14/01/2025 lúc 18:53 (GMT+7)
Breaking News

Bước chuyển mình của huyện vùng cao Mù Cang Chải

Sau 30 năm tái lập tỉnh Yên Bái (01/10/1991- 1/10/2021), nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn của các cấp, ngành và địa phương, huyện Mù Cang Chải đã từng bước chuyển mình, kiên trì, sáng tạo, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho toàn thể người dân trên địa bàn.

Sau 30 năm tái lập tỉnh Yên Bái (01/10/1991- 1/10/2021), nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn của các cấp, ngành và địa phương, huyện Mù Cang Chải đã từng bước chuyển mình, kiên trì, sáng tạo, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho toàn thể người dân trên địa bàn.

Huyện vùng cao Mù Cang Chải nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái, phía bắc giáp huyện văn bàn (Lào Cai), phía nam giáp huyện Mường La (Sơn La), phía tây giáp huyện Than Uyên (Lai Châu), phía đông giáp huyện Văn Chấn và huyện Văn Yên. Mù Cang Chải gồm 14 xã, thị trấn, diện tích là 1.197,89 km², dân số năm 2019 là 63.961 người, gồm 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm gần 91%. Huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển, muốn đến được Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ - một trong Tứ Đại Đèo của vùng Tây Bắc.

Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Ảnh: Sưu tầm

Những năm đầu tái lập tỉnh, huyện Mù Cang Chải gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức. Cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại khó khăn, sản xuất lạc hậu, tình trạng đốt rừng, phá rừng làm nương rẫy phổ biến; Nhân dân thiếu đói trầm trọng, nhiều phong tục tập quán lạc hậu còn tồn tại, Nhà nước đã phải hỗ trợ gạo, cứu đói cho người dân nơi đây.

Nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành cùng toàn thể nhân dân, sau 30 năm tái lập, Mù Cang Chải đã có những thay đổi hết sức quan trọng. Đến năm  2020, tổng diện tích trồng cây lương thực có hạt đạt trên 12.600 ha, tăng 8.346,6 ha so với năm 1991; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 45.300 tấn, tăng 40.358 tấn so với năm 1991; tổng đàn gia súc chính đạt 76.000 con, tăng 64.000 con so với năm 1991; bình quân lương thực đầu người đạt 700kg/người/năm, tăng 530kg; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 21 triệu đồng/người/năm; thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương (bình quân giảm 7,5 - 8%/năm), từ một huyện có 100% hộ nghèo đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 32,08%.

Các xã, thị trấn đều có đường bê tông đến trung tâm và trụ sở làm việc.

Cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện, đến nay 14/14 xã, thị trấn có đường ô tô bê tông đến trung tâm và trụ sở làm việc được xây dựng khang trang; 100% xã có trạm y tế và điểm bưu chính viễn thông, Internet; 100% bản có đường xe máy phục vụ nhân dân đi lại; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đóng góp trên 50% thu ngân sách địa phương. Từ một địa phương năm 1991 chưa có điện lưới quốc gia đến nay có 78/98 bản, tổ dân phố và 80% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia); có 246 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 750 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ; thu ngân sách địa phương năm 2020 đạt trên 140 tỷ đồng trong đó năm 1991 là 360 triệu đồng. 

Lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân đã có ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là bảo tồn, xây dựng được Danh lam thắng cảnh Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, từng bước đưa du lịch Mù Cang Chải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong những năm gần đây và những năm tiếp theo. Quốc phòng, an ninh thường xuyên được tăng cường và giữ vững, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định.

Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải sẽ tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, phát triển kinh tế - xã hội, du lịch xanh, trở thành điểm đến thú vị cho mọi du khách./.