VNHN - Vùng Kinh Bắc vẫn lưu truyền câu phương ngôn: “một giỏ ông Ðồ, một bồ ông Cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Mảnh đất địa linh nhân kiệt ấy chính là nơi giang sơn tụ của khí đất trời với địa lý của một nền văn minh lúa nước, của nhân tài trên vùng đất khoa bảng sản sinh ra nhiều danh nhân của nước Việt.
Xứ Kinh Bắc xưa kia được biết đến như mảnh đất của địa linh nhân kiệt
Nói tới Kinh Bắc người ta không chỉ nói tới quan họ, mà trước hết nói tới mảnh đất khoa bảng nổi tiếng một thời của lịch sử dân tộc. Trong 845 năm khoa bảng (1075 – 1919) của xứ Kinh Bắc thì Bắc Ninh nổi tiếng là chiếc nôi khoa bảng. Trong Văn Miếu ở Bắc Ninh có 15 tấm bia đá, trong đó có 12 tấm “Kim bảng lưu phương” được dựng năm 1889 lưu danh 677 vị đại khoa quê vùng Kinh Bắc.
Vùng đất ấy tiêu biểu có: Trạng nguyên khai khoa (trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam năm 1075) Lê Văn Thịnh. Một làng có đủ tam khôi (3 danh hiệu cao nhất trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) là làng Tam Sơn. Tiến sĩ trẻ thứ nhì mới chỉ 15 tuổi là Nguyễn Nhân Thiếp (chỉ sau một ông trạng rất nổi tiếng là Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên lúc 13 tuổi). Có nhà mà 5 anh em ruột đỗ tiến sĩ. Có dòng họ 13 đời liên tục đều có người đỗ tiến sĩ. Theo thống kê, Kinh Bắc chính là vùng đất đứng đầu cả nước về số người đỗ đại khoa, chiếm gần ¼ tổng số tiến sĩ cả nước cùng một loạt những kỷ lục.
Tại Bắc Ninh thì nổi tiếng nhất là huyện Đông Ngàn. Phương ngôn Kinh Bắc đã từng khẳng định xứ Đông Ngàn qua tổng kết: “Dốt Đông Ngàn hơn người ngoan thiên hạ” hay “Tương Vân Cầu, bầu Đông Lữ, chữ Đông Ngàn”. Theo thống kê sơ bộ của các sử sách cổ, huyện này có từ 130-138 vị đỗ đại khoa (chưa kể thời Nguyễn), gần ngang với số người đỗ đạt của Nghệ An và Thanh Hóa. Vì vậy, sách Bắc Ninh tỉnh chí đã phải viết: “Nền văn hiến ở phủ Từ Sơn, từ xưa có huyện Đông Ngàn là hơn cả”.
Bên cạnh những kỷ lục đó, vùng đất Kinh Bắc còn nổi tiếng với “tứ gia vọng tộc” – Những gia tộc có nhiều người đỗ đạt cao làm vẻ vang cho dòng họ. Đó là: Dòng họ Nguyễn Đăng ở làng Bịu; Dòng họ Nguyễn ở Vĩnh Kiều (làng Viềng); Dòng họ Nguyễn ở làng Kim Đôi; Dòng họ Nguyễn ở làng Tam Sơn.
Dòng họ Nguyễn Đăng ở làng Bịu mấy đời làm quan to đầu triều
"Làng Bịu có đấng Thám Hoa
Tiếng bay thượng quốc gần xa biết tài"
(Trích sách “Kinh Bắc phong thổ kí, diễn quốc sự”)
Sử sách ghi danh còn đó nói về những danh tài của làng Bịu, dòng họ Nguyễn Ðăng (nay thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là một dòng họ nổi tiếng về khoa bảng của vùng Kinh Bắc xưa, có mấy đời liền đều làm quan to đầu triều. Theo gia phả dòng họ thì từ năm 1443 đến năm 1918 có 91 người đỗ đạt, trong đó có một trạng nguyên, một thám hoa, sáu tiến sĩ, bảy giám sinh, hai mươi lăm hiệu sinh, hai tú tài, năm thiếu khanh, tổng giáo và huyện thừa.
Nhà thờ họ Nguyễn Đăng
Người dân nơi đây còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện về ông Nguyễn Đăng Cảo, rồi trạng Bịu Nguyễn Đăng Đạo. Nguyễn Đăng Đạo chính là vị “lưỡng quốc trạng nguyên” duy nhất trong sử Việt làm quan tới chức tể tướng.
Dòng họ Nguyễn ở Vĩnh Kiều (làng Viềng) nổi danh tiến sĩ khoa bảng
Dòng họ này qua 7 đời thì có đến 10 người đỗ tiến sĩ, đây cũng là dòng họ đóng góp nhiều danh nhân, khoa bảng. Trong hơn 300 năm kể từ năm 1529 đến cuối thế kỷ 19, họ Nguyễn Làng Viềng đã có 100 tiến sĩ, cử nhân và tú tài. Sách “Kinh Bắc phong thổ ký, diễn quốc sự” có mổ tả về dòng họ này như sau:
"Vĩnh Kiều ấy bảng vàng rỡ rỡ
Mười hai tên, ngựa ngựa, xe xe"
Người nổi tiếng của dòng họ Nguyễn ở Vĩnh Kiều phải kể tới danh thần Nguyễn Công Vọng. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần Nhân vật Bắc Ninh tỉnh chí thời hậu Lê ghi: “Nguyễn Công Vọng người xã Vĩnh Kiều, huyện Đông Ngàn, đỗ Hội nguyên đồng tiến sỹ đời Dương Hoà làm đến Đô ngự sử, tặng Thượng thư bộ Hộ, bàn luận sáng suốt, gặp việc phát ngôn không kiêng nể, là danh thần một thời!”.
Tiết nghĩa đại vương của dòng họ Nguyễn làng Tam Sơn
Từ ngàn xưa Tam Sơn nổi tiếng là vùng đất phát khoa bảng. Chỉ riêng hàng Ðại khoa (Tiến sĩ), xã Tam Sơn đã có 22 người, trong đó có 2 Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 1 Thám hoa, 5 nhị giáp tiến sỹ, 12 Ðệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân và 1 Phó bảng. Tam Sơn cũng là làng duy nhất có đủ tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa).
Tiêu biểu trong số đó tại làng Tam Sơn phải kể đến Tiết nghĩa đại vương Nguyễn Tự Cường. Ông là bậc danh nho đỗ đạt, giúp chấn chỉnh kỷ cương triều đình khi rối loạn, tỏ rõ năng lực kinh luân, liều mình cứu nước lúc nguy gian, kiên cố một lòng sắt đá. Nguyễn Tự Cường đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) đời Lê Tương Dực. Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ. Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê, đời Lê Quang Thiệu ông dấy binh, chống cự, thế không địch nổi, thua trận rồi bị bắt, ông uống thuốc độc tự tử. Sau nhà Lê Trung Hưng biểu dương phong làm phúc thần. Tại Tam Sơn còn bia đá mang nội dung sắc phong thần ca ngợi công đức của ông.
Họ Nguyễn làng Kim Đôi - Làng tiến sĩ
Làng Kim Đôi cũng là vùng đất khoa bảng nổi tiếng đất Kinh Bắc. Làng có 25 tiến sĩ trong đó họ Nguyễn có 18 tiến sĩ và họ Phạm có 7 tiến sĩ. Vào thời nhà Lê, làng Kim Đôi được phong là “làng tiến sĩ”.
Họ Nguyễn trong làng có một gia đình lập kỷ lục khi có 5 anh em ruột đỗ tiến sĩ khi chưa đầy 20 tuổi (chỉ trong vòng chín năm từ 1466-1475) đó là Nguyễn Nhân Thiếp, Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Nhân Phùng (tên ghi trong từ đường họ Nguyễn là Nhân Bồng), Nguyễn Nhân Dư, Nguyễn Nhân Đạc. Tất cả 5 người này đều đỗ tiến sĩ và làm quan to hàng đầu triều dưới thời vua Lê Thánh Tông
Cũng chính kỳ tích này đã mang về cho làng Kim Đôi 8 chữ “Kim Ðôi gia thế, chu tử mãn triều” (nghĩa là họ Nguyễn làng Kim Ðôi áo đỏ áo tím đầy triều) do vua Lê Thánh Tông ban tặng.
Tấm bia trong từ đường họ Nguyễn đến nay vẫn còn ghi lại: Thanh tiền trúng tuyển nhân gian thiểu/ Hoàng bảng thư danh bản tộc ta. Có nghĩa là: Ngày xưa nhà nghèo chỉ có tiền kẽm rỉ xanh mà đi thi đỗ đạt cao thật hiếm có trong nhân gian, nhưng được ghi tên bảng vàng thì họ ta có rất nhiều.
Từ đường họ Nguyễn, làng Kim Đôi thờ 18 vị tiến sỹ. (Ảnh qua Làng Việt)
Dòng họ Nguyễn Nhân vẫn lưu truyền câu chuyện về nguyên nhân khiến dòng họ nhiều người đỗ đạt làm quan to. Chuyện bắt đầu từ thời cụ bà Hoàng Thị Hay, một lần cụ nhặt được chĩnh vàng của người Tàu bỏ rơi liền cất cẩn thận, mấy ngày sau phát hiện có người khóc lóc tìm kiếm của bị mất thì cụ liền đưa vàng trả lại đồng thời từ chối món quà cảm ơn.
Người Tàu về nước, một thời gian sau thì sang Việt Nam với một người thầy địa lý, họ trả ơn cụ bằng cách tìm được đất tốt để cụ an táng mộ ông bà cha mẹ vào, nói rằng con cháu sau này nhất định sẽ được hưởng lộc.
Thầy địa lý tìm hai khu đất quý, một là khu đất phát Đế Vương (nhưng chỉ được một đời), và một khu đất công khanh nhưng lại đường trường tồn. Bà Hay đã chọn mảnh đất thứ hai nhằm để con cháu được đời đời làm nên sự nghiệp, bà đưa cha mẹ về chôn ở khu đất này. Từ đó dòng họ Nguyễn Nhân học giỏi và đều làm quan. Mảnh đất đó hiện nay thuộc xã Phao Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương./.