11/01/2025 lúc 05:36 (GMT+7)
Breaking News

BQL VQG Tà Đùng: Nỗ lực giữ gìn “lá phổi xanh” của Đắk Nông

Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm, nhiều năm qua Ban quản lý VQG Tà Đùng đã luôn nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cho Tà Đùng giữ vững một màu xanh của sự sống, nâng cao tính đa dạng sinh học.

Có trụ sở tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, Ban quản lý VQG Tà Đùng có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng với 20.538,11 ha, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng; làm giàu rừng tự nhiên; gây ươm các loài cây bản địa, đặc hữu quý hiếm để trồng rừng mới, nâng cao độ che phủ và đảm bảo an ninh môi trường; Nâng cao khả năng phòng hộ của rừng về giữ nước, hạn chế xói mòn, lũ lụt, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân vùng hạ lưu; Thực hiện chính sách về DVMTR; tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và ĐDSH; Tổ chức các hoạt động quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển các nguồn gien quý, hiếm; cứu hộ động vật hoang dã; nghiên cứu khoa học; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; Khai thác các tiềm năng, lợi thế về DLST, cảnh quan, dịch vụ môi trường và các giá trị ĐDSH để tăng nguồn thu cho VQG, góp phần phát triển KT-XH trong vùng.

Thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra quản lý bảo vệ rừng

Với những nhiệm vụ nêu trên, nhiều năm qua, toàn thể cán bộ, công nhân viên Ban quản lý VQG Tà Đùng đã luôn đoàn kết, nỗ lực, bám sát các văn bản chỉ đạo của các cấp, thường xuyên tổ chức tuần tra rừng, thực hiện tốt quy chế phối hợp với các đơn vị chủ rừng giáp ranh, đảm bảo công tác PCCC rừng… kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng, nhờ đó mà diện tích rừng tại đây được bảo vệ nguyên vẹn trong những năm qua.

Đơn cử như trong năm 2022, Hạt Kiểm lâm cùng các tổ nhận khoán đã tuần tra rừng 1.225 lần với 5.211 lượt người tham gia, trong đó, tuần tra, truy quét dài ngày 32 lượt/95 ngày; phá bỏ 140 bẩy thú; 03 lán trại dựng trái phép trong rừng; nhổ bỏ cây trồng với diện tích 8.534 m2 và 286 cây phân tán (cá phê, mắc ca, cây ăn quả và hoa màu) trên diện tích đất lấn, chiếm. Phát hiện và xử lý 02 vụ vi phạm luật bảo vệ phát triển rừng. Thực hiện khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021 – 2025 cho 153 hộ gia đình là người dân tộc thiểu số thuộc các xã vùng đệm Vườn quốc gia với tổng diện tích 3000,66 ha, đặc biệt không xảy ra vụ cháy rừng nào trên lâm phần quản lý…

Ký kết quy chế phối hợp với các chủ rừng giáp ranh nhằm phối hợp quản lý bảo vệ rừng tốt hơn...

Ông Khương Thanh Long – Giám đốc VQG Tà Đùng cho biết : « Được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông; Huyện uỷ, UBND huyện Đắk Glong và sự phối hợp trong công tác của Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các xã trong vùng đệm là những thuận lợi quý báu của đơn vị trong công tác QLBV rừng. Tuy nhiên, BQL vẫn còn gặp phải một số khăn khăn, vướng mắc như địa bàn, diện tích quản lý rộng, xa xôi, địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn đặc biệt là vào mùa mưa. Tình trạng người dân tộc bản địa phụ thuộc vào tài nguyên rừng, đất đai là chủ yếu, tạo áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng lớn. Ý thức, nhận thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về quản lý bảo vệ rừng còn thấp dù đã được tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền và Vườn quốc gia… Đặc biệt hơn nữa là về vấn đề nhân lực khi lực lượng còn quá mỏng, chưa đáp ứng đủ so với những điểm khó khăn trên địa bàn, điều kiện ăn ở, làm việc và sinh hoạt còn thiếu thốn, chưa có chế độ đãi ngộ đối với lực lượng bảo vệ rừng”.

Một bữa cơm đạm bạc trong rừng cho thấy điều kiện cho người làm công tác quản lý bảo vệ rừng còn thiếu thốn đủ bề…

Tà Đùng – Hạ Long trên cao nguyên

Ngoài hệ sinh thái đa dạng với hàng nghìn loài động thực vật, thảm thực vật xanh ngát, điểm nhấn của Vườn quốc gia chính là Hồ Tà Đùng. Hồ có diện tích hàng nghìn héc-ta với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ trải rộng trên diện tích hồ, tạo nên một phong cảnh hũu tình, tuyệt đẹp giữa Tây Nguyên đại ngàn, vì thế mà Tà Đùng được ví với cái tên “Hạ Long trên cao nguyên”.

Tà Đùng được ví như là “Vịnh Hạ Long trên cao nguyên”. ảnh Lê Phước

Là dãy núi cao nhất của tỉnh Đắk Nông với thảm thực vật khổng lồ che phủ lên đến 85% diện tích lõi của vườn, là nơi trú ngụ, sinh trưởng của hàng nghìn loại động thực vật. Tà Đùng còn nằm trong Công viên địa chất Đắk Nông được UNESSCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7 năm 2020. Toạ lạc trên mảnh đất mang đậm nét văn hoá vật thể, phi vật thể như Sử thi Tây Nguyên, Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên. Sở hữu những ngọn núi hùng vĩ, khung cảnh thơ mộng khiến ai đã đến đây cũng phải lưu luyến khi rời đi… Từ đó cho thấy, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại đây cực kì lớn, tuy nhiên để phát triển Tà Đùng một cách bền vững, đầu tư phát triển mang lại lợi ích kinh tế nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ đậm chất Tây Nguyên thì cần phải có những định hướng đúng đắn, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân…

“Việc phát triển du lịch tại đây luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, tỉnh cũng đã luôn tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra phải đảm bảo về môi trường, giữ được cái hoang sơ, cái mộc mạc mà hùng vĩ của cảnh trời Tây Nguyên nói chung và Tà Đùng nói riêng” ông Khương Thanh Long cho biết.

Ông Khương Thanh Long - Giám đốc Vườn quốc gia Tà Đùng

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa, đặc trưng sinh thái bản địa” là tiền đề quan trọng để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói”. Do đó, những năm qua, chính quyền tỉnh Đắk Nông đã ban hành các chính sách, đề án, kế hoạch phát triển du lịch nhằm sớm thực hiện mục tiêu đã đề ra. Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch về hình ảnh của con người và mảnh đất Đắk Nông, phối hợp tổ chức thành công Giải dù lượn Tà Đùng-Đắk Nông là một điểm nhấn trong hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch Đắk Nông những tháng đầu năm 2022. Cuộc thi đã thu hút khoảng 100 vận động viên và hơn 4.000 lượt du khách cả nước đến với Khu du lịch sinh thái Tà Đùng nơi được ví như "Vịnh Hạ Long" trên Cao Nguyên…

Thế Hùng