28/01/2025 lúc 02:23 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Y tế đề xuất cho F0, F1 được đi làm

Trong đề xuất mới đây của Bộ Y tế, F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.

Trong đề xuất mới đây của Bộ Y tế, F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.

Bộ Y tế đề xuất cho F0, F1 được đi làm

Theo đề xuất này, F1 chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

F1 cũng được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển, F1 không được tiếp xúc với người xung quanh; tuân thủ 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

F1 phải test nhanh kháng nguyên hay PCR vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế theo quy định.

Nhiều ý kiến cũng đã đề nghị rút ngắn thời gian cách ly F1 hoặc bãi bỏ cách ly F1, thay bằng hình thức khác. Nếu đề xuất kể trên của Bộ Y tế được thông qua, khái niệm F1 (người tiếp xúc gần với người nhiễm) sẽ thay đổi gần như hoàn toàn.

Đề xuất này cũng có thêm nội dung F0 không triệu chứng, đang trong thời gian cách ly (7 ngày từ ngày dương tính và chưa âm tính), được tự nguyện tham gia làm việc. Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí cho F0 làm việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.

Hoặc F0 có thể tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tuân thủ 5K.

Đối với F0 làm việc tại các cơ sở điều trị Covid-19 phải có biện pháp phòng hộ, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2. F0 không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển, F0 không được tiếp xúc với người xung quanh; tuân thủ 5K, đặc biệt đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã vượt 4 triệu ca, hiện có trên 1,5 triệu người đang điều trị nhưng số chuyển nặng đã thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Tại Hà Nội, địa phương liên tục dẫn đầu về số ca mắc mới hàng ngày, trên 95% số đang điều trị là ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Với số mắc tăng cao như kể trên, nhiều cơ quan, đơn vị đặc biệt là khối bệnh viện, cơ sở y tế đã phải cho phép F0 không triệu chứng, chỉ số virus thấp về mức không còn nguy cơ lây nhiễm (CT > 30) đi làm trở lại do thiếu nhân lực.

Do đó, Bộ Y tế cũng đã xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho phép tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang. Theo Bộ Y tế, số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.