11/01/2025 lúc 10:45 (GMT+7)
Breaking News

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu về “Cơ hội trong chuyển đổi số của các địa phương”

Mới đây, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trường Đại học Indiana và Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Đối thoại phát triển địa phương 2021 với chủ đề: “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới"...

Mới đây, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trường Đại học Indiana và Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Đối thoại phát triển địa phương 2021 với chủ đề: “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới", kết nối với 59 điểm cầu tại các địa phương cả nước. Tại Hội nghị trực tuyến, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề: "Cơ hội trong chuyển đổi số của các địa phương". VNHN xin trân trọng gửi đến độc giả toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng.

20210713-l4.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi chuyên đề: "Cơ hội trong chuyển đổi số của các địa phương"

Kỷ nguyên số hoá đã bước vào giai đoạn ba. Giai đoạn một là số hoá thông tin. Thí dụ của nó là văn bản giấy thì được số hoá và lưu trữ, xử lý trên máy tính. Giai đoạn hai là số hoá qui trình, số hoá từng chức năng theo chiều dọc, còn gọi là ứng dụng CNTT. Thí dụ của nó là phần mềm quản trị nhân lực. Giai đoạn ba là số hoá tổ chức, là số hoá theo chiều ngang, là đưa toàn bộ hoạt động của tổ chức lên môi trường số, là thay đổi cách vận hành của tổ chức, còn gọi là chuyển đổi số (CĐS). Thí dụ của nó là không còn việc cấp dưới báo cáo cấp trên, cấp trên muốn có thông tin gì, phân tích gì thì dùng phần mềm để khai thác kho dữ liệu của tổ chức.

CĐS ở Việt Nam có sự khác biệt. Vì nhiều việc của giai đoạn một, giai đoạn hai vẫn chưa xong. Nhưng không nhất thiết phải xong giai đoạn một mới đến hai rồi mới đến ba, mà là ba trong một luôn. Đặc điểm lớn nhất của CĐS ở Việt Nam là ba trong một. Thực hiện CĐS cả tổ chức cùng với việc số hoá dữ liệu (thí dụ như số hoá các văn bản lưu trữ), cùng với việc số hoá qui trình (thí dụ như số hoá công tác tổ chức cán bộ, tài chính kế toán). Ba trong một cùng với việc sử dụng những công nghệ số mới nhất sẽ giúp cho công cuộc CĐS nhanh hơn và rẻ hơn. Cái may mắn của Việt Nam là giai đoạn một và hai chưa làm được nhiều và vì vậy mà có cơ hội ứng dụng những nền tảng số hiện đại nhất để đẩy nhanh CĐS.

CĐS thì 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo, là tri thức của hệ thống chính quyền. Công nghệ chỉ chiếm 30%. CĐS là máy tính thay lao động trí óc. Chúng ta phải dạy cho máy tính trước về tri thức của chúng ta rồi máy tính sẽ tự học tiếp dựa trên dữ liệu mới. Có nghĩa là sự thông minh của máy tính thì đầu tiên là do tri thức của hệ thống chính quyền. Những người xuất sắc nhất của chính quyền phải tham gia cùng với những người làm công nghệ. Và tiếp theo, chính quyền địa phương càng dùng nhiều thì hệ thống càng thông minh lên. Tóm lại là: Lãnh đạo thì quyết tâm làm; chuyên viên thì chuyển giao tri thức cho máy tính; doanh nghiệp công nghệ thì tạo ra nền tảng số; cán bộ công chức thì làm việc trên nền tảng số.

20210713-l8.jpg

Hội nghị trực tuyến được kết nối với 59 điểm cầu tại các địa phương cả nước

Khi nói CĐS là nói đến chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cách tốt nhất để đánh giá chính quyền số, kinh tế số và xã hội số là xem nó phản ứng như thế nào với những tình huống đặc biệt, thí dụ như covid-19: có nhanh và hiệu quả không?

Covid thì giảm tiếp xúc, có khi giãn cách xã hội hoặc cách ly. Chính quyền số là chính quyền có có khả năng cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến.

Covid thì không đến siêu thị được, không mang quả vải thiều ra chợ bán được. Kinh tế số là các sàn thương mại điện tử, là giao hàng tận nhà, là quả vải thiều của bà con có thể bán đến mọi hộ gia đình Việt Nam, nơi xa nhất cũng chỉ mất 2 ngày và quả vải thiều vẫn còn tươi.

Covid thì không đến cơ quan. Nhưng các nền tảng số sẽ giúp chúng ta làm việc tại nhà, họp trực tuyến.

Covid thì không đi học được. Học trực tuyến là mức tối thiểu. Mức cao hơn là chính quyền có cho phép 20-30% số môn được học online, thi online không? Nhà nước có cấp phép cho đại học số không? Để gần như 100% là học online, thi online, ai ở đâu cũng được, học lúc nào cũng được, thực hành phòng Lab ảo lúc nào cũng được, thi lúc nào cũng được và khi đủ tín chỉ, chứng chỉ thì cấp bằng.

Covid thì hạn chế đến bệnh viện. Vậy có ứng dụng nào để người dân có thể tư vấn khám chữa bệnh từ xa không? Một người nông dân ở một xã biên giới xa xôi có thể tiếp cận online với bác sỹ chuyên khoa hàng đầu cả nước không? Nếu có thì đó là xã hội số.

Một người F0 sẽ bị truy vấn 14 ngày qua đã tiếp xúc những ai, đã đi qua những đâu. Nhưng làm sao mà người đó có thể nhớ nổi 14 ngày. Vậy là dễ mang tội khai báo không trung thực. Vậy chính quyền có công nghệ truy vết nào giúp họ nhớ lại không? Thí dụ, mạng di động sẽ ghi nhận họ đã đi qua các khu phố nào, QRC sẽ ghi nhận đã ra vào các cơ sở nào, Bluezone sẽ ghi lại các tiếp xúc gần. Việc truy vết sẽ trở nên rất đơn giản và chính xác, đỡ vất vả cả cho cả chính quyền và người dân. Truy vết nhanh và chính xác thì không phải giãn cách diện rộng, không phải cách ly, phong toả nhiều, và vì thế, các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn có thể diễn ra. Đó là chính quyền số.

Chúng ta đi xét nghiệm và đi tiêm vắc xin, phải xếp hàng dài và chen chúc nhau để đến lượt, để lấy tờ giấy chứng nhận, nguy cơ lây nhiễm lại tăng cao hơn. Vậy có cách nào để đăng ký trước, đến giờ thì đến, và cấp chứng nhận điện tử về xét nghiệm và tiêm vắc xin qua điện thoại di động không? Nếu có thì đó là chính quyền số.

Covid-19 chính là cú huých trăm năm để đẩy nhanh CĐS. Việt Nam cần tận dụng được món quà này của Covid để Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đi đầu trong CĐS, để sau Covid chúng ta sẽ xuất hiện ở một trạng thái mới - một xã hội được số hoá toàn diện.

Thế giới bây giờ phẳng và mở và vì thế mà cũng mong manh, dễ bị tổn thương. Kinh tế toàn cầu thì cũng kéo theo dịch bệnh toàn cầu. Phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn với những thay đổi nhanh, phức tạp và khó lường là dấu hiệu của quản trị hiện đại. Bị quật ngã nhưng đứng dậy nhanh là dấu hiệu của chính quyền có sức chống chịu cao. Mỗi thách thức mới lại tạo ra một sự phát triển mới, đó là chính quyền thông minh. CĐS là nhằm làm cho chính quyền hiện đại hơn, thông minh hơn và có sức chống chịu cao hơn.

Bây giờ, tôi xin phép được nói về một số thí dụ CĐS ở qui mô lớn hơn. Nói về CĐS thì tốt nhất vẫn là thông qua các thí dụ.

CĐS là để giải quyết bài toán rất nan giải hiện nay là: Chúng ta đang làm việc hybrid, tức là nửa trên máy tính, nửa ngoài máy tính. Và vì vậy rất khó kiểm soát hoạt động của nhân viên. Nếu làm bằng giấy cả 100% thì dễ kiểm soát hơn là nửa này, nửa kia. Và vì vậy, nhiệm vụ của CĐS là đưa mọi hoạt động của chính quyền lên môi trường số. Nhân viên sẽ làm việc chỉ trên một môi trường duy nhất, kết thúc giai đoạn hàng chục năm qua là nửa này nửa kia.

Giai đoạn 2, giai đoạn ứng dụng CNTT, là số hoá các qui trình. Trong một tổ chức thì có qui trình đã số hoá, có qui trình chưa, nếu các qui trình đã số hoá hết thì lại chưa có liên kết ngang. Và vì vậy mà dẫn đến nửa này nửa kia. Giai đoạn ứng dụng CNTT chính là giai đoạn hybrid. CĐS là để kết thúc giai đoạn hybrid này. Sứ mệnh của nó là vậy.

Chúng ta đang chuyển từ thế giới thực vào thế giới online. Những gì chúng ta đang làm trong thế giới thực thì sẽ có một phiên bản như vậy trên môi trường số. Một trong những việc quan trọng nhất của chính quyền là cung cấp dịch vụ công. Bởi vậy, việc đầu tiên của chính quyền online là 100% dịch vụ công lên online. Hiện nay, 60% dịch vụ công của các Bộ/ngành và địa phương đã lên online. Mục tiêu là 100% vào cuối năm nay. Các địa phương nào muốn làm nhanh, trong 1-2 tháng đạt 100% dịch vụ công trực tuyến thì liên hệ với Cục Tin học hoá của Bộ TT&TT để được hỗ trợ.

Người Việt chúng ta thì ứng biến nhanh nhưng kiến thức nền tảng thì ít chú ý. Các quyết định nhiều khi là trực quan, ít dựa trên sở cứ và dữ liệu. Vậy có cách nào khắc phục không? Nếu mỗi chúng ta đều có một trợ lý am hiểu luật pháp và nghiệp vụ, làm việc 24/7 và lúc nào cũng bên cạnh ta, thì các tai nạn pháp lý, nghiệp vụ sẽ giảm thiểu rất đáng kể. Đó là trợ lý ảo nhưng giao diện với chúng ta là bằng ngôn ngữ nói tự nhiên thông qua điện thoại thông minh. Đây là các trợ lý chuyên ngành hẹp nên rất dễ làm cho nó thật thông minh. Càng dùng nhiều thì trợ lý này sẽ càng thông minh và trợ giúp càng đắc lực. Tỉnh có 30.000 cán bộ, công chức viên chức thì sẽ được bổ sung thêm 30.000 lao động nữa, mà lại là lao động có chuyên môn và chuyên nghiệp. Chất lượng công việc tăng lên và chất lượng cuộc sống cũng tăng lên. Chuyển đổi số thường là cách tốt nhất để giải quyết các bài toán mục tiêu kép.

Có một khó khăn khác nữa của bất kỳ địa phương nào là đào tạo qui trình làm việc. Con người bây giờ có quá nhiều mối quan tâm và vì thế rất khó chú tâm vào một việc. Học thì nhanh quên. Và lại có quá nhiều thứ phải học. Cứ mỗi lần có thay đổi gì, về qui định mới hay qui trình làm việc mới, là lại phải đào tạo, huấn luyện hàng chục, hàng trăm ngàn người. Vậy có cách nào không đào tạo mà vẫn là đào tạo không? Nếu như mọi người đều làm việc trên một nền tảng số, các qui định và qui trình làm việc đều đã được tích hợp vào trong nền tảng này, mọi hoạt động đều diễn ra trên nền tảng này, tách ra khỏi nền tảng là không làm việc được, các bước đã được lập trình và con người chỉ phải ra quyết định Yes or No ở từng bước thì cái hay quên nhất, dễ nhầm nhất là qui trình thì không bao giờ bị sai vì máy đã nhớ hộ con người. Và khi có một thay đổi mới, một qui trình mới thì chỉ cần lập trình lại nền tảng, và ngày hôm sau thì cả trăm ngàn người sẽ làm việc theo qui trình mới giống nhau như một, như là đã qua cả năm đào tạo, đó là vì không theo qui trình mới thì máy tính không chạy. Và đây cũng là cách tốt nhất để nâng cao mặt bằng của đội ngũ công chức, viên chức nhà nước.

Việc của con người là ra các quyết định để đạt mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu của chúng ta không phải là qui trình. Nhưng qui trình thì phải tuân thủ. Nếu không có sự trợ giúp để làm đúng qui trình thì mọi chú ý của con người sẽ tập trung vào qui trình và khi đó qui trình trở thành mục tiêu. Máy tính và công nghệ số sẽ giúp chúng ta quay về với giá trị đích thực của con người là ra các quyết định đúng để đạt mục tiêu cuối cùng chứ không phải là tuân thủ các qui trình.

Đào tạo tri thức chuyên môn sẽ là một khó khăn nữa đối với bất kỳ tổ chức nào. Tổ chức đào tạo tập trung thì tốn kém và cán bộ công chức bận việc cũng rất khó tìm được thời gian đi học. Cán bộ lãnh đạo thì còn ít thời gian hơn nữa để đi học. Và kết quả là cán bộ của ta ít được cập nhật kiến thức, làm việc theo kinh nghiệm. Nhưng nếu có một nền tảng đào tạo online, đưa nội dung đào tạo lên nền tảng, mọi người có thể tự học, tự thi lúc rảnh rỗi thì vấn đề sẽ được giải quyết. Mỗi quí có thể yêu cầu mỗi cán bộ công chức học một khoá ngắn và phải thi đạt yêu cầu. Nội dung gì thì do địa phương quyết định. Có bộ phận thiết kế nội dung cho sinh động. Nền tảng đã có sẵn các công cụ hỗ trợ thiết kế nội dung nên công việc làm nội dung cũng đơn giản đi nhiều. Nền tảng cũng hỗ trợ việc thi online. Một quý 90 ngày, ai muốn học, muốn kiểm tra bất kỳ lúc nào cũng được. Linh hoạt như vậy thì cán bộ, công chức sẽ rất vui vẻ để học. Các địa phương cần có một nền tảng đào tạo trực tuyến.

CĐS thì phải luôn hướng tới người dân. Chúng ta đã nói đến các nền tảng số cho chính quyền. Chúng ta có nên phát triển các nền tảng số để hỗ trợ người dân không? Người dân luôn là mục tiêu cuối cùng của chúng ta. Hỗ trợ người dân tốt thì cũng sẽ giảm tải cho cả hệ thống chính quyền. Bởi vậy, việc xây dựng các nền tảng hỗ trợ người dân nên được coi là công việc của chính quyền. CĐS chính quyền thì nội dung quan trọng là CĐS đối tượng phục vụ của chính quyền. Công khai thông tin để người dân có thể truy cập qua mạng là bước đầu tiên. Một trợ lý ảo để người dân có thể hỏi về các vấn đề pháp lý, về dịch vụ công của chính quyền là bước tiếp theo. Một nhà tư vấn ảo, người dân đưa vào các thông tin để hỏi nhà tư vấn này xem nên làm gì, là CĐS mức cao. Tất cả những nội dung này nghe thì có vẻ phức tạp nhưng thực tế triển khai thì không phức tạp và có thể mang lại giá trị thực tiễn rất lớn cho người dân.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các nền tảng này. Vấn đề còn lại là chính quyền thay đổi, điều chỉnh thể chế để chấp nhận các mô hình vận hành mới trên không gian mạng. Bởi vậy mà nhiều người nói, CĐS là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ.

Tại sao nhiều dự án CNTT không thành công, không mang lại hiệu quả như mong muốn? Không phải do CNTT khó mà lại là do CNTT dễ. Để viết được một sản phẩm CNTT 4-5 điểm, tức là chạy được, thì rất nhiều người làm được, nhà nhà có thể làm được. Nhưng sản phẩm CNTT 4-5 điểm mà đưa vào sử dụng thì bất tiện hơn là không có, và vì vậy, không được đón nhận. Chỉ có sản phẩm CNTT xuất sắc thì mới thay thế được cách làm cũ. Nhưng một sản phẩm CNTT xuất sắc thì lại rất không dễ, số người có thể làm được giảm xuống đáng kể. Bởi vậy mà việc chọn đúng người làm có ý nghĩa quyết định đến thành công của một dự án CNTT.

Một trong những yếu tố quyết định thành công và hiệu quả của ứng dụng CNTT là hãy biến nó thành một nền tảng làm việc của toàn bộ tổ chức, nếu không vào nền tảng này là không làm việc được, mọi hoạt động của công chức, viên chức phải được thực hiện trên nền tảng, không còn công việc nào diễn ra ngoài nền tảng. Và cũng vì vậy mà có thể giao việc cho từng người trên nền tảng, theo dõi kết quả công việc trên nền tảng theo thời gian thực, đánh giá tự động kết quả công việc của từng đơn vị cũng như của từng người, cũng là trên nền tảng. Quản trị thực thi sẽ rất khó thực hiện nếu như mọi người không làm việc trên một nền tảng số dùng chung.

Xin chúc cho công cuộc CĐS của các địa phương diễn ra nhanh, hiệu quả và người dân được hưởng lợi nhiều nhất từ công cuộc này!

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông