29/11/2024 lúc 09:49 (GMT+7)
Breaking News

Bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm vẫn có những điểm sáng

Đó là những chia sẻ từ bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã phân tích cụ thể những động lực tạo nên kết quả tích cực của nền kinh tế thời gian qua, đồng thời nêu ra vấn đề cần lưu ý và dự báo những thách thức của nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm.

Đó là những chia sẻ từ bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã phân tích cụ thể những động lực tạo nên kết quả tích cực của nền kinh tế thời gian qua, đồng thời nêu ra vấn đề cần lưu ý và dự báo những thách thức của nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo bà Nguyễn Thị Hương cho biết mặc dù dịch COVID-19 với biến chủng mới lây lan nhanh đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong 7 tháng năm 2021. Song với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, bức tranh kinh tế nước ta trong 7 tháng đầu năm nay vẫn đang có những điểm sáng.

Cụ thể: kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tốt trong điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (2,6%); các ngành dịch vụ tiếp tục là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 2,7 tỷ USD; doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,8% về số doanh nghiệp và tăng 13,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 5,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tăng 3,8%.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao, giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất liên tục tăng trong thời gian vừa qua nhưng CPI 7 tháng năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua, tạo dư địa cho chúng ta có thể kiểm soát lạm phát cả năm 2021 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường.

Đồng thời, chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 34,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 30,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 13,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13%. Để phòng chống dịch COVID-19 lây lan, đã có 20 địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tuy vậy một số khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động, bảo đảm các đơn hàng sản xuất được thực hiện theo hợp đồng đã ký kết trước đó.

Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Hương cũng dự báo tình hình kinh tế-xã hội trong quý III/2021 sẽ gặp nhiều thách thức, khả năng hồi phục nhanh và tạo đà tăng trưởng cho quý IV là rất khó khăn nếu diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp và khó lường như hiện nay.

Một số thách thức đặt ra trong thời gian tới như việc nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất đang thiếu hụt; giá cả một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu nguyên vật liệu trong nước. Nguồn cung lao động bị ảnh hưởng nặng nề và có khả năng thiếu hụt tạm thời. Lưu thông hàng hóa sẽ bị hạn chế do giãn cách xã hội, đặc biệt luồng thương mại quốc tế sẽ bị thu hẹp khi dịch bệnh đang tái bùng phát diện rộng trên toàn thế giới. Đặc biệt là nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề do sản xuất đình trệ nên nội lực suy yếu, sức bật trở lại guồng sản xuất của nền kinh tế sẽ bị hạn chế.

Tình hình đặt ra yêu cầu về việc quản lý điều hành và xác định mục tiêu tăng trưởng phải hết sức linh hoạt. Theo Nguyễn Thị Hương thì việc tập trung kiểm soát dứt điểm dịch COVID-19 trong quý III/2021 là ưu tiên hàng đầu. Các nhiệm vụ khác cũng cần được triển khai nhanh chóng như: Chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19; quá trình chuyển đổi số, kinh tế số để thích ứng với bối cảnh mới; tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tiêu dùng nội địa... Đó là nền tảng quan trọng đưa kinh tế vĩ mô trong quý IV được duy trì ổn định và tăng trưởng.