hộ dân thì có gần 1.200 hộ không thể tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh.

khoảng 21.000 hộ dân ở Cà Mau đang thiếu nước sinh hoạt.

Ông Bùi Chí Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã lý giải như sau: “Địa giới xã giáp biển. Chỗ khoan được cây nước thì nước mặn chát không dùng nấu ăn được. Còn có những nơi bà con cứ khoan xuống vài chục mét là làm như đụng đá, gãy mũi khoan. Chính vì vậy, mỗi mùa hạn hán đến bà con lại đối diện với cảnh thiếu nước”.

Do hoạt động sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên vụ lúa đông xuân của người dân Cà Mau thường được thu hoạch trước hoặc ngay sau Tết Nguyên đán để tránh thiếu nước. Hàng trăm ha lúa này chắc chắn bị thiệt hại vì khi lúa chưa trổ đòng mặt ruộng đã cạn khô.

Tình hình hạn hạn, xâm nhập mặn năm nay đến sớm và gay gắt hơn nên gay cả những hộ dân tuân thủ lịch thời vụ vẫn bị ảnh hưởng. Như tại xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) nhiều hộ dân ven tuyến kênh Đội Bảy, năng suất lúa bị giảm sút.

Toàn tỉnh Cà Mau đang có khoảng 21.000 hộ dân thuộc các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời... bị thiếu nước sinh hoạt. Thiệt hại về sản xuất của tỉnh này cũng đã lên đến hơn 20.000 ha lúa, hoa mùa. Trong đó, phần lớn diện tích thiệt hại trên 70%.

Trước tình hình hạn hán gây nhiều thiệt hại, ngành chức năng địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, việc thống kê, đánh giá diện tích đất sản xuất bị thiệt hại cũng đang được triển khai nhằm có những hỗ trợ kịp thời cho người dân vượt qua khó khăn.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, theo dự báo tình hình hạn hán sẽ còn kéo dài và nguy cơ sẽ tiếp tục gây thiệt hại lớn hơn. Tỉnh Cà Mau đang tiếp tục rà soát, thống kê và xem xét toàn diện mức độ thiệt hại.

Những hộ gia đình nào tuân thủ lịch thời vụ, tuân thủ theo các khuyến cáo của ngành chuyên môn mà vẫn bị thiệt hại trong sản xuất sẽ được tỉnh hỗ trợ theo quy định nhà nước.

Trí Đức