12/01/2025 lúc 12:23 (GMT+7)
Breaking News

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu giải pháp phát triển nội nhu, thúc đẩy xuất khẩu

VNHN - Tới tháng 5 và tháng 6, các chỉ số thương mại nội địa, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã có sự hồi phục và Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ ngành có giải pháp đồng bộ để kích cầu thị trường trong nước, phát triển nội nhu, thúc đẩy xuất khẩu.

VNHN - Tới tháng 5 và tháng 6, các chỉ số thương mại nội địa, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã có sự hồi phục và Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ ngành có giải pháp đồng bộ để kích cầu thị trường trong nước, phát triển nội nhu, thúc đẩy xuất khẩu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong bối cảnh chỉ số thương mại toàn cầu nửa đầu năm nay giảm kỷ lục, Việt Nam cũng bị tác động mạnh, nhất là trong tháng 3 và tháng 4. Tới tháng 5 và tháng 6, các chỉ số thương mại nội địa, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã có sự hồi phục, tuy so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng trưởng âm nhưng đã tăng so với tháng trước.

Cụ thể, tháng 6 xuất khẩu tăng 9,5% so với tháng 5 và tháng 5 tăng 9,1% so với tháng 4. Điều đó cho thấy, nếu chúng ta giữ được nhịp độ phục hồi kinh tế thì sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa và xuất khẩu đều có dư địa phát triển tốt hơn những tháng cuối năm.

Trong đó, các thị trường xuất khẩu Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng tương đối tốt, tương ứng mức 17,4% và 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Mỹ vẫn là thị trường có dư địa phát triển tốt và cần quan tâm trong những tháng cuối năm.

Thị trường CPTPP và một số nước khác cũng tăng trưởng dương, còn tăng trưởng âm tập trung vào ASEAN, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Đây cũng là những điểm cần lưu ý trong định hướng lớn về xuất khẩu và hội nhập thời gian tới.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 6 cũng tăng trưởng tốt hơn, ở mức 10,3% so với tháng 5 và tháng 5 tăng 11,9% so với tháng 4. Một số ngành công nghiệp có điều kiện phát triển tốt như điện tử, máy vi tính, hóa chất… Theo Bộ trưởng, đây cũng là dư địa cần tính toán các giải pháp cho các tháng cuối năm.

Phân tích sâu hơn về  thị trường nội địa trong vai trò dư địa cho tăng trưởng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu bật thông tin đáng phấn khởi là tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ cải thiện rất đáng kể.

Nếu như tháng 4 giảm sâu tới 20,5% thì đến tháng 5 đạt mức tăng 31,8 % và tháng 6 là tăng 6,1%. Đặc biệt, khu vực bán lẻ tháng 6 tăng 4,1% so với tháng trước và 9,4% so với cùng kỳ năm 2019.

“Đúng như quan điểm của Thủ tướng trong phát biểu khai mạc Hội nghị, cần phải tăng cường nội nhu để tạo thêm động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm”, Bộ trưởng Trần Tuấn  Anh nêu quan điểm.

Đặc biệt là một số trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh đều có mức tăng trưởng dương ở 2 con số. Vì vậy các giải pháp  tăng trưởng  phải có sự tính toán, lựa chọn để các trung tâm kinh tế lớn này phát huy được vai trò  tạo sự lan tỏa cả nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm, liên quan đến vấn đề tăng cường nội nhu, chương trình kích cầu trong nước đã bắt đầu từ 1/7 với việc không hạn chế trong khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng để doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước thuận lợi nhất.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ, ngành phối hợp để đưa ra các giải pháp đồng bộ liên quan đến kích cầu, nhất là có đề án kích cầu cụ thể tại các địa phương, các trung tâm kinh tế lớn để đẩy nội nhu lên thành đóng góp cho tăng trưởng.

Nhìn rộng ra để đẩy "cỗ xe tam mã" gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề cập đến 3 thách thức với phát triển kinh tế xã hội không chỉ 6 tháng cuối năm 2020 mà còn cả thời gian tới.

Đó là khả năng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, làn sóng COVID-19 lần thứ 2 tại thị trường Mỹ và EU đã cho thấy nguy cơ này và vì vậy rất cẩn trọng  trong việc giải pháp mở cửa và đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới phải dựa trên bảo đảm phòng chống dịch bệnh an toàn.

Cùng đó, một số thị trường còn diễn biến phức tạp do câu chuyện của bảo hộ mậu dịch cũng như là xu hướng một số thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 làm khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ bảo đảm xử lý tốt, xử lý cho được các tồn đọng với các thị trường trọng điểm của chúng ta. Với thị trường Hoa Kỳ, tập trung xử lý các tồn tại về thương mại, dịch vụ, thương mại hàng hóa. Với thị trường Trung Quốc, đẩy nhanh việc mở cửa thị trường này với một số sản phẩm, nhất là nông nghiệp.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT để phối hợp cùng các địa phương Trung Quốc tạo điều kiện cho thông quan hàng hóa đặc biệt là nông sản, trái cây.

Tiếp nữa là xử lý tốt câu chuyện đấu tranh chống gian lận xuất xứ. Đây là nội dung trọng tâm trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thời gian tới, nhất là liên quan đến Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ 1/8/2020.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như "cỗ xe tam mã", gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.

Thủ tướng đặt vấn đề, trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm, chúng ta phải có những biện pháp cụ thể gì để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Phải có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để kích thích mạnh mẽ những động lực chủ yếu tăng trưởng kinh tế bao gồm đầu tư, tiêu dùng.