18/05/2024 lúc 15:27 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Văn hóa kiên quyết ‘nói không’ với việc bán vé ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

VNHNO - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) khẳng định, việc bán vé thu tiền ở lễ hội này chọi trâu Đồ Sơn là trái quy định pháp luật.

VNHNO - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) khẳng định, việc bán vé thu tiền ở lễ hội này chọi trâu Đồ Sơn là trái quy định pháp luật.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, còn gọi là đấu ngưu, là một tập tục cổ có từ xa xưa, là lễ hội truyền thống của người dân tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Lễ hội diễn ra hàng năm vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch. Năm 2013 được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam. Đây là một lễ hội với lễ nghi trang trọng có các hoạt động như rước kiệu thần, có lọng che, phường bát âm..

Lễ hội truyền thống của người dân tại vùng biển Đồ Sơn, diễn ra hàng năm vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch (Ảnh: internet)

Đề án của UBND thành phố Hải Phòng

Trước đó UBND thành phố Hải Phòng có Đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức đối với lễ hội chọi trâu 2018 gửi Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa). Trong đề án, UBND thành phố khẳng định việc bán vé thu tiền tham dự chọi trâu Đồ Sơn là rất cần thiết, thậm chí “sống còn” với lễ hội này. Từ nhiều năm nay, kinh phí tổ chức lễ hội chọi trâu không lấy từ ngân sách nhà nước mà xã hội hóa thông qua đóng góp của chủ trâu, tài trợ của doanh nghiệp và bán vé.

UBND thành phố nhấn mạnh: “Bán vé là phương án khả thi để đảm bảo an toàn, kiểm soát đám đông hiệu quả, tránh tình trạng dồn ứ trong sân và bên ngoài, tránh tạo tâm lý đua tranh giữa nhóm được vào và nhóm không được vào xem”.

Vì vậy, Hải Phòng đề xuất tiếp tục bán vé thu tiền tham dự chọi trâu Đồ Sơn với mức giá vòng loại là 80.000 đồng/vé, vòng chung kết 150.000 đồng/vé.

Trong đề án, UBND thành phố tiếp tục khẳng định chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng địa phương chứ không phải hoạt động thể thao hay trò chơi.

Sự cố trâu chọi húc chết chủ tại vòng loại chọi trâu Đồ Sơn đầu tháng 7/2017 đã làm nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt giữa bỏ hay giữ lễ hội chọi trâu. Bộ Văn hóa sau đó yêu cầu Hải Phòng chấn chỉnh, đồng thời lập đề án tổ chức lễ hội để đảm bảo an toàn cho người tham gia và giới hạn số lượng trâu tham dự.

“Người dân khá bức xúc khi lễ hội đứng trước nguy cơ bị dừng tổ chức như phản ánh của các luồng dư luận sau sự cố tai nạn. Hầu hết ý kiến người dân cho rằng tai nạn trong lễ hội là hy hữu và chỉ cần chấn chỉnh khâu tổ chức cho an toàn hơn. Lễ hội chọi trâu vẫn cần được tiếp tục tổ chức để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tiếp nối di sản đặc sắc của các thế hệ trước trao truyền lại”, đề án viết.

Bộ khẳng định đề xuất bán vé thu tiền lễ hội vào ngày 9/8 âm lịch là trái với quy định pháp luật (Ảnh: internet)

Bộ Văn hóa không chấp nhận phương án bán vé ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Sau khi nhận được đề án từ địa phương, bộ Văn hóa đã họp bàn và ra quyết định trả lời, các hoạt động này nằm trong hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể quốc gia lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Bộ VH,TT&DL cho rằng: căn cứ hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thì các hoạt động nêu trên là một phần của nghi thức nằm trong lễ tế và rước của lễ hội truyền thống chọi trâu.

Vì vậy, đề xuất bán vé thu tiền vào ngày 9/8 âm lịch là trái với quy định pháp luật. Cụ thể, việc bán vé thu tiền chọi trâu Đồ Sơn trái với quy định tại khoản 20, điều 2, Nghị định 28/2017 của Chính phủ; khoản 4, điều 9, Thông tư 15 của Bộ trưởng Văn hoá, công văn do Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ ký nêu rõ.

Bộ Văn hoá đề nghị UBND TP Hải Phòng thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng tháng 2/2018: “Nghiêm cấm việc thương mại hóa các lễ hội, tổ chức các hoạt động mang tính bạo lực, phản cảm. Phối hợp quản lý chặt chẽ các dịch vụ, ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch, lễ hội”.